Lãnh đạo Liên Xô, Yuri Andropov với công cuộc 'giải cứu Liên bang Xôviết': Những nỗ lực uổng phí

Nguyên Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) Yuri Andropov ngồi trên ghế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS) chỉ trong một thời gian ngắn: từ 12-11-1982 tới ngày 9-2-1984. Và trong khoảng thời gian rất hữu hạn đó (một năm hai tháng), Yuri Andropov cũng đã kịp tạo nên một niềm hy vọng thăng hoa cho hàng trăm triệu công dân của siêu cường chiếm một phần sáu diện tích thế giới lúc đó. Thật đáng tiếc là những nỗ lực đó của nhà lãnh đạo anh minh và quả cảm rốt cuộc cũng không ngăn chặn

Thủ lĩnh thanh niên

Yuri Andropov sinh ngày 25/6/1914. Những thông tin về nguồn gốc thật của ông cho tới nay vẫn là một điều bí ẩn vì đang tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau. Thậm chí còn không ai biết ông đã được sinh ra ở đâu: ở Moskva hay ở Stavropol? Ông lớn lên cùng cha dượng và không có thông tin gì về cha đẻ của ông cả. Có tài liệu cho rằng cha đẻ của ông từng là sĩ quan trong quân đội Sa hoàng. Trong bản khai lý lịch của mình, ông viết: “Cha là người Côdắc sông Đông, làm việc trong ngành đường sắt, mẹ thuộc thành phần tiểu tư sản. Mẹ tôi mất năm 1919, khi tôi mới lên 5, còn cha mất năm 1929. Mẹ tôi không còn nhớ gì về ông bà ngoại vì ngay từ bé đã bị gửi vào gia đình thương gia Flekenshtein và lớn lên ở đó cho tới năm 16 tuổi. Mẹ tôi lấy chồng sớm và sau khi tôi sinh ra không lâu đã li dị với chồng. Tôi lớn lên cùng cha dượng tới năm 1930, khi đã tốt nghiệp trường trung học đường sắt và bắt đầu sống tự lập”. Mẹ ông, như chính ông viết, không phải là người Do Thái, mà chỉ là con nuôi trong gia đình thương gia Phần Lan gốc Do Thái Flekenshtein. Gia đình này từng có cửa hàng vàng bạc ở Moskva. Mẹ ông từng là cô giáo dạy nhạc. Rất trớ trêu là sau này, trong lực lượng KGB, Andropov đã có một bí danh là “Thợ kim hoàn”; đây là sự ám chỉ tới việc ông ngoại của ông từng là chủ tiệm kim hoàn gốc Do Thái…

Andropov sớm giác ngộ chính trị và tham gia công tác đoàn thanh niên rất có hiệu quả. Và cũng sớm chứng minh mình là một thủ lĩnh đoàn năng nổ, mặc dầu sức khỏe của ông không được tốt lắm. Ngay từ năm 1936, ông đã được loại bỏ khỏi danh sách những thanh niên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự vì bệnh tiểu đường và kém thị lực…

Khi cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bùng nổ (1941), Andropov ở tuổi 28 nhưng đã không phải ra chiến trường vì tình trạng sức khỏe không được tốt. Và ông đã trở thành Bí thư Trung ương Đoàn Komsomol của nước cộng hòa vừa mới hình thành Karelia (sát biên giới Phần Lan). Và nhờ những đóng góp to lớn trong việc huy động lớp trẻ Karelia trong những năm chiến tranh cũng như sự tham gia tích cực vào việc tổ chức phong trào du kích nên Andropov đã được thưởng hai huân chương Lao động Sao đỏ và huy chương “Du kích chiến tranh Vệ quốc” hạng nhất.

5 năm sau khi chiến tranh kết thúc (1950), Andropov đã là bí thư thứ hai của tỉnh ủy Karelia. Khi tỉnh ủy có những vụ việc phức tạp, Y. Andropov đã biết cách xử lý những vấn đề gây tranh cãi một cách khéo léo để vừa giữ được nguyên tắc chung vừa không bị mang tiếng tiền hậu bất nhất. Năng lực, độ đằm thắm và sâu sắc cũng như nhiệt tình làm việc của người cán bộ trẻ này đã được cấp trên đánh giá đúng. Tháng 5-1951, Andropov được chuyển về Trung ương Đoàn Komsomol ở Moskva. Bắt đầu giai đoạn mới trong cuộc đời của người cộng sản đầy bản lĩnh này.

