Lãnh đạo ít tiếp dân gây khiếu kiện vượt cấp

'Vô cảm', 'đùn đẩy trách nhiệm', 'lười' tiếp công dân là những từ được các đại biểu nhắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Một vấn đề người dân đeo đuổi nhiều năm nhưng chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng chín phút...”. Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhắc đến một phản ánh của người dân về công tác tiếp công dân (TCD) tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 14-11 về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.

Tiếp công dân nhưng không gắn với giải quyết

Trước đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018.

Theo đó, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên trung ương khiếu kiện gia tăng. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai.

Nguyên nhân trên là do việc thực thi pháp luật của một số cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có thiếu sót, vi phạm. Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất ở một số nơi không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện. Đặc biệt còn có tình trạng lạm dụng quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng…

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá: Việc TCD định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định Luật TCD. Vì vậy việc TCD chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng TCD chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm.

Đối với chủ tịch UBND cấp tỉnh, số buổi TCD định kỳ chỉ đạt tỉ lệ bình quân 48,3% so với quy định, việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện TCD còn khá phổ biến ở các cấp. Đặc biệt là cấp tỉnh, tỉ lệ ủy quyền trung bình chiếm gần 65%...

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018. Ảnh: TTXVN

“Đừng vô cảm với dân”

Thảo luận tại hội trường, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng một số nơi, cử tri không bằng lòng về cách tiếp dân, xử lý của cán bộ hiện nay.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị cần rà lại công tác đối thoại. Theo ông Tuấn, người đi khiếu nại rất mong muốn được gặp chủ tịch huyện hoặc chủ tịch tỉnh để đối thoại. “Rất tiếc nhiều địa phương lại ủy quyền cho cấp phó, thậm chí ủy quyền cho thanh tra, phòng TN&MT nên người dân đôi lúc không hài lòng khi bị bác đơn...” - ĐB Tuấn nói.

Còn ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là cấp huyện, xã. Bên cạnh đó, khi phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời đối thoại, giải quyết từ gốc (từ cơ sở). Thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên có nhiều việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp. “Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết, phải được tôn trọng, thực hiện nghiêm túc và cầu thị, không phải làm theo kiểu chiếu lệ, cho xong” - ông nói.

ĐB Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhận định những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua có phần trách nhiệm của chính quyền tại một số địa phương. Dẫn chứng câu chuyện từ năm 2015, ông nói: “Nếu chúng ta có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm đi, hãy coi những khó khăn của người dân như khó khăn của người nhà mình thì chắc vụ việc không thể tồn tại lâu như thế…”.

Cần giải quyết dứt điểm đúng sai

Liên quan đến những khiếu nại, tố cáo kéo dài, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng cần giải quyết dứt điểm đúng sai, thỏa đáng, khách quan. “Nếu công dân đúng, Nhà nước có khiếm khuyết cần làm rõ và có hướng khắc phục sớm những bức xúc của công dân. Đối với công dân, nếu khiếu nại, tố cáo sai cần giải thích rõ vấn đề để chấm dứt khiếu nại, tố cáo…” - ĐB Hạnh nói.

Đề cập đến việc trả lời đơn thư, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng công tác trả lời đơn thư cần phải sát với nội dung vụ việc mà người dân thể hiện trong đơn. Trả lời phải dứt khoát, không trả lời làm cho người dân hiểu như thế vụ việc này vẫn còn tiếp tục phải giải quyết. “Ví dụ đã có những trường hợp ở trên đưa về chỉ nói là chưa có đủ cơ sở để giải quyết. Như thế người làm đơn lại hy vọng sẽ tìm cơ sở. Có nội dung chuyển về địa phương lại nói “đề nghị các đồng chí xem xét giải quyết rồi báo cáo về cho chúng tôi”, lại thêm một hy vọng nữa. Cho nên cách trả lời cần phải dứt khoát. Vấn đề nào đã có kết luận cuối cùng hoặc để biết diễn biến thì nói. Bây giờ có những trường hợp dây dưa, kéo dài do xử lý không dứt khoát…” - vị ĐB Ninh Thuận nhấn mạnh.

Theo báo cáo, các cơ quan hành chính đã giải quyết 27.580 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỉ đồng, 97,2 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.800 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người, chuyển cơ quan điều tra chín vụ.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng tiến hành trên 1.300 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.200 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 533 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 470 tổ chức và nhiều cá nhân, xử lý kỷ luật 14 cá nhân.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/lanh-dao-it-tiep-dan-gay-khieu-kien-vuot-cap-802882.html