Lãnh đạo TKV không biết hay thờ ơ trước việc làm mất giá trị lô cổ phần tại công ty VTTC?

Người đại diện vốn của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoán sản Việt Nam (TKV) và cán bộ của ngành Than đang tìm mọi cách để làm giảm giá trị lô cổ phần của TKV tại Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Vinacomin (VTTC) nhưng lãnh đạo Tập đoàn lại rất thờ ơ với việc này thông qua câu trả lời kiến nghị của cổ đông.

Khách sạn Biển Đông của Công ty VTTC

Khách sạn Biển Đông của Công ty VTTC

Trả lời kiến nghị của ông Nguyễn Mạnh Thắng, cổ đông của Công ty VTTC đối với những việc làm mà người đại diện vốn của TKV và giám đốc Công ty VTTC đang làm với công ty này, ông Lê Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc TKV đã đưa ra những ý kiến gây thất vọng cho người kiến nghị.

Theo đó, ông Lê Quang Dũng cho rằng, hiện nay Tập đoàn TKV chỉ còn sở hữu 36% cổ phần tại Công ty VTTC nên công ty này không phải là đơn vị thành viên của Tập đoàn. Ông Dũng cũng khẳng định, hiện nay Tập đoàn tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn tại Công ty VTTC theo kế hoạch được nêu trong Quyết định số 2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn TKV.

Đối với việc Công ty VTTC tăng vốn “bất thường” bằng hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư bên ngoài, ông Lê Quang Dũng cho biết, Tập đoàn TKV chỉ là một cổ đông, không có quyền cho phối và quyết định tăng vốn là việc của Đại hội đồng cổ đông Công ty VTTC nên việc tăng vốn phụ thuộc vào các cổ đông khác, TKV không có thẩm quyền quyết định việc này.

Đánh giá câu trả lời của lãnh đạo Tập đoàn TKV, Luật sư Trần Văn Toàn, ĐLS TP Hà Nội cho rằng, đây là câu trả lời thể hiện sự thờ ơ đối với những nguy cơ làm giảm giá trị lô cổ phần của TKV tại Công ty VTTC, thậm chí là thiếu trách nhiệm trong việc bảo toàn giá trị tài sản nhà nước.

Luật sư Trần Văn Toàn cho rằng, việc đại diện TKV bỏ phiến “tán thành” hay “không tán thành” có tính chất quyết định đối với việc Công ty VTTC có được tăng vốn hay không.

Vì, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và điều lệ Công ty VTTC thì việc quyết định số lượng cổ phần và tổng số cổ phần được chào bán của từng loại phải được ít nhất 65% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong khi đó, TKV nắm giữ 36% cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết nên nếu TKV nói “không tán thành” thì chắc chắn nghị quyết về chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn không thể được thông qua. Do đó, việc Phó tổng giám đốc TKV nói rằng, TKV chỉ là một cổ đông, không có quyền quyết định việc tăng vốn là hoàn toàn không đúng.

Với việc lãnh đạo TKV trả lời như trên, câu hỏi đặt ra là thực sự lãnh đạo TKV có biết mục đích thực sự của kế hoạch tăng vốn mà Giám đốc Công ty VTTC đang thực hiện?

Về việc tăng vốn này có rất nhiều điểm bất thường. Trong tờ trình tăng vốn, số tiền tăng thêm từ đợt chào bán cổ phần cho nhà đầu tư được dự kiến để sử dụng để đầu tư xây dựng khách sạn Biển Đông tại TP Hạ Long hoặc bổ sung nguồn vốn lưu động, phục vụ hoạt động thường xuyên của Công ty. Theo Luật sư Ngô Trung Kiên, ĐLS tỉnh Hà Giang thì đối với các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, việc chào bán cổ phần để huy động vốn đầu tư hoặc bổ sung vốn lưu động là điều hiếm khi xảy ra, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng như Công ty VTTC.

Việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư theo hình thức chào bán riêng lẻ thực sự không phải là để thu về vài tỷ đồng làm vốn đầu tư, mà mục đích chính là để làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn của TKV tại công ty này xuống mức nhỏ hơn 30%. Theo tính toán, với số cổ phần phát hành thêm là 625 nghìn cổ phần, tỷ lệ sở hữu vốn của TKV sẽ giảm xuống còn 28% vốn điều lệ.

Đây rõ ràng mới là mục đích thực sự của việc phát hành cổ phần theo hình thức chào bán riêng lẻ mà Giám đốc Công ty VTTC thực hiện. “Bởi lẽ, nếu là việc huy động vốn để sử dụng thì công ty có thể thực hiện chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, vì với phương thức này, công ty vẫn huy động được vốn nhưng không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông”, Luật sư Ngô Trung Kiên nhận định.

Bên cạnh đó, chính Giám đốc Công ty VTTC đã trình phương án kéo dài thời hạn thoái vốn của TKV đến năm 2022, với hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2018-2020) sẽ giảm vốn của TKV tại công ty VTTC xuống còn 29%; giai đoạn 2 (2020-2022) sẽ bán nốt số cổ phần còn lại. Câu hỏi là tại sao bà Giám đốc Nguyễn Đoan Trang lại muốn cổ phần của TKV về 29% vốn điều lệ trước khi về 0% theo hai giai đoạn nêu trên?

Nếu nhìn vào việc kéo dài thời gian thoái vốn của TKV và chào bán cổ phần riêng lẻ mà Giám đốc Công ty VTTC đã làm thì rõ ràng, đây là hai cách làm khác nhau nhưng cùng một mục đích là làm giảm tỷ lệ sở hữu vốn của TKV trước khi bán lô cổ phần này.

Với lô cổ phần chiếm tỷ lệ 36% vốn điều lệ, người sở hữu lô cổ phần này có thể ngăn chặn nhóm cổ đông 64% còn lại ra các quyết định bất lợi cho công ty. Nhưng nếu chỉ sở hữu 29% vốn điều lệ, người sở hữu số cổ phần này sẽ không quyết định được điều gì. Vì thế, đương nhiên giá trị lô cổ phần chiếm 36% vốn điều lệ này sẽ rất khác giá trị lô cổ phần 29%.

Câu hỏi đặt ra là lãnh đạo Tập đoàn TKV không biết việc làm của Giám đốc Công ty VTTC hay biết nhưng thờ ơ? Rõ ràng đây là vấn đề lợi ích của nhà nước đã bị xem nhẹ, đặc biệt là trong bối cảnh luôn có nghi ngờ “lợi ích nhóm” trong các vụ việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hiện nay.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Bình Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/lanh-dao-tkv-khong-biet-hay-tho-o-truoc-viec-lam-mat-gia-tri-lo-co-phan-tai-cong-ty-vttc-455453.html