Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Lễ viếng Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh diễn ra sáng nay, 3/5/2019, tại Hà Nội, TPHCM và Thừa Thiên Huế. Đại tướng Lê Đức Anh sẽ an nghỉ tại khu K1 nghĩa trang TPHCM cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Đoàn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn.

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh”.

Đoàn Ban chấp hành Trung ương cúi đầu trong phút mặc niệm nguyên Chủ tịch nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đi một vòng quanh linh cữu, tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh.

(Ảnh: Quý Đoàn)

(Ảnh: Quý Đoàn)

Ghi sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Vô cùng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh, vị tướng tài ba, một người chỉ huy xuất sắc của quân đội. Đồng chí là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, được tôi luyện qua thử thách chiến tranh giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia… Kính cẩn tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh, anh Sáu Nam kính mến!”.

Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Đại tướng Lê Đức Anh là vị Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên trở thành Chủ tịch nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt đoàn Quốc hội kính cẩn thắp hương, tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh. Đoàn dành một phút mặc niệm trước linh cữu Đại tướng.

Đoàn Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu vào viếng. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Đoàn Chủ tịch nước do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm Trưởng đoàn vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.

Cùng bước tới trước linh cữu có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Thị Doan, Chánh Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung…

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thắp hương và cùng đoàn Chủ tịch nước mặc niệm, đi vòng quanh linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh tiễn biệt ông, vị tướng cuối cùng trực tiếp chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đoàn Chủ tịch nước do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm Trưởng đoàn vào viếng (Ảnh: Quý Đoàn)

Trong sổ tang, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viết: “Kính thưa Đại tướng Lê Đức Anh, tròn 100 năm tuổi đời, đồng chí đã có nhiều cống hiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng chí mất đi là sự mất mát lớn với Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội Việt Nam… Chúng cháu luôn ghi nhớ công ơn và nhớ về vị Chủ tịch nước, vị tướng tài ba của dân tộc. Xin vĩnh biệt đồng chí Đại tướng. Kính mong Đại tướng an giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng. Xin được chia buồn với gia quyến Đại tướng”.

Đoàn Bộ Quốc phòng do Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Quốc phòng đứng đầu vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.

(Ảnh: Quý Đoàn)

Đoàn Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an đứng đầu vào viếng.Cùng lúc này tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh cũng đang diễn ra trọng thể. Đại tướng Lê Đức Anh sẽ an nghỉ tại khu K1 nghĩa trang TPHCM cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng đội đã cùng vào sinh ra tử với ông trong suốt 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.

Đoàn lãnh đạo TPHCM kính cẩn vào viếng Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất (Ảnh: Quốc Anh)

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân kính cẩn thắp 3 nén hương và cùng các đại biểu trong đoàn Ban Thường vụ Thành ủy cúi đầu mặc niệm Đại tướng. Trong Hội trường Thống Nhất, bàn thờ và di ảnh Đại tướng Lê Đức Anh được treo trang trọng. Trước ban thờ là 6 vòng hoa lớn của gia đình và họ tộc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ… viếng Đại tướng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ghi lời tiễn biệt. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Đoàn các cơ quan Trung ương tại phía Nam do Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn cũng đã đặt vòng hoa, vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại đây.

Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên viết sổ tang tại Hội trường Thống Nhất TPHCM. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến viếng Đại tướng tại TPHCM. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám tổng tông tòa Tổng giáo phận TPHCM, tới viếng và ghi sổ tang tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh tại Hội trường Thống Nhất. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Tại Thừa Thiên Huế - quê nhà Đại tướng Lê Đức Anh, lễ viếng và lễ truy điệu được tổ chức tại Hội trường trụ sở HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế (số 16 Lê Lợi, TP Huế). Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế làm Trưởng Ban chỉ đạo lễ viếng, lễ truy điệu tại đây.Nguyện vọng của gia đình Đại tướng Lê Đức Anh tại quê nhà là xin miễn nhận tiền phúng viếng, chấp điếu của cá nhân, tổ chức khi đến viếng.

Nguyện vọng của gia đình Đại tướng Lê Đức Anh tại quê nhà là xin miễn nhận tiền phúng viếng, chấp điếu của cá nhân, tổ chức khi đến viếng.

