Lãnh đạo huyện Văn Giang 'trao quyền' cho bảo vệ tiếp phóng viên, buông lời xúc phạm!

Mặc dù phóng viên đã trình giấy giới thiệu, CMND và giải thích về điều kiện tác nghiệp khi chưa được cấp thẻ Nhà báo, tuy nhiên, lãnh đạo huyện Văn Giang lại đề ra những quy định tiếp báo chí mang tính chất hoạnh họe, cản trở tác nghiệp. Lãnh đạo huyện này còn cho đặt biển cấm ngay trước cổng, khi phóng viên chụp hình thì lập tức bảo vệ buông lời xúc phạm, chửi bới thô tục.

Sáng ngày 15/8/2018, phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Văn Giang để đặt lịch làm việc về phản ánh của người dân về vấn đề môi trường tại một số xã Long Hưng, Tân Tiến. Trước đó, phóng viên đã điện thoại liên hệ làm việc với ông Nguyễn Trọng Cương - Phó Chánh Văn phòng huyện nhưng ông Cương liên tục báo bận.

Tại cổng trực của bảo vệ huyện, phóng viên được hai bảo vệ tên Nguyễn Lan Phương và Trịnh Đức Điểm kiểm tra giấy tờ. Thay vì giới thiệu đến bộ phận tiếp nhận giấy giới thiệu, nội dung làm việc và giới thiệu đến Chánh Văn phòng thì hai bảo vệ này “hoạnh họe” phóng viên phải có ba loại giấy tờ gồm: thẻ Nhà báo, CMND, giấy giới thiệu thì mới được làm việc. Bảo vệ tên Trịnh Đức Điểm cho biết: “Đây là quy định của lãnh đạo huyện khi phóng viên đến làm việc bảo vệ sẽ tiếp nhận, sau đó báo cáo lãnh đạo bao giờ có lịch thì đến làm việc”. Mặc dù phóng viên có giải thích về quy trình tác nghiệp của phóng viên chưa có thẻ Nhà báo vẫn được pháp luật cho phép nhưng hai bảo vệ này lập tức vu vạ cho phóng viên rằng: “Anh đến đây có lời nói, thái độ nọ kia...”.

Sau khi vào sổ bảo vệ, phóng viên được trả giấy giới thiệu, mời ra khỏi cổng. Lãnh đạo huyện Văn Giang là ông Chu Quốc Hiệu - Chủ tịch UBND huyện đã giao nhiệm vụ đến hai bảo vệ này và cho họ quyền được tiếp phóng viên báo chí? Nếu không tiếp nhận giấy giới thiệu, nội dung làm việc thì không hiểu Chủ tịch UBND huyện Văn Giang biết nội dung gì để trả lời báo chí theo quy định?

 Hai nhân viên bảo vệ của UBND huyện Văn Giang liên tục hoạnh họe phóng viên tại sao không có thẻ Nhà báo, chỉ có giấy giới thiệu và CMND (Ảnh cắt từ clip)

Hai nhân viên bảo vệ của UBND huyện Văn Giang liên tục hoạnh họe phóng viên tại sao không có thẻ Nhà báo, chỉ có giấy giới thiệu và CMND (Ảnh cắt từ clip)

Không chỉ đưa ra những quy định cản trở báo chí tác nghiệp, khi đến UBND huyện Văn Giang, phóng viên còn vô cùng ngạc nhiên khi lãnh đạo huyện này cho đặt biển "khu vực cấm” song ngữ tiếng Việt - tiếng Anh ngay trước cổng. Ngoài biển cấm còn có một bảng “Nội quy khu vực cấm” gồm ba mục và 9 điều trong đó điều thứ 5 tại mục III - các hành vi khu vực cấm: Cấm quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ ở khu vực cấm.

