Lãnh đạo PVN 'phản pháo' thông tin 'giải cứu dự án thua lỗ bằng 'mệnh lệnh hành chính'

Như ngày Nay đã thông tin, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang bị 'tố' dùng mệnh lệnh hành chính can thiệp hoạt động của doanh nghiệp một cách 'phi thị trường' khi có chỉ đạo Cty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cắt giảm mạnh khối lượng mà BSR đã ký với hàng loạt khách hàng. Thậm chí, dự định bán Polypropylene không thông qua đấu giá của BSR còn được dự báo là vi phạm các quy định của pháp luật.

Trước những thông tin gây bức xúc dư luận, phóng viên Ngày Nay đã có buổi làm việc với lãnh đạo PVN để làm rõ và thông tin hai chiều.

Tại buổi làm việc, đại diện PVN, ông Đinh Văn Sơn, thành viên HĐQT thừa nhận thông tin Tập đoàn này có yêu cầu lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cắt giảm sản lượng đã ký với 5 khách hàng cũ để bán cho Cty An Phát Holding nhằm “giải cứu” dự án đắp chiếu PVTex Đình Vũ.

Đáng nói, PVTex Đình Vũ là một dự án đang thoi thóp, khó có thể hồi sinh.

“Việc thực hiện hợp đồng phân phối sản phẩm nhựa PP của BSR trong quá trình xử lý dự án chưa hiệu quả PVTEX chỉ là một trong rất nhiều công cụ nhằm triển khai các giải pháp của PVN. Chuyện các đối tác khi đàm phán hợp tác tận dụng lợi thế, vị thế của nhau trong hoạt động kinh doanh là bình thường và phù hợp với các quy định pháp luật”, ông Sơn cho biết.

Theo thông tin từ PVN, từ tháng 9/2017, PVN và PVTEX, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, đã tích cực tìm kiếm đối tác tham gia hợp tác vận hành Nhà máy, trong đó có An Phát Holdings (Việt Nam)... PVN đã thống nhất chủ trương cho PV Text Đình Vũ hợp tác với An Phát.

“Trong quá trình đàm phán để đến đi chỗ hợp tác thì An Phát có đặt ra vấn đề là Tham gia phân phối PP của Bình Sơn một cách bình đẳng như các đối tác. Tôi xin nhấn mạnh việc này. Đây là môt hoạt động hết sức bình thường của một doanh nghiệp cả của Việt Nam và thế giới”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho rằng nếu nói việc thực hiện cắt giảm 35% khối lượng sản phẩm nhựa PP theo hợp đồng đã ký với khách hàng để cung cấp cho An Phát Holdings theo “mệnh lệnh hành chính” là không đúng bản chất. “PVN không can thiệp vào bất kỳ hợp đồng kinh tế nào, mà ở đây, PVN chỉ sử dụng những quyền được quy định theo pháp luật để yêu cầu Người đại diện vốn của Tập đoàn tại đơn vị”.

Ông Sơn cũng khẳng định đây là vấn đề minh bạch, từ quá trình đàm phán, An Phát không phải “sân sau” của PVN.

Có thể thấy, những lý giải trên của vị đại diện PVN không đồng nhất bởi nếu một chủ trương hợp lý, hợp tình và theo đúng thông lệ thị trường và các doanh nghiệp đồng thuận thì vì sao thực tế không triển khai được trong khi việc giải cứu đang rất gấp gáp? Lý giải cho vấn đề này, ông Sơn thừa nhận “quá trình thực thì gặp một số vấn đề khó khăn, có một số vấn đề chưa thật đồng bộ. Chưa có một sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trong nghành và trong tập đoàn”.

“Mục tiêu của chúng tôi là giải cứu các dự án, công cụ cắt giảm sản lượng PP trong bối cảnh hợp tác này là nhất quán, còn phương pháp thế nào thì đó là vấn đề nội bộ”, ông Sơn nói thêm.

Liên quan tới câu hỏi vì sao PVN lại chỉ đạo BSR cắt giảm sản lượng mà BSR đã bán cho các đối tác để bán cho đơn vị đối tác PVTex - Công ty An Phát Holding mà không qua đấu thầu, đại diện PVN cũng không giải thích được một cách hợp lý.

Cùng với đó, thông tin về việc Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đã có văn bản, yêu cầu BSR báo cáo về những thông tin phản ánh dấu hiệu tiêu cực trong việc bán polypropylene, gây thiệt hại gần 2,9 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2018, ông Sơn cũng “thoái thác”: “đang cho kiểm tra, xem vấn đề thực hư ra sao”.

Vậy, việc PVN yêu cầu Người đại diện vốn của Tập đoàn tại đơn vị thành viên thực hiện một số nghiệp vụ kinh doanh như việc cắt giảm sản lượng, bán hàng không thông qua đấu thầu dưới góc độ pháp lý được nhìn nhận ra sao?

Phóng viên Ngày Nay đã trao đổi với giới luật sư và tiếp tục cập nhật thông tin.

Ngọc Cương

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/kinh-te/lanh-dao-pvn-phan-phao-thong-tin-giai-cuu-du-an-thua-lo-bang-menh-lenh-hanh-chinh-131013.html