Lãnh đạo EU bất ngờ đạt được thỏa thuận về vấn đề di cư

Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 29/6 đã cứu vãn thành công hội nghị thượng đỉnh của khối sau khi ký kết được một thỏa thuận về vấn đề nhập cư, trong đó quy định các nước thành viên sẽ cùng chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn.

Giới lãnh đạo EU thở phào nhẹ nhõm sau khi đạt được thỏa thuận về vấn đề di cư. (Nguồn: AP).

Đảo ngược viễn cảnh xấu

Sau các vòng đàm phán chạy đua, giới lãnh đạo EU đã nhất trí - dựa trên cơ sở tự nguyện - sẽ thiết lập các trung tâm xử lý người nhập cư trên khắp châu Âu. Các trung tâm này có nhiệm vụ xác nhận những người tìm kiếm diện tị nạn và "những người nhập cư bất thường, những người sẽ bị trục xuất về nước sở tại".

Tuy nhiên, thỏa thuận này lại thiếu đi chi tiết về cơ chế vận hành của các trung tâm này, và làm thế nào để các nước thành viên EU tiếp nhận những người di cư tìm kiếm diện tị nạn.

Theo thỏa thuận mới, EU cũng sẽ tìm cách thiết lập các trung tâm nhập cư ở các nước bên ngoài khu vực châu Âu, theo tuyên bố của Hội đồng châu Âu. Các trung tâm này có thể được đặt ở một số nước Bắc Phi, nhằm mục đích ngăn chặn các mô hình kinh doanh "đen tối" như vận chuyển người di cư vượt biển tới châu Âu.

Hội nghị thượng đỉnh quy tụ giới lãnh đạo châu Âu, với dự định ban đầu sẽ tập trung vào vấn đề Brexit, cuối cùng lại bị thống trị bởi vấn đề làm thế nào để đối phó với dòng người nhập cư đang cố gắng băng biển để tới châu Âu.

Trước đó, chính phủ Italy đã đe dọa sẽ ngăn chặn thỏa thuận chung của hội nghị thượng đỉnh nếu vấn đề nhập cư không được đem ra thảo luận. Cuối cùng, đến khoảng 5h00 sáng hôm thứ Sáu (giờ Brussels, Bỉ), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thông báo trên Twitter rằng giới lãnh đạo đã nhất trí về một tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh EU, trong đó bao gồm một thỏa thuận về vấn đề di cư.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm 29/6 cho hay thỏa thuận trên là kết quả của "một vòng đàm phán kéo dài, nhưng kể từ hôm nay Italy sẽ không còn đơn độc" đối phó với khủng hoảng di cư.

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Hội đồng châu Âu nói rằng họ đã nhất trí thông qua một "hướng tiếp cận toàn diện đối với vấn đề nhập cư, bao gồm đề ra biện pháp kiểm soát hữu hiệu các đường biên giới của EU, tăng cường hành động từ cả bên ngoài và bên trong khối, dựa trên các nguyên tắc và giá trị cốt lõi của EU".

"Hội đồng châu Âu đã quyết tâm sẽ tiếp tục tăng cường chính sách ngăn chặn sự trở lại của dòng người di cư tràn lan như trong năm 2015 và ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp trên mọi tuyến đường" - tuyên bố trên nêu rõ.

Tuyên bố này cũng cho hay EU sẽ tăng cường hỗ trợ cho Italy và các quốc gia thuộc khu vực ven biển Địa Trung Hải, và tăng nỗ lực ngăn chặn hoạt động vận chuyển người trái phép ở Libya và những nơi khác.

Thủ tướng Anh Theresa May đã hoan nghênh thỏa thuận trên, nói rằng nó đã giải quyết được nhiều vấn đề mà nước Anh từng nêu ra trước đó, và sẽ "đảm bảo được rằng người di cư sẽ không còn lao vào những hành trình nguy hiểm... trong tay của những kẻ buôn người".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì nói rằng, dù có nhiều dự đoán cho rằng EU không thể đạt được một thỏa thuận, các nước thành viên cuối cùng cũng đạt được một "giải pháp toàn châu Âu".

Tình trạng tuyệt vọng

Bất chấp thực tế số lượng người di cư đổ bộ vào châu Âu đã giảm mạnh, hàng nghìn người tuyệt vọng vẫn tiếp tục đi theo những hành trình nguy hiểm để tới lục địa già, rất nhiều trong số này lênh đênh trên những con tàu chở quá tải của các băng nhóm buôn người.

Tính đến ngày 6/6, có khoảng 33.4000 người di cư và tị nạn đã đến châu Âu theo đường biển, Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) cho hay, phần lớn số họ cập bến Hy Lạp, Italy và Tâu Ban Nha. Trong khi, số lượng những người thiệt mạng trên biển là 785 người.

Các chính phủ châu Âu từ lâu đã tranh cãi nảy lửa về trách nhiệm tiếp nhận người di cư đổ bộ đến vùng bờ biển phía Nam của họ. Ông Salvini, Bộ trưởng Nội vụ Italy, từng tuyên bố rằng nước này sẽ đóng cửa hết các cảng biển để ngừng tiếp nhận người di cư đến từ những con tàu mà tổ chức nhân đạo quốc tế vận hành.

Mối quan ngại về người nhập cư xuất hiện ngay trong thời điểm mà châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, sự trỗi dậy của làn sóng dân túy, bất đồng thương mại căng thẳng với nước Mỹ, cam kết của Washingotn với NATO và cả vấn đề đàm phán về Brexit.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/lanh-dao-eu-bat-ngo-dat-duoc-thoa-thuan-ve-van-de-di-cu-tintuc408648