Nhận thấy những điều bất thường của sự việc trên, phóng viên đã gọi điện cho ông Nguyễn Trọng Cương - Phó Chánh Văn phòng huyện và hỏi về việc đặt biển cấm nơi trụ sở UBND huyện là theo quy định nào? ông Cương hồn nhiên cho biết: “Biển cấm đặt chỗ nào nhỉ”. Khi phóng viên chụp ảnh thì ngay lập tức hai bảo vệ là Nguyễn Lan Phương và Trịnh Đức Điểm chạy ra với thái độ hung hăng, liên tục dùng lời lẽ thóa mạ phóng viên. Bảo vệ Nguyễn Lan Phương buông lời xúc phạm, thô tục: “Mày mù à, thằng chó này, đ.. mẹ. Đây là cơ quan Nhà nước mày biết không, cơ quan Nhà nước đẻ ra chúng mày. Đ... mẹ chúng mày ăn học sao mà chúng mày ngu thế”.

Bảo vệ Nguyễn Lan Phương hung hăng chỉ tay, chửi bới, xúc phạm phóng viên vì dám chụp ảnh ngoài trụ sở UBND huyện. (Ảnh cắt từ clip)

Bảo vệ Trịnh Đức Điểm thì xô phóng viên và dọa: “Đ.. mẹ tao đập mẹ máy (điện thoại-PV) ra bây giờ”. Trước thái độ của hai bảo vệ hung hăng, chửi bới, thóa mạ, phóng viên đã giải thích về việc đặt biển cấm quay phim chụp ảnh nhưng họ vẫn liên tục chửi bới.

Sau đó, phóng viên đã điện thoại cho ông Chu Quốc Hiệu - Chủ tịch UBND huyện Văn Giang để phản ánh về việc bảo vệ chửi bới, hoạnh họe phóng viên và hỏi về quy định nào mà UBND huyện cho đặt “biển cấm” nơi trụ sở cơ quan khi mà đây là nơi người dân, các đơn vị đến liên hệ làm việc thường xuyên? Ông Hiệu cho biết: “Đây là do bên công an, có cả quy định nào là khu vực cấm. UBND tỉnh có quyết định, cái này trên toàn tỉnh chứ không riêng gì Văn Giang, tôi sẽ cho kiểm tra lại và tôi chưa có ý kiến gì nhé”. Nhưng khi phóng viên hỏi UBND tỉnh có Quyết định thì căn cứ theo quy định nào thì ông Hiệu không trả lời mà chỉ nói cho kiểm tra lại.

Bảo vệ Trịnh Đức Điểm chửi bới và dọa đập máy điện thoại của phóng viên ngoài trụ sở UBND huyện Văn Giang. (Ảnh cắt từ video)

Liên hệ với ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên để phản ánh về sự việc trên. Khi được hỏi tại sao nơi công sở như UBND huyện Văn Giang có phải khu vực cấm thuộc bí mật Quốc gia, an ninh quốc phòng hay không mà được đặt biển cấm? Ông Cử cho biết: “Cái đấy là theo quy định nhà nước đấy, anh kiểm tra lại đi. UBND các cấp cũng là nơi cần được bảo vệ”.

Như vậy, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - Bùi Thế Cử và ông Chu Quốc Hiệu - Chủ tịch UBND huyện Văn Giang dựa vào quy định nào để đặt biển cấm tại trụ sở UBND huyện Văn Giang thì vẫn là câu hỏi chưa được trả lời một cách rõ ràng, thấu đáo. Ở một số huyện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên như UBND huyện Tiên Lữ, UBND huyện Văn Lâm... thì việc tiếp báo chí đến làm việc rất đúng quy trình và thân thiện. Nhưng tại các nơi như Công an tỉnh Hưng Yên hay UBND huyện Văn Giang lại đưa ra nhiều quy định nhằm hoạnh họe, từ chối báo chí liên hệ công tác.

