Lãnh đạo tỉnh làm việc với huyện Kỳ Sơn về công tác khắc phục lũ quét và tái định cư

Làm việc với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị huyện và ngành Nông nghiệp rà soát rõ nguồn gốc khu đất tái định cư một cách cụ thể, để báo cáo tỉnh.

Sáng 7/11, UBND tỉnh tổ chức kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ và việc triển khai tái định cư trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; cùng đi có đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Ảnh: Xuân Hoàng

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước khi làm việc với huyện Kỳ Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn trực tiếp đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do lũ ống, lũ quét vừa qua; khảo sát khu đất tái định cư do huyện đề xuất tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ.

Báo cáo của huyện Kỳ Sơn cho biết, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 4, từ ngày 28/9 đến ngày 2/10/2022, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 190mm - 250mm.

Đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ quét tại trung tâm bản Hòa Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Mưa lớn trên diện rộng ở nhiều xã đã làm sạt lở đất, đường giao thông, thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp; lũ ống, lũ quét làm chết người, trôi sập, hư hỏng nặng về nhà ở, cuốn trôi, vùi lấp nhiều tài sản của người dân, ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của Nhân dân.

Lũ quét đã làm chết 1 người; 55 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 49 nhà thiệt hại từ 50%-70% ; 61 nhà thiệt hại từ 30%-50%; 123 nhà thiệt hại dưới 30%; 64 nhà bị ngập nước dưới 1m; 269 nhà phải di dời khẩn cấp.

Ngoài ra, lũ còn gây thiệt hại nhiều đối với lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, nước sạch, điện... Tổng thiệt hại do lũ gây ra ước tính 215 tỷ đồng.

Trung tâm Chính trị huyện Kỳ Sơn đã trở lại làm việc bình thường sau nhiều ngày khắc phục hậu quả lũ quét. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngay sau khi xảy ra lũ ống, lũ quét, huyện Kỳ Sơn đã khẩn trương trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương, đơn vị, huy động toàn bộ lực lượng tham gia ứng cứu, giúp sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn... Các giải pháp khắc phục hậu quả được thực hiện trong suốt thời gian dài.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xem sơ đồ khu tái định cư tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với vấn đề tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét, huyện Kỳ Sơn báo cáo khu tái định cư đã được khảo sát tại bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, với tổng diện tích gần 13 ha, đủ để bố trí tái định cư cho 225 hộ dân. Tổng mức đầu tư xây dựng khu tái định cư ước khoảng 70 tỷ đồng. Đến nay, UBND huyện đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến người dân.

Khu vực bản Cầu 8, xã Tà Cạ (khoanh tròn) được huyện Kỳ Sơn chọn làm khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ ống, lũ quét vừa qua. Ảnh: Xuân Hoàng

Làm việc với UBND tỉnh, huyện Kỳ Sơn kiến nghị, đề xuất Trung ương, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh sớm phê duyệt chủ trương và hỗ trợ kinh phí dự án tái định cư cho các hộ dân vùng lũ quét Tà Cạ, Sơn Hà… đến nơi ở mới an toàn.

Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới các công trình nước sinh hoạt, bố trí kinh phí khắc phục hệ thống giao thông, thủy lợi bị hư hỏng bởi sự tàn phá của lũ ống, lũ quét.

Huyện Kỳ Sơn đề xuất tỉnh, tách dự án tái định cư thành 2 giai đoạn, thuộc 2 nguồn vốn đầu tư khác nhau: Nguồn dự phòng của tỉnh và nguồn vốn của quỹ thiện tâm.

Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cùng đoàn làm việc với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện nay, số hộ đã bị lũ cuốn trôi nhà và sập nhà vẫn đang phải ở nhà người thân, hoặc thuê nhà để ở. Do vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là tỉnh cần sớm ban hành lệnh công bố thiên tai khẩn cấp, khi đó khu tái định cư mới được ưu tiên tối đa để huyện tiến hành triển khai xây dựng khu tái định cư kịp tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng cho dân làm nhà, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn đề xuất tỉnh một số vấn đề về công tác tái định cư cho người dân. Ảnh: Xuân Hoàng

Sau khi nghe các ý kiến của lãnh đạo các Sở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ kết luận: Đồng ý kiến nghị của huyện Kỳ Sơn thống nhất xây dựng khu tái định cư thành 2 giai đoạn, theo 2 nguồn vốn đầu tư. Huyện khảo sát lại hộ dân cần tái định cư và tham khảo ý kiến của người dân. Đề nghị huyện và ngành nông nghiệp rà soát rõ nguồn gốc khu đất tái định cư một cách cụ thể, để báo cáo tỉnh.

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/lanh-dao-tinh-lam-viec-voi-huyen-ky-son-ve-cong-tac-khac-phuc-lu-quet-va-tai-dinh-cu-post261186.html