Lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô đã bán bằng đại học như thế nào?

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án 'Giả mạo trong công tác' xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ, Cơ quan ANĐT đề nghị Viện Kiểm sát truy tố các bị can nguyên là cán bộ Trường Đại học Đông Đô gồm: Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng; Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục; Lê Ngọc Hà, Phó hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên; Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Tài chính, kế toán; Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương, cán bộ Trường Đại học Đông Đô, về tội “Giả mạo trong công tác”.

Không học vẫn được cấp bằng

Trường Đại học Dân lập Đông Đô được thành lập ngày 3-10-1994; là cơ sở đào tạo đại học chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Ngày 17-2-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định chuyển đổi Trường Đại học Dân lập Đông Đô sang loại hình trường đại học tư thục, hoạt động theo quy định của Điều lệ trường đại học... Ngày 9-6-2017, UBND TP Hà Nội có quyết định công nhận Trần Khắc Hùng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô, nhiệm kỳ 2017-2022. Ngoài Trần Khắc Hùng góp vốn 37,2 tỷ đồng, Trường Đại học Đông Đô còn có 4 thành viên góp vốn khác...

Trường Đại học Đông Đô.

Trường Đại học Đông Đô.

Quá trình hoạt động, Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGĐT ngày 26-6-2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đạo tạo cấp bằng đại học thứ hai, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh (Văn bằng 2 tiếng Anh). Nhưng từ năm 2015 đến năm 2017, Trường Đại học Đông Đô đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT (Vụ Kế hoạch tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và từ năm 2017, Vụ Giáo dục Đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong đó có chỉ tiêu hệ văng bằng 2 chính quy.

Theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng, từ tháng 4-2017, Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng và Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, đã ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân; đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo. Trong đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho Trường Đại học Đông Đô tổng số tiền là 24,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Trường Đại học Đông Đô cung cấp tài liệu chỉ xác định được 2.523 người đã nộp tổng số tiền là hơn 18,2 tỷ đồng. Trong số tiền đã thu, Trường Đại học Đông Đô chỉ sử dụng 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi hệ văn bằng 2 tiếng Anh, số tiền còn lại sử dụng phục vụ hoạt động chung của trường; chứng từ liên quan đến việc chi tiền, Trường Đại học Đông Đô cung cấp không đầy đủ nên không có cơ sở để xác định cụ thể... Đây là một trong những thủ đoạn tinh vi của các bị can nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định: Trong quá trình tổ chức tuyển sinh, đào tạo hệ văn bằng 2 tiếng Anh, đầu năm 2018, vì mục đích lợi nhuận, Hùng còn chỉ đạo ban giám hiệu và nhân viên của Trường Đại học Đông Đô gồm: Hòa, Oanh, Hà, Quang và các nhân viên Viện Đào tạo liên tục gồm: Thùy, Thái, Hiển; các nhân viên Viện 4.0 gồm Lương, Tâm và Huệ làm các thủ tục cấp Bằng cử nhân Ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy cho các cá nhân không qua đào tạo theo quy định.

Từ trái sang phải: Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng; Trần Khắc Hùng - Chủ tịch HĐQT.

Tại Viện Đào tạo liên tục, Trần Khắc Hùng giao cho Trần Kim Oanh, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, chỉ đạo các nhân viên là Thùy, Thái, Ngô Quang Hiển tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào; không đào tạo theo chương trình mà tổ chức hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng hình thức phát đề thi và đáp án cho học viên chép lại, cá biệt có trường hợp không phải hợp thức bài thi. Đến cuối năm 2018, sau khi thành lập Viện Đào tạo và Phát triển công nghệ 4.0 (Viện 4.0), Hùng còn giao cho Phó Viện trưởng Viện 4.0 là Oanh chỉ đạo nhân viên là Tâm và Lương nhận hồ sơ học viên, tổ chức hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi. Sau khi học viên hoàn thiện các bài thi, Thùy, Thái (tại Viện Đào tạo liên tục) hoặc Tâm (Viện 4.0) rọc phách, chuyển cho các giáo viên của Trường Đại học Đông Đô chấm bài, tổng hợp kết quả, lập bảng điểm khóa học cho từng học viên, lập và ký danh sách đề nghị in bằng cho Oanh hoặc Hà ký tại mục “Trưởng đơn vị”; Huệ ký xác nhận đã nộp tiền (mức tiền thu của từng cá nhân đều được Hùng chỉ đạo trực tiếp Huệ). Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định Hà còn ký tại mục “Ban in bằng” trên danh sách đề nghị in bằng. Sau khi in bằng, Hòa ký cấp phát cho các cá nhân.

