Lãnh đạo Sở GTVT Hậu Giang 'lên tiếng' về việc cấp phép bến phà bị cho 'thiên vị'

Phía người dân cho rằng, Sở GTVT và Ban Quản lý (BQL) các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hậu Giang đã 'thiên vị' khi cấp phép mở bến phà. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, do không có hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định nên người dân không được cấp phép, chứ không có chuyện 'thiên vị' trong quá trình cấp phép hoạt động bến phà.

Trên khúc sông có nhiều hơn 1 bến phà sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng, người dân hưởng lợi.

Trên khúc sông có nhiều hơn 1 bến phà sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng, người dân hưởng lợi.

“Không có đất làm sao cấp phép”?

Bà Nguyễn Thị Phát (ngụ thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) phản ánh, từ năm 2006 bà mở bến phà tại ấp Phú Bình (thị trấn Mái Dầm) và ấp Phú Hưng (xã Đông Phú, huyện Châu Thành) chạy qua sông Hậu bên bờ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Tuy nhiên, do khách thưa thớt nên sau đó bà nhiều lần xin di dời bến phà về lộ số 03 – KCN sông Hậu giai đoạn 1 (thuộc xã Đông Phú) nhưng BQL các KCN tỉnh Hậu Giang trả lời là không có quy hoạch mở bến phà nên không đồng ý.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Nhiều (chồng bà Phát), ông nộp đơn xin Sở GTVT cấp phép nhưng Sở yêu cầu phải có đất làm đường lên xuống bến mới thẩm định, cấp phép. Điều khiến gia đình không đồng tình là ngày 13/2/2019, có một bến phà mới hoạt động tại gần vị trí gia đình ông Nhiều xin di dời của bà Nguyễn Thị Ao (ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ): “Tại sao vợ chồng ông xin không cho mà bà Ao xin lại cho. Có phải là “thiên vị” cho bà Ao không?”, ông Nhiều nêu ý kiến.

Liên quan đến vấn đề này, theo tìm hiểu của PV, được biết BQL các KCN tỉnh Hậu Giang không có thẩm quyền cấp phép hoạt động bến phà. Tuy nhiên, vị trí gia đình bà Phát xin di dời bến phà đến thuộc phần đất trong KCN sông Hậu – giai đoạn 1.

Chính vì vậy, theo các văn bản trả lời của BQL các KCN tỉnh Hậu Giang thì phần đất này đã giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án nên không còn đất trống để giao cho gia đình bà mở bến phà. Vì lẽ đó, muốn mở bến phà tại địa điểm này, gia đình bà Phát phải liên hệ với doanh nghiệp được giao đất để thỏa thuận thuê hoặc mượn đất. Theo ông Nhiều, ông đã liên hệ Cty nhưng không gặp được lãnh đạo nên không thỏa thuận được.

Tuy nhiên theo tìm hiểu, phía Công ty CP Mekong Logistics (đơn vị được giao đất) đã có văn bản thống nhất cho hộ bà Ao tạm sử dụng phần đất này để xây dựng đường lên xuống bến phà nhằm phục vụ đưa rước công nhân từ bờ Vĩnh Long sang làm việc trong KCN.

Ngoài ra, đơn vị cho sử dụng tạm đất cũng khẳng định rằng, việc này là nhằm tạo điều kiện, chia sẻ đáp ứng nhu cầu đi lại của người lao động do số lượng công nhân làm việc cho Cty Cổ phần Thủy sản Minh Phú – Hậu Giang rất đông. Nếu như không có bến phà này thì việc di chuyển qua lại của người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn...

Cạnh tranh giúp người dân hưởng lợi

Ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang nói về vấn đề này như sau: Bà Ao và ông Hưng đã nhiều lần xin phép mở bến phà ngang sông Hậu và Sở cũng nhiều lần không đồng ý. Ông Hưng đã xin cấp phép 5 lần nhưng đến bây giờ mới đủ điều kiện chấp nhận: “Việc cấp phép

bến phà hoạt động chúng tôi thực hiện đúng theo Thông tư số 50/2014 của Bộ GTVT, quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa và Quyết định phê duyệt Quy hoạch bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Giải quyết cho ông Hưng, bà Phát, bà Ao hay bất kỳ người nào cũng đều như nhau, đều làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định”, ông Long nói.

Theo tìm hiểu của PV, việc mở các bến phà ngang sông ở các tuyến sông do Trung ương, tỉnh, hay huyện quản lý đều phải thực hiện theo quy định cũng như quy hoạch. Trong đó, Hậu Giang là địa phương quy hoạch bến khách ngang sông theo khoảng cách trên từng đoạn sông chứ không theo từng điểm cụ thể. Bến sau hình thành phải đảm bảo khoảng cách đúng quy định so với bến trước”, ông Long lý giải việc cấp phép bến phà này không sai quy hoạch.

Vẫn lời lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Hậu Giang, trước đây bà Phát có gửi đơn đến Sở xin mở bến phà, nhưng chỉ có đơn thôi chứ không có hồ sơ theo đúng quy định. Sau đó, Sở đã gửi Công văn số 695 ký ngày 03/7/2015, hướng dẫn thủ tục cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhưng không thấy bà Phát thực hiện.

Điều quan trọng và đáng nói là bà Phát cũng không có đất để xây dựng đường lên xuống bến, không có hợp đồng thuê đất hay thỏa thuận sử dụng đất nên Sở không thể thẩm định cấp phép. “Khi bến phà mới đi vào hoạt động thì bến phà của bà Phát vẫn hoạt động. Trên khúc sông có 2 bến phà, tạo sự cạnh tranh công bằng, điều này giúp người dân hưởng lợi”, ông Long nói.

Cũng cần khẳng định rằng, việc mở bến phà liên tỉnh phải có ý kiến thống nhất của 2 bên (tỉnh giáp ranh) chứ không do một phía quyết định. Cụ thể, tại Công văn số 283/SGTVT-CVĐTNĐ ngày 06/3/2017 của Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất việc xin mở bến phà này với tỉnh Hậu Giang.

Đình Thương- Nguyễn Cuộc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/lanh-dao-so-gtvt-hau-giang-len-tieng-ve-viec-cap-phep-ben-pha-bi-cho-thien-vi-440182.html