Một điều thú vị là nhiều cán bộ an ninh đầu ngành của nước Nga hiện nay cũng từng bắt đầu lập nghiệp ở Karelia.

Andropov và Gorbachev.

Tình cờ với KGB

Andropov không phải là cán bộ an ninh chuyên nghiệp. Cũng như nhiều nhà lãnh đạo ở cơ quan tối quan trọng này, ông được đưa về KGB theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Câu chuyện về việc ông về KGB rất thú vị. Sau khi Bí thư Thứ nhất KPSS Nikita Khrushchev bị lật đổ tháng 10/1964, ở thượng tầng chính trị Xôviết người ta bắt đầu bàn tới chuyện phải thay đổi một cái gì đó. Ngày 6/12/1964, báo Pravda đã đăng một bài viết của Bí thư BCHTƯ KPSS Yuri Andropov phê phán những nguyên tắc lãnh đạo chung đã lỗi thời. Andropov viết rằng, cần phải mạnh dạn hơn trong việc áp dụng những phương thức quản lý hiện đại đối với nền kinh tế, khuyến khích dân chủ và tính chủ động trong xã hội. Bí thư Andropov cũng nói về tác hại của chạy đua vũ trang và nhu cầu cấp thiết phải mở rộng và gia tăng xuất khẩu hàng hóa Xôviết. Một số nhà nghiên cứu lịch sử Liên Xô cho rằng, bài báo trên đã gây hại cho Andropov nên tháng 5/1967, ông đã bị chuyển từ Ban Bí thư TƯ KPSS sang làm Chủ tịch KGB. Theo ý kiến của nhà sử học D. Churakov, ở thời điểm đó, những sự chuyển công tác như vậy bị coi là bị hạ chức.

Thực ra, sự việc có lẽ không phải như thế. Thứ nhất, Andropov trở thành Chủ tịch KGB sau khi bài viết trên được đăng đã trên dưới hai năm. Thứ hai, sau khi chuyển sang làm Chủ tịch KGB, Andropov cũng được đưa vào danh sách của Ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị. Chẳng lẽ thế lại là bị hạ chức sao?!

Có lẽ quyết định trên xuất phát từ những công việc mà Andropov đã đảm nhận trước đó. Năm 1956, với tư cách là đại sứ Liên Xô ở Budapest, Andropov đã kịp thời thông báo cho lãnh đạo Xôviết biết về cuộc nổi dậy ở Hungary. Rồi ông lãnh đạo Ban đối ngoại và quan hệ với các đảng cộng sản em của KPSS trong suốt 10 năm, từ 1957 tới 1967. Ở thời điểm đó, tình hình xã hội tại Tiệp Khắc đang tiềm ẩn những nguy cơ. Trong những điều kiện này, khi Moskva cần phải củng cố ảnh hưởng của mình tại các nước Đông Âu, Andropov đã là nhân vật cần phải có ở đúng chỗ cần tới một người như thế. Và việc ông trở thành Chủ tịch KGB đã giúp cho ông thăng tiến ngay cả trong đội ngũ lãnh đạo KPSS: năm 1973, ông được bầu làm Ủy viên BCT KPSS.

