Lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cây trồng

Đảng bộ xã Bản Ngoại hiện có trên 320 đảng viên, sinh hoạt ở 24 chi bộ, trong đó 19 chi bộ nông thôn và 5 chi bộ cơ quan. Những năm qua, Đảng bộ xã luôn coi phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm, vì thế Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, trong đó chỉ rõ những điểm mạnh, điểm yếu của từng vùng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của từng xóm…

Nhờ chuyển đổi từ trồng keo sang các loại cây ăn quả, gia đình ông Nguyễn Duy Hòa, xóm Đồng Ninh, xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã có cuộc sống dư dả.

Nhờ chuyển đổi từ trồng keo sang các loại cây ăn quả, gia đình ông Nguyễn Duy Hòa, xóm Đồng Ninh, xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã có cuộc sống dư dả.

Với đặc thù là xã miền núi có 2.264 hộ với 8.187 khẩu, trong đó có trên 70% số hộ sản xuất nông nghiệp. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Đảng ủy đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở xem xét điều kiện đất đai của địa phương, nhu cầu thị trường, từ đó đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng chí, Ngô Mạnh Thơ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Khi mới triển khai nghị quyết chuyên đề, Đảng ủy xã đã phân công các đồng chí đảng ủy viên hằng tháng tham gia sinh hoạt với chi bộ, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng nhân dân, để kịp thời có chỉ đạo hướng phát triển kinh tế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bà con đang gặp phải.

Để tạo niềm tin, khí thế thi đua sôi nổi trong phát triển kinh tế, các chi bộ đã nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của các đảng viên trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tạo ra những mô hình kinh tế mới. Không những thế, nhiều đảng viên sau khi đã chuyển đổi thành công cây trồng trên diện tích đất nhà mình, đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật, giống để bà con làm theo. Từ đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao.

Đơn cử như mô hình trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Duy Hòa, xóm Đồng Ninh. Ông Hòa chia sẻ: Từ diện tích đất đồi rừng chỉ toàn keo và cỏ mọc, thực hiện theo sự chỉ đạo của Đảng ủy, của Chi bộ, tôi đã đi tham quan học hỏi một số nơi rồi về quyết định phá bỏ keo để trồng một số loại cây ăn quả. Ban đầu, tôi chỉ trồng cam Vinh, sau 3 năm vườn cam của gia đình bắt đầu cho thu hoạch. Lứa đầu tiên, tôi hái được 7 tấn quả, bán được trên 100 triệu đồng. Đến lứa thứ hai, năng suất tăng cao, số tiền bán cam cũng tăng gấp đôi. Từ đó, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam, đồng thời trồng thêm một số loại cây khác như: Ổi, chanh, táo, bưởi… Đến nay, gia đình tôi đã có khoảng 3.000 gốc cam, gần 1.000 gốc bưởi, trên 200 gốc chanh, 800 gốc ổi và táo, mỗi năm cho thu trên 500 triệu đồng.

Khác với ông Hòa, gia đình ông Nguyễn Văn Di có diện tích đất sản xuất tập trung tại cánh đồng xóm Quang Trung, ông đã quyết định lựa chọn trồng cây dưa hấu. Ông cho biết: Gia đình có 6 sào ruộng, trước đây, tôi chỉ cấy 2 vụ lúa, thu nhập không được bao nhiêu. Nhưng sau đó, tôi đã chuyển đổi sang trồng 2 vụ dưa và cấy xen 1 vụ lúa, nhờ đó mà cuộc sống gia đình khấm khá lên. Sở dĩ phải cấy xen 1 vụ lúa là để hạn chế các loại nấm bệnh hại dưa. Dưa hấu trồng ở đất này hợp lắm, loại dưa cho năng suất cao và chất lượng ngon mà người dân ở đây thường trồng là giống dưa Phù Đổng. Trung bình mỗi sào dưa đạt năng suất khoảng 1 tấn. Nhà nào chăm sóc tốt thì đạt 1,2 tấn/sào. Cá biệt có diện tích đạt 1,5 tấn/sào, trừ chi phí, mỗi sào dưa thu được cả chục triệu đồng, cao gấp 8 lần so với cấy lúa.

Thời điểm này hơn 10 năm về trước, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã vẫn bị bỏ không do sau khi gặt xong lúa vụ mùa, phải chờ đến vụ mùa tiếp theo, bà con mới cày cấy tiếp. Nhờ phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm an toàn, giờ đây, bộ mặt nông thôn ở địa phương đã có nhiều thay đổi.

Từ năm 2015 trở lại đây, xã đã triển khai thực hiện một số đề án, mô hình điểm tại các xóm như: Mô hình sản xuất rau thủy canh tại xóm Phố; mô hình cây ăn quả cam Vinh, bưởi Diễn tại xóm Đồng Ninh… Bà con biết tận dụng tối đa diện tích trồng trọt, không cho đất nghỉ. Những diện tích cấy lúa không hiệu quả, bà con đã chuyển đổi hết sang trồng màu, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiện, Bản Ngoại là địa phương có diện tích trồng màu nhiều nhất huyện Đại Từ với tổng số 325ha, với các loại cây như: Củ đậu, dưa hấu, dưa chuột bao tử, dưa lê siêu ngọt, dưa bở, cà chua… Người dân Bản Ngoại được tiếng là cần cù, nhạy bén trong lựa chọn cây trồng có giá trị. Không chỉ vậy, “bài toán” trồng vào thời điểm nào để được thị trường đón nhận, bán được giá cao được người dân ở đây tính toán rất kỹ, vì thế giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã đến năm 2020 đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Hải Hằng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/lanh-dao-nhan-dan-chuyen-doi-cay-trong-282309-97.html