Đoàn Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh Quảng Nam do ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam vào viếng tại Huế (Ảnh: Đại Dương)

Đoàn Hội đồng họ Lê tỉnh Thừa Thiên Huế vào viếng Đại tướng. (Ảnh: Đại Dương)

Đoàn Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam do ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam dẫn đầu vào viếng. (Ảnh: Nguyễn Dương)

Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội vào viếng Đại tướng (Ảnh: Quý Đoàn)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản dẫn đầu đoàn đại diện Chính phủ Nhật Bản tới viếng Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: Quý Đoàn)

Đoàn Tổng lãnh sự nước CHDCND Lào tại Đà Nẵng vào viếng Đại tướng tại tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Đại Dương)

Đoàn Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị do ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị vào viếng (Ảnh: Đại Dương)

7h, ông Tô Quan Hanh - Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam mời các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia đình ổn định vị trí để bắt đầu lễ viếng. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Trưởng Ban tổ chức lễ tang tuyên bố lễ tang bắt đầu.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tuyên bố lễ Quốc tang bắt đầu. (Ảnh: Quý Đoàn)

Đứng đầu đoàn vào viếng có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuẩn bị vào viếng. (Ảnh: Quý Đoàn)

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có những đóng góp to lớn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nguyên Chủ tịch nước mất đi là tổn thất to lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình công bố danh sách 39 thành viên Ban lễ tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để đảm bảo thời gian lễ an táng tại TPHCM, thể theo nguyện vọng của gia đình nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, lễ truy điệu sẽ được tổ chức ngay sau khi kết thúc lễ viếng thay vì 11h trưa nay như kế hoạch ban đầu.

(Ảnh: Quý Đoàn)

Lễ viếng tại Hội trường Thống Nhất TPHCM.

Lãnh đạo TPHCM chờ vào viếng. (Ảnh: Quốc Anh)

Lễ viếng tại Huế, quê hương Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: Đại Dương)

Đoàn họ Lê - bà con họ hàng của Đại tướng Lê Đức Anh vào viếng tại Huế. (Ảnh: Đại Dương)

Từ sáng sớm nay, tại Hà Nội trời đổ mưa, nhưng rất đông người đã tới Nhà tang lễ Quốc gia đội mưa chờ vào viếng.

Gia quyến của Đại tướng Lê Đức Anh có ông Lê Mạnh Hà – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, con trai Đại tướng cùng các con gái mang khăn tang đen. Các cháu chắt, người thân của Đại tướng đeo khăn tang trắng.

6h45, đoàn họ Lê chuẩn bị vào viếng tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội). (Ảnh: Quý Đoàn)

(Ảnh: Quốc Anh)

Cùng thời điểm này tại Hội trường Thống Nhất TPHCM cũng chuẩn bị diễn ra lễ viếng. (Ảnh: Nguyễn Quang)

CSGT TPHCM tổ chức phân luồng cho các đoàn viếng tiến vào Hội trường Thống Nhất. Từ 7h, khi lễ viếng bắt đầu, 4 đoạn đường xung quanh Hội trường sẽ hạn chế phương tiện giao thông qua lại. (Ảnh: Quốc Anh)

Đại tướng Lê Đức Anh đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước từ từ tháng 9/1992 đến tháng 12/1997

Thông tin từ thông cáo đặc biệt phát đi từ Ban lễ tang, lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 7h, kéo dài đến 11h sáng nay, tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Từ 11h sẽ diễn ra lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước.

Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên quán của nguyên Chủ tịch nước cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng.

Lễ an táng tổ chức vài 17h cùng ngày 3/5 tại nghĩa trang TPHCM.

Theo quy định về việc tổ chức lễ Quốc tang, Trưởng Ban lễ tang là Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch nước sẽ là người chủ trì lễ viếng, lễ truy điệu. Lễ truy điệu nhằm tưởng nhớ, tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp, công sức đóng góp của người nằm xuống dành cho đất nước, cũng là lời tiễn biệt người ra đi trước khi lễ di quan, lễ an táng được cử hành.

Trưởng Ban lễ tang tại lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình bày điếu văn tưởng nhớ vị cán bộ lão thành thế hệ trước.

Những năm gần đây, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước đã làm Trưởng Ban lễ tang trong các lễ Quốc tang của đất nước, nhiệm kỳ trước có lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiệm kỳ này có lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Đại tướng Lê Đức Anh là vị tướng lĩnh cuối cùng của ban chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn rời bỏ nhân thế. Ông từ trần hồi 20h10’, ngày 22/4/2019 (tức ngày 18 tháng 3 năm Kỷ Hợi) tại số nhà 5A Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, chỉ ít ngày trước ngày kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước.

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; thường trú tại số nhà 5A Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 5/1938. Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII.

Ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước từ tháng 9/1992 đến tháng 12/1997; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1997 đến tháng 4/2001).

Ông cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.

Theo thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đại tướng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đại tướng Lê Đức Anh mất đi được đánh giá là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

P.Thảo/ Dân Trí

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc-tien-biet-nguyen-chu-tich-nuoc-le-duc-anh-60524.htm