Andropov lãnh đạo KGB từ năm 1967 tới năm 1982. Ông được Tổng Bí thư Brezhnev đánh giá cao về trí tuệ, sự hiểu biết rộng rãi, tính trung thực và khả năng nắm bắt tình hình một cách nhanh chóng trong cả những tình huống phức tạp nhất. Chính ông đã giúp gia tăng những khả năng chiến thuật của ngành tình báo Xôviết trong các chiến dịch trà trộn vào hàng ngũ đối phương. Ông cũng đã giúp KGB trở nên gần gụi hơn với người dân bình thường trong xã hội Xôviết. Mặc dù là lãnh đạo cao nhất của một tổ chức đầy quyền năng như KGB, nhưng trong suốt thời gian ngồi ở KGB, ông không hề dính dáng tới những hoạt động hậu trường chính trị trong Điện Kremli, luôn giữ một thái độ tôn trọng đúng mực với các cán bộ cao cấp khác. Việc Andropov lên kế vị chức Tổng Bí thư KPSS sẽ không làm đảo lộn một cách vô cớ bàn cờ đã được sắp xếp khi Brezhnev còn sống. Còn nhớ, khi Andropov mới về nắm quyền lãnh đạo ở KGB, ông cũng không hề đụng chạm gì với các nhà chuyên môn có tay nghề cao mà chỉ tiến hành cải thiện chất lượng đội ngũ đối với những ai không giỏi về nghiệp vụ. Ông đánh giá cao không phải là lòng trung thành với cá nhân lãnh đạo cấp trên mà với sự nghiệp chung. Ông cũng nổi tiếng là người vô tư, phúc hậu. Tiền lương dành cho quân hàm của ông trong KGB, ông không sử dụng mà gửi tới tài trợ cho trường nuôi dạy trẻ không nơi nương tựa. Ông luôn nói rằng ông sống đủ với căn hộ ba phòng trên đại lộ Kutuzov chứ không cần thêm bất cứ một ngôi nhà nào khác. Ông luôn có thái độ không khoan nhượng với các tệ nạn tham nhũng, quan liêu. Ông là người suốt đời tự học không mệt mỏi, yêu nghệ thuật, thích làm thơ, có hiểu biết sâu sắc về âm nhạc, hội họa và văn học. Ông có giọng hát khá hay và thích cầm ghi ta hát cho bạn bè gần gụi nghe...

Khi mới về KGB, Andropov mới chỉ được biết tới như một cán bộ trung thực, và không nằm trong vòng ảnh hưởng riêng biệt của một nhà lãnh đạo nào đang ở vị trí cao hơn. Ông giữ khoảng cách đều đặn ở xa họ và chỉ giao tiếp trên cơ sở công tác chung. Chính điều này lại khiến ông được các nhà lãnh đạo rất khác nhau tin cậy.

KGB đã giúp cho Andropov có thêm ảnh hưởng tới chính sách cán bộ thượng tầng. Ông bắt đầu lựa chọn những nhân vật tâm đầu ý hợp tại cơ sở và lập “đội tuyển” cho riêng mình.

KGB dưới thời Andropov đã không chỉ quan tâm tới công tác phản gián mà còn điều tra cả những vụ tham ô, hay ăn trộm tài sản xã hội chủ nghĩa... Không có gì thuộc về nhân dân mà xa lạ với KGB – đó có lẽ là phương châm hành động của Chủ tịch KGB Y. Andropov. Cho tới những năm 80 của thế kỷ trước, hầu như không có công chuyện gì quan trọng trong đời sống chính trị xã hội Xôviết lại được giải quyết mà không có vai trò nào đó của KGB...

Theo đánh giá của các chuyên gia, trên cương vị lãnh đạo KGB, Andropov biết cách tìm ra những biện pháp xử lý cứng cỏi nhưng không cực đoan cho mọi vấn đề. Ông không bao giờ phỉ báng các thế hệ lãnh đạo trước mình, ngay cả với những người mắc sai lầm nghiêm trọng. Ông cũng đủ bản lĩnh để không mù quáng té nước theo mưa trong bất cứ một vấn đề trọng đại nào. Tất nhiên, ông cũng đủ độ mềm dẻo để biết khi nào cần đưa ra ý kiến riêng của mình cho thích hợp với tương quan các lực lượng chủ đạo trên chính trường. Với cán bộ cấp dưới hay đồng cấp, ông sẵn sàng tổ chức các cuộc tranh luận, lắm khi gay gắt nhưng không bao giờ định kiến. Khi nhận thấy quan điểm mà mình ấp ủ bị phản bác, ông trở nên nóng nẩy nhưng lại không bảo thủ và sẵn sàng thực hiện các quyết định chung đã được thông qua một cách nhiệt tình và trung thực như thể đấy cũng chính là ý kiến của riêng mình. Theo chứng nhận của Đại tướng Vladimir Kryushkov, người từng nhiều năm làm việc dưới sự lãnh đạo của Andropov, về sau cũng từng nắm quyền “chủ xị” ở KGB trong những năm từ 1988 tới 1991, đôi khi trong những cuộc tranh luận đã lâm vào bế tắc, Andropov thốt lên: “Thế là đủ nhé. Tôi đã sử dụng hết các từ thông thường. Đành phải dùng thứ ngôn ngữ khác thôi...” Và ông có thể văng ra vài ba từ khá nặng, nhưng chính vì ông chân thành như thế nên đồng nghiệp không ai hiểu sai hay giận ông cả.

