Lào Cai: Đa dạng hóa các hình thức đưa thông tin về cơ sở

Không chỉ đa dạng nội dung thông tin, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lào Cai cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đưa thông tin về cơ sở.

 Công nhân Điện lực huyện Bảo Yên, Lào Cai tuyên truyền đến các hộ dân trong bản về cách sử dụng điện an toàn. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Công nhân Điện lực huyện Bảo Yên, Lào Cai tuyên truyền đến các hộ dân trong bản về cách sử dụng điện an toàn. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Đây là giải pháp được đưa ra tại "Hội thảo khoa học giải pháp nâng cao hiệu quả thông tin cơ sở" do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 10/12, tại thành phố Lào Cai.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, với đặc thù vị trí địa lý, công tác truyền thông đặc biệt quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh biên giới (cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng), tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Lào Cai. Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông ở cơ sở tại địa phương này là việc làm cấp bách và cần thiết.
Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã tăng cường tổ chức hoạt động tuyên truyền trực tiếp đến người dân ở cơ sở bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với đời sống tập quán, sinh hoạt, lao động, nhận thức của người dân vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của Lào Cai.

Nội dung sinh động, đảm bảo "nhanh, đúng, trúng, hiệu quả" được thể hiện bằng những hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu, những hoạt động tuyên truyền lưu động đã đưa các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện chính trị văn hóa, xã hội đến với nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, điểm mạnh nổi bật của hoạt động tuyên truyền lưu động của địa phương chính là sự lan rộng hướng mạnh về cơ sở. Các đội tuyên truyền lưu động đã đến từng thôn, bản biên giới với các đoàn nghệ thuật xung kích biểu diễn, tuyên truyền bằng tiếng địa phương.

Thực tế cho thấy, nhờ thực hiện hiệu quả, thường xuyên các hoạt động tuyên truyền lưu động, các hoạt động văn hóa văn nghệ, phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phát triển, góp phần phát huy đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương.
Bên cạnh đó, để chuyển tải thông tin cần thiết đến với người dân ở cơ sở, Lào Cai đang sử dụng các kênh thông tin báo chí, xuất bản (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, truyền hình internet, tạp chí, bản tin, sách); thông tin điện tử (báo điện tử, các trang, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội); tuyên truyền trực quan (panô, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay); tuyên truyền miệng (hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyển giao, truyền miệng, nhóm sở thích, sân khấu hóa). Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong các kênh thông tin trên có nhiều kênh đạt diện phủ sóng toàn tỉnh như: báo in, báo nói, báo hình, internet.
Những năm gần đây, hệ thống thông tin cơ sở được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng. Lào Cai hiện có 164/164 xã, phường, thị trấn có trạm truyền thanh; 1.785/2.176 thôn, bản có cụm loa truyền thanh. Hiện tỉnh Lào Cai có 34 bản tin; đã cấp phép trên 600 tài liệu không kinh doanh cho các cơ quan, đơn vị phục vụ thông tin cơ sở.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, vấn đề đặt ra là: Người dân có dễ dàng tiếp cận được các kênh thông tin đó không? Mong muốn tiếp cận thông tin qua kênh nào? Thông tin đó có là thông tin mà người dân mong muốn hay không? Người dân có đủ trình độ, nhận thức, điều kiện cơ sở vật chất để tiếp cận thông tin? Tác động của những thông tin đó đến đâu? Thời lượng, thời gian của thông tin như thế nào là phù hợp?
Theo ông Trần Nguyên Tuấn, Trưởng phòng Tuyên truyền và Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai, thời gian tới không chỉ đa dạng nội dung thông tin, Lào Cai cần đa dạng hóa các hình thức đưa thông tin về cơ sở: Tăng cường công tác tuyên truyền miệng; thông tin tuyên truyền qua hình thức trực quan; nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn và Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố; tuyên truyền qua hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; xuất bản các bản tin thông tin cơ sở, trang thông tin điện tử.

Công tác thông tin cần tăng cường qua hệ thống truyền thanh, truyền hình cấp huyện và hệ thống trạm truyền thanh cơ sở, cụm loa truyền thanh thôn, bản, chương trình truyền thông và tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương. Đặc biệt, Lào Cai cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông hiện đại để tổ chức thực hiện công tác thông tin cơ sở.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tố Uyên đề xuất, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền của đội tuyên truyền lưu động, địa phương cần nâng cao mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho đơn vị bởi đây là công cụ chỉ đạo thông tin tuyên truyền, vận động trực tiếp của Đảng, chính quyền tới quần chúng ở cơ sở, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh nhất định.

Việc xây dựng đội tuyên truyền lưu động phải được đầu tư cơ bản từ tỉnh xuống cơ sở một cách vững mạnh để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa thông tin, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.
Các đại biểu cũng thống nhất, để nâng cao hiệu quả thông tin cơ sở trong giai đoạn tới, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thông tin cơ sở. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là người đứng đầu có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở, chú trọng các địa bàn còn nhiều khó khăn, thực hiện chưa tốt; lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, củng cố tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở hiện có nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tế địa phương./.

Hương Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/lao-cai-da-dang-hoa-cac-hinh-thuc-dua-thong-tin-ve-co-so/142206.html