Lãnh đạo quận Tây Hồ cần xem xét trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND phường Tứ Liên

Mặc dù không ban hành quyết định cưỡng chế nhưng UBND phường Tứ Liên vẫn tổ chức lực lượng cưỡng chế nhiều công trình của nhà dân.

Trong ngày 8/9/2017, UBND phường Tứ Liên đã huy động lực lượng, máy móc tới đập phá, san bằng toàn bộ khu nhà ở của 3 hộ gia đình tại cuối ngõ An Dương.

Chị Nguyễn Thị Thập, gia đình có nhà bị phá dỡ nghẹn ngào kể lại sự việc: “Tôi đang ốm nằm trong nhà thì có một đoàn người vào nhà tôi và nói rằng, ra khỏi nhà để Phường cưỡng chế.

Tôi rất hốt hoảng, bởi gia đình tôi hiện nay có 5 nhân khẩu, hai vợ chồng tôi và 3 đứa con còn nhỏ, các cháu đang ăn học chưa làm được gì.

Người dân bức xúc trước việc UBND phường Tứ Liên tổ chức cưỡng chế công trình mà không thông báo và quyết định gửi cho các hộ dân.

Tôi thắc mắc, không có thông báo cưỡng chế, không có Quyết định cưỡng chế nhưng tại sao UBND phường vẫn cho máy móc vào đập phá, san phẳng căn nhà duy nhất của gia đình tôi. Nhưng UBND phường không nghe mà vẫn tiếp tục cho máy vào đánh sập hoàn toàn ngôi nhà duy nhất của gia đình tôi.”

Do không còn nhà để ở nên hơn 1 tuần qua, gia đình chị Thập đang phải dựng tạm lều chõng, lán ngủ cạnh đống gạch ngói đổ nát.

Cũng theo chia sẻ của các hộ gia đình tại cuối ngõ 76 An Dương, khi phường Tứ Liên vào đập phá, tháo dỡ nhà của họ, các tài sản đang có trong nhà không được mang ra mà bị máy xúc, máy ủi cứ thề mà kéo sập mái tôn, tường nhà khiến tài sản của họ bị chôn vùi cùng đống đổ nát.

UBND phường Tứ Liên ra Thông báo chung chung rồi tiến hành tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm.

Ông Hoàng Phú Nghĩa, một trong những hộ gia đình có nhà bị phá dở bức xúc cho hay: “Chúng tôi rất bất bình vì những việc làm của phường Tứ Liên, họ cưỡng chế, đập phá nhà của chúng tôi không đúng quy trình, không có Quyết định cưỡng chế, không thông báo gì.

Hơn nữa, trong quá trình đập phá nhà cửa của chúng tôi họ không di chuyển những tài sản trong nhà ra mà cứ thế cho máy xúc kéo sập toàn bộ mái nhà, khiến đồ đạc bị chôn vùi, trong đó có những tài sản có giá trị như: ti vi, tủ lanh, xe máy, giường tủ, đồ dùng sinh hoạt,…”

lý giải cho việc cưỡng chế mà không có thông báo cũng như quyết định cưỡng chế đến từng hộ dân, ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND phường Tứ Liên cho rằng: “Tất cả các thủ tục và quy trình cưỡng chế đều được UBND phường tiến hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật”.

Công trình của người dân đã bị phá tan hoang.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc với PV Pháp luật Plus, khi nghe PV đề nghị cung cấp các văn bản thể hiện việc UBND phường làm đúng quy trình cưỡng chế như ông Quang trả lời? ông Lê Văn Thủy- PCT UBND phường cho biết: “UBND phường không ra thông báo cũng như quyết định cưỡng chế đến từng hộ”(?!).

Ông Lê Văn Thủy lý giải về việc này là do không xác định được chủ thể người vi phạm nên chỉ ra một thông báo chung là đến ngày này UBND phường sẽ tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm.

“UBND phường không biết được cá nhân nào xây dựng các công trình vi phạm nên không thể lập biên bản được. Do vậy không thể gửi các văn bản tới các hộ dân mà chỉ gián thông báo ngay trên công trình vi phạm”, ông Thủy cho hay.

Theo tìm hiểu của PV Pháp luật Plus, để tiến hành cưỡng chế, UBND phường Tứ Liên ban hành một thông báo về việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng.

UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra quy trình tổ chức cưỡng chế của UBND phường Tứ Liên.

Trong thông báo nêu: Tại khu vực bờ sông Hồng (cuối ngõ 76 An Dương) phường Tứ Liên, UBND phường Tứ Liên đã nhiều lần phối hợp cùng các ban ngành chức năng của phường, quận Tây Hồ và Chi cục quản lý Đê điều Hà Nội tổ chức giải tỏa các trường hợp xây dựng lều lán vi phạm Luật đê điều, trật tự xây dựng...

UBND phường yêu cầu cá nhân, tổ chức nào là chủ các công trình vi phạm tại khu vực trên phải tự khắc phục di chuyển toàn bộ vật dụng, vật liệu và tự tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm.

Quá thời hạn mà các chủ vi phạm không chấp hành, UBND phường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của phường, quận Tây Hồ và Chi cục đê điều và PCLB Hà Nội tổ chức giải tỏa các công trình vi phạm theo quy định.

Sau khi ban hành thông báo chung chung này, ngày 8/9, các lực lượng chức năng của phường Tứ Liên tiến hành tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm khiến nhiều hộ dân bức xúc kêu cứu.

Bởi lẽ những hộ dân cho rằng, UBND phường Tứ Liên không có thông báo hay quyết định cưỡng chế, bỗng dưng cưỡng chế khiến họ không kịp trở tay, bao nhiêu tài sản bị vùi trong đống đổ nát.

Trước những động thái này của UBND phường Tứ Liên, nhiều hộ dân đã gửi đơn phản ánh lên UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức không thực hiện đúng với các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân không bị xâm hại.

Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn- Công ty Luật Ngọc Tấn và Cộng sự phân tích: Hành vi cưỡng chế của UBND phường Tứ Liên với các hộ dân tại ngõ 76, phố An Dương là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi và tài sản của những người dân sinh sống tại các khu đất này như hộ bà Nguyễn Thị Thập, ông Hoàng Phú Nghĩa…...

Bởi lẽ, khi UBND phường Tứ Liên tổ chức hành vi cưỡng chế, trên thực tế thửa đất này các hộ dân trên đã có nhà cấp 4 từ trước năm 1993 và gia đình họ đang sinh sống ổn định không tranh chấp.

Do đó, việc UBND phường Tứ Liên khi thực hiện cưỡng chế hành chính không ban hành quyết định cưỡng chế và tống đạt văn bản này cho các hộ dân sinh sống trên khu đất, không ban hành thông báo cưỡng chế hành chính và tống đạt các văn bản này cho các hộ dân đang sinh sống thực tế ở trên các thửa đất này đã vi phạm các quy định của pháp luật đó là chưa nói việc sử dụng đất của người dân đã sử dụng ổn định liên tục trước năm 1993.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Minh Anh - Phùng Sơn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/lanh-dao-quan-tay-ho-can-xem-xet-trach-nhiem-quan-ly-nha-nuoc-cua-ubnd-phuong-tu-lien-d53822.html