Tới KGB, Andropov không đưa bất kỳ ai thuộc lớp “bạn bè” ngoại đạo của mình vào các vị trí chủ chốt. Ông không đụng tới đội ngũ chuyên môn và để họ tiếp tục làm công việc của mình. Cách hành xử như thế khiến cho cấp dưới tin cậy sự công tâm của ông hơn. Họ càng tin cậy ông hơn nữa khi được chứng kiến cách xử lý thông tin, đưa ra quyết định và cách đối xử với con người của ông.

Andropov rất nghiêm khắc đòi hỏi cấp dưới thực thi nhiệm vụ một cách tận tâm. Bản thân ông làm việc cũng không có ngày nghỉ. Cấp dưới của ông dần dà quen với việc bị gọi lên báo cáo công việc vào ngày thứ bảy hay chủ nhật, bởi lẽ, trong ngày thường, lắm khi ông phải giải quyết những việc xã hội ở ngoài KGB.

Andropov không bao giờ xổ toẹt những ý kiến khác mình, ngay cả khi ông đưa ra những quyết định không giống ai cả. Nhưng nếu người đối thoại đúng, thì ông lập tức công nhận sai lầm của mình ngay. Đấy chính là cách mà Andropov thu phục được lòng tin của các cán bộ KGB kỳ cựu. Trong đánh giá cán bộ, ông trông vào công việc chứ không nghe theo những lời xúc xiểm. Mọi quyết định được ông đưa ra một cách chậm rãi, nghiêm túc chứ không vội vã. Đôi khi cấp dưới thấy có vẻ như ông phản ứng chậm trễ nhưng khi mọi việc đã xảy ra, họ mới hiểu rằng, Andropov xử lý vấn đề như thế mới là đúng đắn và chín chắn, khác đi sẽ dở!

Đặc biệt, Andropov còn là người hay đưa ra những ý tưởng mới để tất cả cùng hình dung ra triển vọng của KGB. Lắm khi những ý tưởng mà ông đưa ra thể hiện được tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chính trị không bị bó buộc bởi những thói quen chuyên môn thuần túy. Nghe cấp dưới báo cáo, ông bao giờ cũng quan tâm tới những giải pháp cho các vấn đề được nêu ra. Với ông, chỉ phát hiện ra vấn đề thôi thì chưa đủ, cần phải tìm được cách giải quyết chúng. Biết nhiều thông tin mà làm gì nếu không biết sử dụng những thông tin ấy để gỡ rối!

Một trong những yêu cầu đầu tiên mà Andropov đặt ra cho công việc là phải “sạch sẽ”, phải hợp pháp, phải chính danh. Cán bộ KGB phải mẫu mực trong việc thực thi luật pháp (Có lẽ thấm nhuần tinh thần này nên đương kim Tổng thống Nga, một cựu đại tá KGB, có lần tâm sự, đôi khi ông cũng gặp những tình huống bực mình tới mức muốn bước ra khỏi mọi ranh giới cho nó có hiệu quả, nhưng nhớ tới “bài học KGB” thời Andropov thì ông lại tự nhủ, kiểu gì thì cũng phải làm đúng luật!) Bản thân Andropov rất nghiêm túc chịu trách nhiệm trước BCH TƯ Đảng và chính phủ về mọi hoạt động của KGB. Ông không khuyến khích việc che giấu những công việc chuyên môn của KGB, những lỗi lầm mắc phải. Để việc thực thi luật pháp được nghiêm, ông đã hạn chế quyền hạn của cấp địa phương trong việc khởi tố hình sự theo điều 70 Bộ Luật hình sự Liên bang (về tội tuyên truyền và cổ động chống chế độ). Những việc như thế chỉ có thể làm với sự thông qua của cấp Trung ương.