Ông Chu Quốc Hiệu - Chủ tịch UBND huyện Văn Giang "trao quyền " cho bảo vệ hoạnh họe phóng viên đến liên hệ làm việc? (Ảnh: vangiang.hungyen.gov.vn)

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Thạc sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Thực chất thời gian qua có rất nhiều địa điểm trụ sở dù không thuộc các trường hợp đặt biển cấm nêu trên nhưng vẫn để biển cấm. Chúng ta cũng biết hiện nay môi trường mạng xã hội phát triển mạnh, mọi việc làm có thể bị công khai, “phanh phui” do đó việc đặt biển cấm có thể lý giải do các cá nhân, cơ sở, tổ chức đó muốn có sự riêng tư hoặc muốn che giấu việc làm khuất tất thậm chí là hành vi sai trái nào đó nên cấm để phòng ngừa, ngăn chặn bị phanh phui, phát hiện. Cũng có thể một số cơ sở, cá nhân lo sợ trách nhiệm nên cứ cấm, nếu có chuyện gì xảy ra thì né được trách nhiệm. Việc làm này cũng có thể xuất phát từ nhận thức pháp luật chưa đúng về khu vực nào được coi bí mật quan trọng được gắn biển cấm.

Việc tùy tiện đặt biển cấm không đúng pháp luật sẽ có thể ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, có tác động tiêu cực tới xã hội. Bởi trụ sở UBND là nơi tiếp nhận ý kiến, phản ánh, phản hồi của người dân, cơ quan tổ chức cũng là nơi tiếp nhận các thủ tục hành chính. Việc cấm sẽ làm ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của họ mà pháp luật đã quy định trách nhiệm giải quyết đảm bảo quyền đó thuộc về UBND và cán bộ chuyên trách của UBND. Trụ sở UBND là nơi người dân thường xuyên ra vào giao dịch, giải quyết công việc thường ngày, không có gì thuộc bí mật nhà nước nên cấm là không cần thiết và không phù hợp quy định pháp luật. Điều này còn đi ngược lại với chính sách và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, mô hình chính quyền địa phương công khai, minh bạch, thân thiện, kiến người dân có cảm giác không thoải mái khi đến giải quyết công việc cũng như làm ảnh hưởng sự tín nhiệm, lòng tin của người dân với chính quyền địa phương”.

Báo Nhà báo và Công luận đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Văn Giang vào cuộc xử lý việc nhân viên bảo vệ của UBND huyện Văn Giang có hành động thóa mạ, chửi bới xúc phạm và đe dọa phóng viên. Đồng thời chấn chỉnh việc cung cấp thông tin, trả lời báo về việc UBND huyện Văn Giang đặt biển cấm.

Thạc sĩ. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo Quyết định số 160/2004/NĐ-CP ngày 06/09/2004 của Thủ tướng chính phủ về việc xác định khu vực địa điểm cấm thì Khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được thiết lập để bảo vệ, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của người, phương tiện nhằm duy trì trật tự, an ninh và phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật Nhà nước trong khu vực, địa điểm đó. Các khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm, địa điểm cấm phải cắm biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm". Mẫu biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm" theo quy định thống nhất do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Theo Quyết định này thì Khu vực cấm, địa điểm cấm gồm: Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển; Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân; Các kho dự trữ chiến lược quốc gia; Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; Khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).

Thẩm quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm trong phạm vi địa phương mình quản lý theo đề nghị của Giám đốc Công an cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm đối với các công trình quốc phòng và khu quân sự; Bộ trưởng Bộ Công an xác định khu vực cấm, địa điểm cấm cụ thể và quyết định cắm biển cấm tại các đơn vị công an.

Như vậy, đối chiếu với các quy định trên thì trụ sở UBND xã, phường, quận, huyện, thị xã không thuộc khu vực, địa điểm cấm. Do đó việc đặt biển cấm tại trụ sở các cơ quan này là không phù hợp quy định pháp luật.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/ban-doc/lanh-dao-huyen-van-giang-trao-quyen-cho-bao-ve-tiep-phong-vien-buong-loi-xuc-pham-42197