Lãnh đạo Đức - Pháp cùng bàn về thành lập quân đội Châu Âu

Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi thành lập quân đội Châu Âu thực thụ chỉ vài ngày sau phát biểu tương tự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Compiegne, Pháp, ngày 10.11. 2018. Ảnh: Reuters

“Chúng ta nên làm việc hướng tới thành lập một quân đội Châu Âu thực thụ” - bà Merkel phát biểu trước Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg.

Quân đội chung EU sẽ cho thế giới thấy chiến tranh giữa các quốc gia Châu Âu hoàn toàn không thể xảy ra, là sự bổ sung tối ưu cho NATO, vậy nên việc tiếp tục "hướng tới thành lập lực lượng này" là điều cần thiết, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh.

"Chúng ta đã gặt hái được thành công lớn trong hợp tác quân sự, điều này là rất tốt và có tính hỗ trợ, nhưng chúng ta phải hành động để hướng đến việc lập ra quân đội toàn Châu Âu vào thời điểm chín muồi" - bà Merkel nói trên kênh N24.

Thủ tướng Đức nhấn mạnh thêm rằng, "quân đội Châu Âu sẽ chứng minh cho thế giới thấy không thể có chiến tranh giữa các quốc gia EU, và đây cũng không phải là lực lượng chống NATO, mà là sự bổ sung tuyệt vời cho liên minh này, vì chẳng ai nghi ngờ mối quan hệ truyền thống giữa EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương".

Tuyên bố nói trên của Thủ tướng Angela Merkel “đồng thanh tương ứng” với đề xuất của Tổng thống Pháp Emanuel Macron - người tuần trước nói rằng Châu Âu “phải tự bảo vệ mình trước Trung Quốc, Nga, thậm chí cả Mỹ”. “Châu Âu không thể tự bảo vệ mình trừ khi chúng ta quyết định thành lập một quân đội Châu Âu thực thụ” - ông Macron nói.

Tuyên bố của ông Macron dường như không ăn ý với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm 13.11, ông Donald Trump công kích người đồng cấp Pháp, nói rằng vấn đề của Pháp trong Thế chiến 2 không phải là Mỹ, Nga hay Trung Quốc, mà chính là Đức. “Họ bắt đầu học tiếng Đức ở Paris trước khi Mỹ đến” - ông Donald Trump viết trên Twitter.

Tuy nhiên, ông Macron hoàn toàn không bị khó xử bởi những sự kiện trong quá khứ. Một trăm năm sau khi dứt tiếng súng Thế chiến thứ nhất, hai nhà lãnh đạo của Pháp và Đức nắm tay và tựa đầu vào nhau trong một buổi lễ gây xúc động đánh dấu sự kiện hai bên kí hiệp ước đình chiến.

Cũng trong bài phát biểu tại Strasbourg trước Nghị viện Châu Âu, Thủ tướng Merkel đề xuất thành lập Hội đồng An ninh Châu Âu dựa trên nguyên tắc luân phiên thành viên nhằm đưa ra quyết định quan trọng tại EU.

"Tôi đề nghị thành lập Hội đồng An ninh Châu Âu, các thành viên sẽ làm việc theo nguyên tắc luân phiên và nhanh chóng đưa ra những quyết sách quan trọng", bà Merkel nói.

Thủ tướng Đức nói thêm rằng "chỉ một Châu Âu thực sự đoàn kết mới đủ mạnh mẽ để được lắng nghe trên vũ đài thế giới" và kêu gọi "tìm đến giải pháp chung ở những lĩnh vực mà hiệp ước cho phép".

Theo bà Merkel, để trở nên độc lập hơn và "tự mình nắm giữ số phận, EU cần tồn tại như một cộng đồng gắn kết".

Kể từ Thế chiến thứ hai, Pháp và Đức đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn ở Châu Âu và Liên minh Châu Âu đã trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới.

K.M

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/lanh-dao-duc-phap-cung-ban-ve-thanh-lap-quan-doi-chau-au-641270.ldo