Lãnh đạo tỉnh từ chối nhà đầu tư vì... không biết rõ CPTPP

Lãnh đạo tỉnh rất tiếc vì đã không cấp phép, không chào đón nhiều nhà đầu tư đến để đầu tư các mảng thiếu, yếu của ngành dệt may vì chưa biết đến các yêu cầu, các quy tắc khó của CPTTP….

Chia sẻ tại Hội thảo CPTPP với doanh nghiệp Việt lợi ích hay thách thức, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, ai cũng nói khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngành dệt may được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng nếu không có những hỗ trợ phù hợp cơ hội sẽ biến thành thách thức.

Dệt may Việt Nam hiện nay là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về thu dụng lao động với khoảng 2,7 triệu người, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu sau điện thoại và linh kiện - năm 2018 đạt 36,1 tỷ USD, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngành nằm trong top 3 trong số các nước xuất khẩu dệt may thế giới, sau Trung Quốc, Ấn độ. Kim ngạch nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2018 đạt 21,8 tỷ USD.

Ngành dệt may được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, nhưng với điều kiện là xuất xứ nguyên liệu từ các thành viên nội khối

Ngành dệt may được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, nhưng với điều kiện là xuất xứ nguyên liệu từ các thành viên nội khối

Điểm nghẽn chính của ngành dệt may là sự phụ thuộc của nguyên liệu đã được ông Cẩm nhắc tới nhiều lần. Tuy nhiên, đến nay, khi CPTPP đưa vào thực thi, bất cập này càng đáng lo ngại. Bởi lẽ, hiện Việt Nam phải nhập khẩu tới 99% bông, xơ sợi tới 70% và với vải 80% tổng nhu cầu của ngành đến từ nước ngoài. Bất cập nhất, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, dù 80% vải nhập khẩu từ nước ngoài, chỉ 10% trong số này từ Nhật Bản và các nước trong khối CPTPP. Trong khi đó, ưu đãi từ CPTPP chủ yếu dành cho nội khối. Mặc dù Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công. Về trình độ lao động, 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông.

Đại diện Hiệp hội Dệt may nhấn mạnh, khi tham gia CPTPP, Việt Nam phải giải quyết được khâu sản xuất vải. Khâu sợi cũng khó nhưng không khó bằng dệt vải. Ông Cẩm kiến nghị nên phê duyệt cụm công nghiệp tập trung trong đó có khu xử lý nước thải.

Đồng tình với kiến nghị của ông Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Sơn chia sẻ để xây dựng được chuỗi cung ứng cho ngành dệt may, Hàn Quốc, Trung Quốc đã xây dựng các mô hình khu công nghiệp hỗ trợ hiệu quả.

Theo ông Sơn, tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp lớn đều xây dựng chuỗi cung ứng, khu công nghiệp với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Khi tập trung về một khu vực, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng xử lý, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào một khâu còn khâu sản xuất vải sẽ được lấy từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các khu vực khác... Việt Nam cần nghiên cứu, ứng dụng mô hình này.

Trước đây, ông cho rằng một phần chính sách phát triển có vấn đề, những mảng cần ưu đãi nhiều lại không có. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được các doanh nghiệp sản xuất vải lớn trong nước, dẫn đến phải nhập khẩu đến 12,8 USD vải.

Ông kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách để doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn. Nhiều nơi có thể phát triển mô hình này nhưng hiện các tỉnh mới nhận thức có mức độ, 80-90% nói không với dệt nhuộm bởi lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hưởng lợi, câu hỏi đặt ra là làm sao để thu hút doanh nghiệp, trong đó, giải pháp tốt nhất là xây dựng các khu công nghiệp tập trung.

Hiện, vấn đề thu hút nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế bởi các trường đại học ít đào tạo ngành này, các ngành cũng chưa có chính sách để thu hút sinh viên. Ông nêu ví dụ về một nhà máy dệt ở khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định) mới khánh thành có công suất lên đến 3 triệu mét vải một năm. Do không có nguồn nhân lực, công ty này phải thuê nhân lực từ nước ngoài nhưng vẫn không đạt yêu cầu. Vì vậy, Việt Nam nên hợp tác với các nước có thế mạnh để hỗ trợ nhau đào tạo nhân lực.

Thuế VAT cũng là vấn đề nhức nhối của nhiều doanh nghiệp. Theo ông Sơn, các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam được miễn thuế nhưng các công ty trong nước cung ứng cho nhau lại mất thuế VAT. Vấn đề này cần được nghiên cứu và làm rõ.

Chia sẻ thêm về khó khăn của ngành dệt may, bà Bùi Kim Thùy, nguyên thành viên Đoàn đàm phán các FTA của Việt Nam chia sẻ câu chuyện lãnh đạo tỉnh Bắc Giang có mời bà về trình bày về CPTTP.

Bà Thùy cho hay, khi bà nói về ngành dệt may, lãnh đạo tỉnh rất tiếc vì đã không cấp phép, không chào đón nhiều nhà đầu tư đến Bắc Giang để đầu tư các mảng thiếu, yếu của ngành dệt may vì chưa biết đến các yêu cầu, các quy tắc khó của CPTTP.

Ngành sản xuất vải liên quan nhiều đến yếu tố sản xuất, xả thải nên nhiều nhiều tỉnh không ưu ái vì còn lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường. Bà Thùy kiến nghị, Chính phủ cần đưa ra những chính sách minh bạch, ổn định, nhất quán, tạo đường cho các doanh nghiệp để họ bắt kịp với nền công nghiệp 4.0.

Minh Thư

Từ khóa: CPTPP Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương doanh nghiệp hiệp hội dệt may thách thức với doanh nghiệp quy tắc CPTPP lãnh đạo tỉnh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/lanh-dao-tinh-tu-choi-nha-dau-tu-vi-khong-biet-ro-cptpp-post288269.info