Lãnh đạo Sở Giáo dục TPHCM thừa nhận các trường gặp khó khi dạy Tiếng Việt 1

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, sau khi đi kiểm tra thực hiện chương trình, SGK lớp 1 cho thấy, các giáo viên, nhà trường gặp khó khăn khi triển khai dạy học môn Tiếng Việt. Sắp tới, Sở sẽ có hướng dẫn cho giáo viên thực hiện quyền tự chủ, tự tăng giờ dạy nếu trẻ tiếp thu khó khăn.

Có tới 80% trường tiểu học ở TP HCM chọn bộ sách Chân trời sáng tạo để dạy học.

Có tới 80% trường tiểu học ở TP HCM chọn bộ sách Chân trời sáng tạo để dạy học.

Theo ông Hiếu, Sở GD-ĐT TP HCM đã có đợt đi kiểm tra, nắm bắt tình hình dạy học thực tế ở các nhà trường tiểu học về việc thực hiện chương trình lớp 1 mới. Qua kiểm tra cho thấy, đúng như dư luận phản ánh, thầy cô, học sinh gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình. Trong đó, khó khăn rơi vào môn Tiếng Việt, các môn còn lại không có ý kiến gì.

Ông Hiếu cho biết, nhiều giáo viên phản ánh học sinh lớp 1 năm nay tiếp thu bài chậm hơn học sinh lớp 1 của các năm trước. Nguyên nhân có thể do những năm học trước, học sinh tựu trường từ 15/8, các em có 2 tuần đệm để làm quen với nề nếp, tập tô các nét chữ. Năm nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh tựu trường từ tháng 9, đa số các trường đều học sau khai giảng do đó, từ ngày 7-9 mới thực học.

Ngoài ra, năm học 2019-2020 do dịch bệnh COVID-19, chương trình lớp mẫu giáo 5-6 tuổi trong học kỳ II năm học 2019-2020 chỉ chuyển tải trong thời gian rất ngắn, không đầy đủ và kỹ lưỡng như bình thường. Do vậy, trẻ 5-6 tuổi không có giai đoạn làm quen với các con chữ, bước đầu nhận diện mặt chữ... trước khi vào lớp 1 rốt ráo như mọi năm.

“Vào học muộn, các trường cho học sinh vào học chương trình mới ngay. Ở những lớp học có sĩ số đông, cả giáo viên và học sinh lại càng vất vả, khó khăn lại khó khăn hơn”, ông Hiếu nói.

Trước thực tế đó, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, đơn vị giao quyền chủ động cho các nhà trường. Theo đó, tùy mức độ tiếp nhận của học sinh lớp mình, giáo viên sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học, nội dung bài dạy cho phù hợp chứ sở không bắt buộc giáo viên phải dạy theo thời lượng số tiết học một cách cứng nhắc.

Nếu giáo viên thấy học sinh lớp mình tiếp thu bài chưa tốt thì chủ động giãn tiến độ thực hiện chương trình. Bài học này có thể dạy 1 tiết nhưng nếu thấy học sinh khó khăn trong tiếp thu thì giáo viên có quyền chủ động tăng thời lượng giảng dạy lên 2 hay 3 tiết.

Trên thực tế, giáo viên vẫn chưa tự tin, chủ động tăng tiết dạy như vậy, do đó, sắp tới Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể để giáo viên được giao quyền chủ động trong giảng dạy.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho rằng, từ đầu năm học, trong văn bản hướng dẫn chuyên môn, đơn vị đã yêu cầu giáo viên không được tạo áp lực cho học sinh. Giáo viên không được chê, phê bình con viết chậm, viết xấu… Học sinh lớp 1 mới làm quen mặt chữ vài tuần, khó đòi hỏi các em phải viết đúng ô li, viết đẹp. Do đó, cần cho trẻ thời gian làm quen từ từ.

Năm nay, các trường học ở TP.HCM chủ yếu chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo” (chiếm 80%) do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/lanh-dao-so-giao-duc-tphcm-thua-nhan-cac-truong-gap-kho-khi-day-tieng-viet-1-1729804.tpo