Andropov chấp nhận giải quyết hậu quả cả những sự cố xảy ra trước khi ông về làm Chủ tịch KGB. Ông không muốn những công việc dở dang của quá khứ làm ảnh hưởng tiêu cực tới hiện tại. Có giai đoạn ông đã rất áy náy trước hiện tượng một số nhà lãnh đạo lảng tránh những vấn đề thiết thân đối với quần chúng hay “mũ ni che tai” trước một số hiện tượng không lành mạnh nảy sinh tại địa phương như quan hệ sắc tộc căng thẳng, nạn tham nhũng gia tăng trong bộ máy cầm quyền, sự chênh vênh trong phát triển kinh tế hay việc che giấu sự thật của một số cơ quan thông tin... Theo ông, tất cả những điều này đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của quốc gia. Đối với ông, toàn bộ hoạt động của KGB phải phục vụ cho mục đích an dân trị quốc, củng cố vững chắc vị thế của Liên bang Xôviết trên trường quốc tế, tìm kiếm phương thức dân chủ hóa xã hội trên cơ sở nền tảng của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông lúc nào cũng đứng trên quan điểm của một người cộng sản chân chính, tức là cứng rắn một cách nhân văn.

Nỗi đau dang dở

Tư duy trên tầm chiến lược, Andropov hiểu hơn ai hết rằng siêu cường Xôviết ở đầu thập niên thứ 8 thế kỷ XX cần phải được biến cải theo những phương thức mới không chỉ ở quy mô đảng cầm quyền mà cả trên quy mô bộ máy quyền lực nói chung, cả nền kinh tế, cả các lĩnh vực xã hội... Di sản mà ông buộc phải thừa kế từ những người tiền nhiệm là một nền công nghiệp và nông nghiệp suy thoái trên mọi phương diện, tình trạng trì trệ trong tư tưởng, đời sống xã hội ngưng đọng, bộ máy hành chính quan liêu ngấm nhiều tệ nạn, tình trạng nát rượu tràn lan trong nhiều tầng lớp nhân dân... Theo hồi ký của những nhà cựu lãnh đạo trong bộ máy quyền lực cao nhất quốc gia lúc đó, thậm chí ở BCH TƯ KPSS hồi đó cũng không có được một vài ý tưởng hấp dẫn nào đó trên phương diện kế hoạch phát triển quốc gia. Chính vì thế nên mọi người đều kỳ vọng vào những quyết sách mới của Andropov trên cương vị mới vì tất cả đều hiểu rằng, không thể có ai biết rõ thực trạng đất nuớc như ông, ngay cả khi ông công khai tuyên bố: “Chúng ta không biết rõ về chính xã hội mà trong đó chúng ta đang sống!”

Và Tổng Bí thư mới của KPSS đã bắt đầu bằng việc củng cố kỷ cương với phong cách cẩn trọng vốn có của mình. Tất nhiên, đã có những quan chức địa phương “bảo hoàng hơn vua” nên lắm khi quá tay trong việc này (thí dụ tại một số nơi, cảnh sát đã bất ngờ đi vây bắt những cán bộ viên chức nào trong giờ hành chính tranh thủ đi ra các cửa hàng mua bán hay giải trí, dẫn đến tình trạng căng thẳng không cần thiết trong xã hội). Và hiệu quả nhỡn tiền đã xuất hiện: ngay trong năm đầu dưới quyền lãnh đạo của Andropov, năng suất lao động ở Liên Xô đã gia tăng khá rõ rệt (lên tới 5%). Lượng hàng hóa sản xuất ra dồi dào hơn. Một loạt những vụ tiêu cực động trời đã được xử lý. Ông cũng có những quyết định mạnh tay trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo: chỉ tính riêng trong năm 1983, ông đã cho thay tới 20% số các Bí thư thứ nhất ở các địa phương; cứ năm Bộ trưởng thì có một người phải về hưu...

