Lãnh đạo Mỹ-Nhật gặp nhau: Trọng tâm là Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trở thành lãnh đạo quốc gia đầu tiên gặp tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng kể từ khi ông Biden lên nắm quyền. Các quan sát viên nói trọng tâm cuộc gặp là hai chữ 'Trung Quốc'.

Thủ tướng Suga tới Mỹ vào ngày 15/4 Ảnh: Yomiuri Shimbuni/AP Images

Thủ tướng Suga tới Mỹ vào ngày 15/4 Ảnh: Yomiuri Shimbuni/AP Images

Trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo được cho là thảo luận về đại dịch coronavirus, đánh giá chính sách về Triều Tiên của Mỹ, các vấn đề an ninh khu vực, khủng hoảng khí hậu, chính sách công nghệ, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ.

Nhưng chính Trung Quốc mới được cho là vấn đề trọng tâm. Các nhà lãnh đạo sẽ bàn kỹ về Trung Quốc, theo lời quan chức nói trên.

“Chúng tôi đang cố gắng gửi một tín hiệu rõ ràng rằng một số bước mà Trung Quốc đang thực hiện, bao gồm các hành động gần đây của họ gần Đài Loan, là “trái ngược với sứ mệnh duy trì hòa bình và ổn định”, quan chức này nói.

“Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng nhận ra mối quan hệ kinh tế và thương mại sâu sắc giữa Nhật Bản và Trung Quốc và Thủ tướng Suga muốn đi một con đường thận trọng và chúng tôi tôn trọng điều đó”, quan chức này tiếp tục.

Hai nhà lãnh đạo được cho là cũng sẽ tập trung vào vấn đề Triều Tiên, vì Mỹ sắp kết thúc việc rà soát chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gần đây đã gặp những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản để thảo luận về việc xem xét chính sách của Mỹ về Triều Tiên.

Quan chức nói trên bình luận: “Mỹ chỉ có thể phát huy hiệu quả vai trò ở châu Á khi mối quan hệ Mỹ-Nhật bền chặt và Nhật Bản vững chắc và ổn định”.

“Về tầm quan trọng của cuộc họp, tôi nghĩ mọi thứ đều liên quan đến Trung Quốc”.

Yoshikazu Kato, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Chứng khoán Rakuten ở Tokyo

Một phần của mối quan hệ đó là mối quan hệ của Nhật Bản với Hàn Quốc, đã xấu đi trong những năm gần đây. Quan chức này cho biết việc này “có liên quan” đến chính quyền Biden, “thậm chí chúng tôi rất đau lòng khi thấy quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc giảm xuống mức hiện tại” và đây sẽ là một phần trong cuộc thảo luận của các lãnh đạo.

Hai nhà lãnh đạo có khả năng cũng sẽ thảo luận khi nào cuộc gặp tiếp theo giữa các ông Biden, Suga, thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ và thủ tướng Scott Morrison của Australia - một nhóm được gọi là “Bộ Tứ” - sẽ diễn ra. Ông Sullivan trước đó nói bốn nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt trực tiếp trước cuối năm nay.

Vì sao ông Biden gặp ông Suga trước?

Các chuyên gia nói rằng việc ông Biden lựa chọn gặp Suga trước các nhà lãnh đạo thế giới khác cho thấy rằng ông nhận thấy một số vấn đề quan trọng nhất mà chính quyền của mình đang đối mặt - trong đó là việc đối phó với Trung Quốc.

“Quyết định của ông Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên với Thủ tướng Suga gửi một tín hiệu mạnh mẽ về tầm quan trọng của Nhật Bản với tư cách là một đối tác trong việc đối phó với một số thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt và tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với ông Biden”, Kristi Govella, học giả nghiên cứu về châu Á tại Đại học Hawaii, nói với tạp chí Time.

Chống lại chủ nghĩa “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump, ông Biden đã ưu tiên hàn gắn mối quan hệ với các đồng minh kể từ khi nhậm chức. Vào ngày 12/3, ông đã tham gia một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo Australia, Nhật Bản và Ấn Độ - hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Bộ Tứ. Vài ngày sau, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến công du cấp nội các đầu tiên của chính quyền Biden, trong các cuộc họp được gọi là 2 + 2.

Jeffrey Kingston, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple, nói với Time: “Ông Biden muốn hồi sinh mạng lưới ảnh hưởng của Mỹ đã bị phá vỡ bởi những gam màu thất thường trong ngoại giao của ông Trump. Ông ấy (Biden) đang thông báo Mỹ đã trở lại châu Á và sẽ coi trọng chủ nghĩa đa phương”.

Yoshikazu Kato, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Chứng khoán Rakuten ở Tokyo, nói: “Về tầm quan trọng của cuộc họp, tôi nghĩ mọi thứ đều liên quan đến Trung Quốc”.

Yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông khiến căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung ngày càng gia tăng và đây cũng là mối quan tâm lớn đối với Nhật Bản, theo các chuyên gia.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lanh-dao-my-nhat-gap-nhau-trong-tam-la-trung-quoc-post1328803.tpo