Lãnh đạo nhiều nước đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Lễ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM và quê nhà Chủ tịch nước tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình.

Từ 7 giờ sáng hôm nay, người dân, các đoàn thể, tổ chức quốc tế, đại diện các quốc gia sẽ viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Ninh Bình.

Thủ tướng nhiều nước đến viếng

Theo thông cáo báo chí ngày 25-9 của Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia, ngày 26-9, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tới Việt Nam để viếng Chủ tịch Trần Đại Quang.

Tháp tùng Thủ tướng Hun Sen có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Samdech Sar Kheng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quan hệ với Quốc hội, Thượng viện và Thanh tra - bà Men Sam An và các quan chức cao cấp khác của Vương quốc Campuchia.

Tại Phnom Penh, ngày 26-9, quyền Quốc trưởng, Chủ tịch Thượng viện Samdech Say Chhum và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin cũng sẽ đến viếng Chủ tịch Trần Đại Quang tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam đặt ở thủ đô nước này.

Trước đó, Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin, Quốc vương Norodom Sihamoni đã gửi thư đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội nước ta chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cũng đã tới Hà Nội để kịp viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 26-9.

Trước đó, tổng thống Hàn Quốc cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhân dân Việt Nam về sự mất mát này.

Tại lễ khai mạc kỳ họp thường niên lần thứ 58 Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 24-9, toàn thể đại biểu tham dự đại hội đồng đã dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thay mặt Đại hội đồng WIPO, Tổng Giám đốc Francis Gurry đã chuyển lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến Chủ tịch nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Trong phát biểu tại phiên thảo luận chung của đại hội đồng, tất cả đoàn đại biểu đã chuyển lời chia buồn sâu sắc tới chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Trước đó, từ ngày 21-9, sau khi hay tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, hàng chục quốc gia, hàng trăm nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã gửi thư, điện chia buồn đến lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhân dân Việt Nam bày tỏ sự tiếc thương vô hạn về sự mất mát to lớn này…

Sáng 24-9, Thủ tướng Thái Lan, Đại tướng Prayut Chan-ocha đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Bangkok viếng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTXVN

Nơi an nghỉ Chủ tịch nước đã hoàn tất

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình), ông Đỗ Hùng Sơn, cho biết những ngày gần đây chính quyền và nhân dân xã Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình) gấp rút hoàn thành các điều kiện phục vụ tang lễ Chủ tịch nước tại quê nhà.

Ông Sơn chia sẻ sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã để lại lòng tiếc thương vô hạn đối với nhân dân cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng. Theo nguyện vọng của gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang và được sự đồng ý của Bộ Chính trị, thi hài Chủ tịch nước an táng tại quê nhà.

Chính quyền địa phương, nhân dân huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung đã hoàn tất những công việc cuối cùng để đón thi hài Chủ tịch nước về quê cũng như các đoàn khách trong nước và quốc tế đến viếng, đưa tiễn Chủ tịch về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông Đỗ Hùng Sơn thông tin thêm, khu đất an táng thi hài Chủ tịch nước Trần Đại Quang được chính quyền địa phương thực hiện theo đúng quy định của Kết luận 88-KL/TW ngày 18-2-2014 của Bộ Chính trị. Người dân các nơi đã về xã Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình) - quê hương của Chủ tịch nước Trần Đại Quang để bày tỏ tình cảm, niềm tiếc thương đối với Chủ tịch nước.

Linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và công tác chuẩn bị đã hoàn tất để đón người dân, các đoàn khách quốc tế đến viếng.

Ngày 25-9, TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Từ chiều 25-9, nhiều cơ quan, đơn vị đã treo cờ rủ theo nghi thức quốc tang và việc này sẽ kéo dài đến hết ngày mai, 27-9.

Đảm bảo tuyệt đối an ninh quốc tang Chủ tịch nước

Tại hội nghị sơ kết công tác công an trong thời gian qua, triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm những tháng cuối năm 2018 của Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao những kết quả mà lực lượng đạt được, đồng thời yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị lực lượng chủ động triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động lễ quốc tang Chủ tịch nước theo chỉ đạo của Bộ về phân công nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) lễ quốc tang.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ triển khai tổ chức bộ máy mới… Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng yếu, công trình trọng điểm về an ninh quốc gia, sự kiện chính trị, kỷ niệm lớn của đất nước. Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống mạng thông tin quốc gia, kiểm soát thông tin, ngăn chặn những thông tin xuyên tạc, kích động; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tấn công mạng…

Giám đốc công an các địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ về diễn biến tình hình ANTT trên địa bàn; trực tiếp chịu trách nhiệm trong chỉ đạo giải quyết ổn định ngay tại cơ sở các vụ việc phức tạp về ANTT nổi lên được dư luận quan tâm, không để phức tạp kéo dài thành điểm nóng về ANTT…

Trước đó, tại hội nghị, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, báo cáo về việc cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành công an theo Nghị định 01/2018 và đánh giá là cơ bản ổn định, bước đầu đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp, truy nã tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực..

T.PHAN

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/lanh-dao-nhieu-nuoc-den-vieng-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-794866.html