Lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu, nhà đầu tư nên làm gì?

Lãnh đạo doanh nghiệp là những người nắm rõ tình hình doanh nghiệp hàng ngày, trong khi nhà đầu tư phải chờ báo cáo kinh doanh định kỳ theo quý, theo năm. Vậy khi lãnh đạo đăng ký giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư có nên 'đu' theo?

Doanh thu niên vụ 2017-2018 của SBT tăng mạnh là nhờ sáp nhập Đường Biên Hòa và Đường Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2017.

Bối rối vì lãnh đạo “mua đáy bán đỉnh”

Từ đầu tháng 8/2018 đến nay, doanh nghiệp có nhiều giao dịch của lãnh đạo được chú ý nhất là Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT). Các giao dịch này chủ yếu là mua vào.

Cụ thể, Chủ tịch Phạm Hồng Dương, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Ngữ và Phó Tổng Giám đốc Trần Quốc Thảo đều đã mua vào 1 triệu cổ phiếu hồi đầu tháng 8. Ngoài ra, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Việt cũng đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu từ ngày 17/8 đến ngày 15/9. Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Giám đốc Tài chính đã đăng ký mua 900.000 cổ phiếu SBT để nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,02% lên 0,18%. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 28/8 đến ngày 26/9.

Cổ đông lớn nhất của SBT là Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC Group) cũng đăng ký mua thêm 16 triệu cổ phiếu SBT trong thời gian từ 22/8 đến 20/9. Nếu giao dịch hoàn tất, TTC Group sẽ tăng nắm giữ lên 24,93% vốn SBT, tương đương 123,5 triệu cổ phiếu. Chủ tịch TTC Group là bà Đặng Huỳnh Ức My, cũng là Thành viên Hội đồng Quản trị và nắm giữ 32,5 triệu cổ phiếu SBT.

Việc mua vào hay bán ra cổ phiếu của lãnh đạo sẽ tác động mạnh đến giá cổ phiếu doanh nghiệp đó. Lãnh đạo là người hiểu rõ “sức khỏe” doanh nghiệp hàng ngày hàng giờ, còn nhà đầu tư thì không. Bởi vậy, các giao dịch của lãnh đạo luôn khiến nhà đầu tư đau đầu suy đoán. Nhất là sau nhiều vụ may mắn “mua đáy bán đỉnh” của một số lãnh đạo với chính cổ phiếu doanh nghiệp mình quản lý.

Hồi giữa năm 2017, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có lẽ là người may mắn nhất thị trường khi ấy. Chỉ trong tuần đầu tiên tháng 6/2017, ông Vũ bán ra gần 9,6 triệu cổ phiếu HSG với giá khoảng 32.000 đồng/cổ phiếu, được xem là mức giá đỉnh của HSG đến nay. Sau đó, khi giá cổ phiếu HSG giảm mạnh về vùng đáy, có lúc xuống dưới 27.000 đồng/cổ phiếu, ông Vũ lại mua vào qua công ty riêng.

Trước đó không lâu, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng khiến nhà đầu tư một phen ngỡ ngàng. Cuối tháng 5/2017, ông Bình bán gần hết cổ phiếu đang sở hữu ở vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu, khiến cổ phiếu CII giảm liên tục từ vùng giá đỉnh này.

Một trường hợp khác là ông Lê Xuân Nghĩa, Chủ tịch Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (NHP). Ông Nghĩa nhiều lần lướt sóng cổ phiếu công ty mình với khả năng “mua đáy bán đỉnh”. Đặc biệt là hai mức giá này thường chênh lệch 3-4 lần.

SBT từng bị nhắc nhở vì đặt lệnh mua cổ phiếu quỹ sai quy định và mua không đủ số đăng ký.

Nhà đầu tư cá nhân nên làm gì?

Theo ông Hoàng Thạch Lân - Trưởng phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS), nhà đầu tư nên xác định rõ hình thức đầu tư của mình trước khi giao dịch theo các thông tin của lãnh đạo. Nếu xác định là đầu tư ngắn hạn (lướt sóng), nhà đầu tư có quyền mua theo, tùy theo kinh nghiệm của mình.

Các lãnh đạo chủ chốt của SBT vừa qua đã mua vào khá nhiều cổ phiếu. Nhưng nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý, đã có trường hợp lãnh đạo SBT đăng ký mua mà không mua. Chẳng hạn, khoảng thời gian 4/6-3/7/2018, chủ tịch Phạm Hồng Dương đăng ký mua 100.000 cổ phiếu nhưng không mua cổ phiếu nào.

Với trường hợp mua cổ phiếu quỹ trong thời gian 18/4-17/5/2018, SBT cũng không mua hết lượng đăng ký. Đặc biệt, phía SBT đã cố tình đặt lệnh giao dịch cao hơn giá quy định, để giao dịch không khớp lệnh được. Cuối cùng, SBT chỉ mua được 61,6 triệu so với gần 81,6 triệu cổ phiếu đăng ký.

Đối với hình thức đầu tư dài hạn, ông Lân cho rằng nhà đầu tư nên đánh giá kỹ tiềm năng doanh nghiệp qua các chỉ số cụ thể, thay vì mua bán theo lãnh đạo. Trong trường hợp của SBT, mới đây Công ty Chứng khoán Phú Hưng đã đưa ra báo cáo về doanh nghiệp và khuyến nghị mua cổ phiếu SBT.

Báo cáo này cho rằng, SBT đang sở hữu lợi thế về quy mô so với các doanh nghiệp cùng ngành. Sau các thương vụ sáp nhập trong năm 2017, SBT đang chiếm đến 40% thị phần ngành đường và tham vọng nâng con số này lên 50%. Kể từ niên vụ 2018-2019, với kỳ vọng hồi phục giá đường thế giới, kết quả kinh doanh của SBT được dự báo tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, SBT vẫn còn nhiều khó khăn bủa vây. Trước hết, dù Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được giãn đến năm 2020, nhưng giá đường của SBT vẫn đang cao hơn đường nhập khẩu Thái Lan (2.000-2.500 đồng/kg). Tồn kho ngành đường đang khá cao khiến áp lực giảm giá bán càng tăng thêm.

Đáng chú ý là dù SBT công bố tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá cao, nhưng đây là kết quả của quá trình hợp nhất Đường Biên Hòa và Đường Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2017. Nếu dựa vào con số cụ thể, mục tiêu doanh thu sau sáp nhập do SBT công bố vẫn chưa hoàn thành.

Dương Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/lanh-dao-doanh-nghiep-dang-ky-mua-co-phieu-nha-dau-tu-nen-lam-gi-d70076.html