Căn cứ vào các tài liệu thu giữ, Cơ quan ANĐT xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Toàn bộ 193 bằng giả do Trường Đại học Đông Đô cấp cho các cá nhân đều do Dương Văn Hòa ký với tư cách là Hiệu trưởng theo sự chỉ đạo của Trần Khắc Hùng. Cơ quan điều tra đã thu giữ được 177 bằng giả, trong đó có 67 bản chính, 110 bản phô tô. Trong đó, Quang ký nháy (ký tắt) trên 42 bằng. Trong quá trình điều tra đã thu giữ được 84 bảng điểm khóa học, trong đó Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, ký trên 73 bảng điểm, Lê Ngọc Hà, Phó hiệu trưởng, ký trên 11 bảng điểm. Trong số 193 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, chỉ có thông tin về Trường Đại học Đông Đô thu tiền của 161 trường hợp với tổng số tiền là 2,546 tỷ đồng đồng, 32 trường hợp còn lại không đủ cơ sở để xác định số tiền Trường Đại học Đông Đô đã thu.

Cơ quan Công an thi hành quyết định khởi tố bị can đối với một số đối tượng trong vụ án.

Làm giả quyết định để mua phôi bằng

Để có phôi in bằng giả, tháng 10-2018, sau khi Trường Đại học Đông Đô sử dụng gần hết số phôi bằng được Bộ GD&ĐT cấp theo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014, Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, đã chỉ đạo Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, làm giả Quyết định số 442/QĐ-ĐĐ ngày 19-10-2015 về việc công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 gồm 486 thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh (bản phô tô). Quang soạn thảo văn bản số 769/ĐĐ-ĐT&QLSV để Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký gửi Bộ GD&ĐT kèm bản phô tô Quyết định số 442/QĐ-ĐĐ ngày 19-10-2015 đề nghị mua 468 phôi bằng. Cũng theo chỉ đạo của Oanh, Quang tiếp tục soạn thảo Công văn số 851/ĐĐ-ĐT&QLSV ngày 28-11-2018 để Hòa ký gửi Bộ GD&ĐT mua thêm 835 phối bằng để in bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy.

Đến tháng 4-2019, Bộ GD&ĐT có yêu cầu trường Đông Đô giải trình về hoạt động đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh. Để che giấu hành vi sai phạm, Hiệu trưởng Dương Văn Hòa ký hợp thức các quyết định công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy để hợp thức việc cấp bằng giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định gồm: Quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học hệ văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018 ngày 25-5-2018 (47 sinh viên); Quyết định về việc công nhận tốt nghiệp Đại học văn bằng 2 hệ chính quy đợt 1 năm 2018 bổ sung ngày 2-8-2018 (15 sinh viên)...

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT có quyết định hủy bỏ, thu hồi các bằng cá nhân không đúng quy định và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh do Trường Đại học Đông Đô cấp không có giá trị.

Trong vụ án này, Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã lợi dụng những sơ hở của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi phạm tội của các bị can diễn ra trong thời gian dài, có tổ chức đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường Đại học Đông Đô nói riêng, gây ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục.

Do Trần Khắc Hùng bỏ trốn nên Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Trần Khắc Hùng, khi bắt được sẽ xử lý sau; đồng thời tách phần hồ sơ vụ án liên quan đến dấu hiệu sai phạm của đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT trong việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường Đại học Đông Đô để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hoàng Xuân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/lanh-dao-truong-dai-hoc-dong-do-da-ban-bang-dai-hoc-nhu-the-nao-620972/