Lãnh đạo, nhân viên và rượu, bia

Từ ngày 15-11-2020 thủ trưởng cơ quan sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng nếu không thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống và bán rượu, bia trong địa điểm thuộc quyền quản lý của mình, theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Một quy định nhằm thay đổi thói quen xấu đang tồn tại ở nhiều cơ quan, góp phần giảm tác hại của rượu, bia, xây dựng cơ quan văn hóa. Dù được chờ đợi, nhưng để thực hiện đồng bộ và hiệu quả, dự báo không dễ dàng.

Chúng ta đã có khá nhiều quy định cấm và mức xử phạt gắn với trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo quản lý, nhưng để những quy định đó được thực thi một cách nghiêm túc, phát huy hiệu quả, thì cần phải có sự đồng thuận của cả tập thể.

Với suy nghĩ phạt lãnh đạo chứ đâu có phạt mình hay như mình chỉ là nhân viên như người “không có tóc” cùng lắm chỉ nhắc nhở, phê bình, có sao đâu...

Những suy nghĩ như thế đã khiến không ít quy định bị xem nhẹ, dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong quá trình thực hiện. Người có trách nhiệm cố gắng để thay đổi, nhưng nhiều người lại thờ ơ, có người còn phá ngang, thậm chí cài bẫy cho người có trách nhiệm vi phạm.

Ý chí đơn lẻ của một người, một nhóm người, dù đại diện cho pháp luật hay nguyên tắc nào đó, thậm chí đã được thảo luận, đưa vào quy chế đơn vị, nhưng trong quá trình thực hiện nhiều khi vẫn không đem lại kết quả như mong muốn.

Lãnh đạo đơn vị vì trách nhiệm nên kiên quyết, nhưng không phải cán bộ nào cũng chia sẻ, đồng cảm. Mỗi cá nhân mang đến một cá tính, nên ý thức tuân thủ pháp luật trong một tập thể không phải ở đâu và lúc nào cũng đồng đều cả.

Ưa dùng một sản phẩm được xem như là phương tiện để thể hiện sự giao tiếp, ăn mừng thành công hay giải tỏa tâm lý như rượu, bia trong mọi hoàn cảnh, vị trí, gồm cả trong công sở, trong giờ làm việc, không chỉ là câu chuyện của người Việt.

Nhiều người sử dụng rượu, bia thường chỉ nhìn vào điều đó, chứ ít quan tâm đến tác hại của việc sử dụng không đúng thời điểm, vị trí, nên thường ít chia sẻ, nhất là chia sẻ với người có trách nhiệm trong việc quản lý.

Để thực hiện quy định này một cách hiệu quả là sự kiên quyết của lãnh đạo cơ quan, nhưng hơn thế còn phải là sự thống nhất thực hiện của cán bộ trong cơ quan. Mọi sở thích, ý chí cá nhân đều phải gác lại, cán bộ phải đặt ý thức của mình lên trên trách nhiệm, để điều khiển hành vi, mới hy vọng thay đổi được thói quen xấu.

Giữa lãnh đạo, nhân viên và rượu bia là khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết trong việc thực hiện Nghị định 117. Để xây dựng những công sở không có rượu, bia, phải thống nhất ý chí, chung lưng hành động từ người có vị trí công tác cao nhất đến người thấp nhất.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/lanh-dao-nhan-vien-va-ruou-bia/127226.htm