Bản thân Andropov cũng đã là người có không chỉ một sáng kiến việc tiến hành các thử nghiệm trong một số lĩnh vực kinh tế quốc dân. Thí dụ như thí nghiệm về mở rộng quyền tự chủ và trách nhiệm cho các xí nghiệp, nhà máy, những nơi bắt đầu áp dụng những yếu tố bắt đầu của cơ chế kinh tế thị trường (thuật ngữ này ở đầu những năm 80 của thế kỷ trước rất xa lạ với những quốc gia phát triển theo định hướng XHCN). Bằng cách này các nhà lãnh đạo KPSS muốn dần tích lũy những kinh nghiệm có thể được sử dụng sau này trong quá trình tiến hành cải cách đất nước. Theo hồi ký của con trai Yuri Andropov, càng nhìn rõ nhu cầu phải tiến hành những cải cách lớn và những thay đổi sâu sắc, ông càng bắt đầu hành động một cách cẩn trọng và càng hình dung đậm nét hơn chương trình cải cách dần dà và nhiều nấc. Và tại cuộc họp của Bộ Chính trị KPSS ngày 22-12-1983, Andropov đã trình bày bản báo cáo mà ông đã chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương sắp tới của Đảng, trong đó đề ra những vấn đề liên quan tới việc hoàn thiện phương thức điều hành nền kinh tế quốc dân, củng cố kỷ luật kế hoạch... Một tháng rưỡi sau, Andropov đã đột ngột từ trần bị bạo bệnh và những bước cải cách khởi đầu của ông cũng bị bỏ xó.

Cho tới phút cuối của đời mình, Andropov vẫn là một người tin tưởng sâu sắc và sắt đá vào lý tưởng cộng sản. Với ông, cải cách theo kiểu gì thì cũng không được làm mất đi định hướng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa của xã hội Xôviết.

Tất nhiên, cũng như bất cứ một nhà lãnh đạo ở tầm cỡ lớn nào, không phải mọi việc trong cuộc đời Andropov đều đã được trở nên rõ ràng trong suy nghĩ của hậu thế. Có một câu hỏi mà cho tới này vẫn chưa ai trả lời được xác đáng: Tại sao một người cộng sản kiên định và tinh tường như Andropov lại để lọt vào đội ngũ những người thân cận nhất của mình những viên chức có đầu óc lụy phương Tây, những kẻ chống đối ngấm ngầm con đường phát triển độc đáo riêng của Liên bang Xôviết? Tại sao ông, dù đã biết quá rõ tình hình thực tế ở Liên Xô, lo lắng cho sự gia tăng những khó khăn nội tại, lại đề cử một nhân vật như Mikhail Gorbachev từ cương vị Bí thư Khu ủy Stavropol vào vị trí cực kỳ quan trọng là Bí thư Trung ương KPSS? Bởi lẽ, chính ông ngay từ khi đó cũng đã được nghe quá nhiều thông tin về tính ba hoa, quỵ lụy thượng cấp của vị Bí thư Khu ủy này, những thói tật mà khi làm

Chủ tịch KGB, ông đã đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ khỏi quy tắc ứng xử của các cán bộ an ninh dưới quyền?

Xét theo hành trình đã rõ của Liên bang Xôviết trong thế kỷ XX, không thể nói là Andropov đã hoàn thành sứ mệnh của ông như ông mong muốn. Khi lên được đỉnh cao quyền lực chính trị ở Liên Xô, ông đã không có đủ thời gian để huy động những tiềm năng sáng tạo trong lòng xã hội Xôviết để thực hiện những nhiệm vụ đã đặt ra. Ông đã rất muốn cải cách mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và đã ủng hộ những chính khách có tư tưởng cải tổ. Thế nhưng, cũng những chính khách mà ông gửi gắm lòng tin ấy đã làm tan vỡ sự nghiệp mà ông suốt một đời theo đuổi. Thành công và thất bại của ông là bài học lớn cho không chỉ riêng ai!

Nguyễn Trung Tín

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/lanh-dao-lien-xo-yuri-andropov-voi-cong-cuoc-giai-cuu-lien-bang-xoviet-nhung-no-luc-uong-phi-tintuc426759