Lào Cai chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

Ðến nay, với 35 xã đạt chuẩn, Lào Cai dẫn đầu các tỉnh miền núi phía bắc trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Do đặc thù của địa phương miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thường xảy ra thiên tai phức tạp, tỉnh Lào Cai đang tập trung nguồn lực, với các giải pháp cụ thể để duy trì, nâng cao chất lượng nông thôn mới.

Nông dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương trồng dứa xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân xã Bản Lầu, huyện Mường Khương trồng dứa xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc dễ làm trước, khó làm sau

Bản Qua là xã biên giới thuộc huyện vùng cao Bát Xát, có 16 thôn, gồm ba dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Giáy chiếm 53%. Khi bắt tay vào XDNTM, Bản Qua gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là về giao thông; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp; môi trường nông thôn còn nhiều hạn chế, nhưng nhờ biết chọn làm trước những phần việc dễ, được nhân dân đồng thuận cao, biết huy động sức dân, nguồn lực xã hội hóa cho nên Bản Qua được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2016, là xã thứ tư của huyện đạt danh hiệu này. Về Bản Qua những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” ở xã giàu truyền thống cách mạng. Cơ sở hạ tầng và các công trình thiết yếu phục vụ đời sống người dân được xây dựng khang trang; hệ thống giao thông nội đồng được cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thôn, bản phong quang, sạch đẹp. Ðời sống người dân được nâng cao một bước.

Theo đồng chí Bùi Công Khanh, Phó Chánh Văn phòng điều phối XDNTM của tỉnh, Lào Cai thực hiện nguyên tắc: Nội dung nào dễ, ít vốn làm trước, khó, nhiều vốn làm sau. Nơi nào được sự đồng thuận của nhân dân làm trước, chưa đồng thuận thì làm sau; không đầu tư dàn trải. Các nội dung, công việc triển khai theo thứ tự ưu tiên; các danh mục công trình, kế hoạch đầu tư phù hợp với quy hoạch, do cộng đồng dân cư đề xuất, lựa chọn và người dân tự nguyện đóng góp… Xác định tư tưởng có thông thì việc làm mới thuận lợi, do đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, thông qua các hội nghị, họp dân, tập huấn kiến thức về xây dựng NTM… Những việc làm này, giúp người dân hiểu, chính họ vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả đạt được. Cùng với đó, tổ chức các hội nghị trưng cầu ý kiến của nhân dân về quy hoạch, đề án XDNTM trên cơ sở bảo đảm khách quan, dân chủ; vì vậy, các chủ trương, nghị quyết xã đưa ra đều đúng, trúng, sát thực tế cơ sở, được người dân đồng tình, ủng hộ cao. Hằng tháng, các xã tổ chức giao ban định kỳ, thông qua đó, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.

Nhờ dân chủ, công khai, minh bạch nên đã tạo được sự đồng thuận cao, huy động được sức dân và nguồn xã hội hóa từ hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ trên địa bàn để XDNTM. Tính đến nay, tỉnh Lào Cai có 35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia. Qua tám năm XDNTM, tỉnh đã huy động xã hội hóa được hơn 100 tỷ đồng, hơn ba triệu ngày công, người dân hiến 315 ha đất làm đường giao thông.

Nỗ lực nâng cao chất lượng nông thôn mới

Những ngày đầu thu, không khí lao động sản xuất, xây dựng thôn kiểu mẫu ở xã đạt chuẩn NTM Quang Kim, huyện Bát Xát càng sôi động khi bước vào đợt cao điểm thu hoạch các loại dưa Kim hoàng hậu, Kim cô nương, dưa lưới Nhật Bản và “tổng động viên” xây dựng nhà vệ sinh, trạm cấp nước, vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Gia đình anh Lùng Văn Ðài, ở thôn Pẳn 1, vừa xây xong căn nhà hai tầng khang trang, đồng bộ. Anh Ðài cho biết, mới đầu tư hàng trăm triệu đồng để lắp đặt nguồn nước sạch, xây nhà vệ sinh hợp chuẩn, bảo đảm tiêu chí môi trường của thôn kiểu mẫu. Thôn Pẳn 1, có 83 hộ đồng bào dân tộc Giáy, bên cạnh việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về kinh tế, việc làm, giao thông, điện, cơ sở văn hóa… bà con dồn sức vào các tiêu chí như nước sạch, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thôn Làng Kim có 59 hộ người Giáy, đến nay hoàn thành toàn bộ các tiêu chí về nước sạch, công trình phụ trợ và vệ sinh môi trường. Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết, xã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2014. Ðến nay, Quang Kim có 1.491 trong số 1.519 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; toàn bộ hộ dân ở các thôn vùng sâu, vùng xa có hố rác, thực hiện phân loại và xử lý rác tại chỗ. Xã hiện có 18 tổ thu gom rác thải, người dân duy trì mỗi tháng 1 đến 2 lần vệ sinh môi trường chung quanh cũng như các tuyến đường liên thôn... Nhiều năm nay, xã Quang Kim không xảy ra dịch bệnh, không có vụ ngộ độc thực phẩm nào, người dân khi ốm đau đều đến trạm y tế khám, điều trị.

Bên cạnh những xã làm tốt việc duy trì và nâng cao chất lượng XDNTM, ở Lào Cai có bốn xã NTM sau khi đạt chuẩn đã bị “tụt dốc”, đó là: Nậm Cang, Nghĩa Ðô, Tả Phời và Phú Nhuận. Nguyên nhân “tụt dốc”, là do thiên tai (mưa tuyết) và một phần từ sự chủ quan, “chững” lại của lãnh đạo xã và các sở, ngành được phân công giúp đỡ. Trong số 35 xã đạt chuẩn NTM, các tiêu chí khó duy trì là thu nhập, hộ nghèo, môi trường và hình thức sản xuất ở địa phương. Những tiêu chí này phụ thuộc rất lớn vào trình độ sản xuất, năng lực tiếp thu khoa học kỹ thuật, tập quán và thói quen sinh sống và nguồn lực đầu tư… Ðể giải bài toán này, tỉnh Lào Cai xây dựng đề án XDNTM giai đoạn 2016 - 2020, tập trung vào những xã có đủ điều kiện, theo phương châm “chậm nhưng chắc”, không chạy theo số lượng, không châm chước tiêu chí. Tỉnh ban hành “Bộ tiêu chí NTM” và “Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao” phù hợp với thực tiễn, bảo đảm vừa duy trì vừa nâng cao chất lượng XDNTM ở địa phương. Sau hai năm phát động phong trào xây dựng thôn kiểu mẫu, đã có 25 thôn đạt các tiêu chí này.

Ðồng chí Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung mạnh vào phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Các huyện, xã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển mạnh ngành nghề để thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo việc làm, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, theo phương châm “mỗi xã một sản phẩm”. Tập trung xử lý rác thải, nước thải, chất thải chăn nuôi, tạo sự chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp.

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37513102-lao-cai-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-nong-thon.html