Cha mẹ làm sao thể hiện tình yêu với trẻ mới lớn?

Khi con gái còn nhỏ, chị Thúy rất thoải mái ôm hôn và cưng nựng con. Nhưng khi con bé bước vào tuổi dậy thì, chị lại càng ngại thể hiện điều này với con.

Thấy vậy, ông xã của chị góp ý: “Nếu con thuộc tuýp người thích thể hiện tình cảm ra bên ngoài thì cha mẹ vẫn nên duy trì điều đó nhưng ở mức độ nhẹ nhàng, tế nhị hơn”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên trong mỗi đứa trẻ ở tuổi mới lớn là một không gian cảm xúc, nếu không gian này được lấp đầy bởi tình thương của cha mẹ, thì đứa trẻ đó sẽ trải qua thời niên thiếu của nó một cách dễ dàng mà không gặp bất cứ trở ngại nào, hoặc nếu có sẽ chỉ là những chấn thương ở mức tối thiểu. Nhưng nếu không gian này trống rỗng, trẻ dễ bị tổn thương, luôn phải đấu tranh tâm lý, thậm chí sẽ tìm kiếm tình thương đó ở những mối quan hệ sai lầm.

Vì vậy, phân biệt cách thể hiện tình yêu của con bạn là một điều vô cùng cần thiết, giúp cha mẹ nhận diện và có cách thể hiện phù hợp với trẻ. Nhờ đó, trẻ có thể cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương của cha mẹ để có thể phát triển toàn diện.

Những lời động viên và quà tặng

Hãy quay ngược thời gian trở về thời điểm con bạn mới chập chững những bước chân đầu đời, bạn thường đứng ở phía xa, vỗ tay và nói rằng: “Bước đến đây đi con. Con làm được mà”.

Nếu không may, trẻ bị ngã, bạn vẫn tươi cười, đỡ trẻ dậy và động viên trẻ thử lại lần nữa. Vậy, tại sao bạn không thử làm lại điều này một lần nữa, khi con bạn đang bỡ ngỡ bước vào giai đoạn đầy khó khăn và khủng hoảng nhất trong cuộc đời? Một đứa trẻ mười ba tuổi cho biết, trong quãng thời gian nó bị thương ở cánh tay và chán nản với mọi thứ, thì cha mẹ của nó vẫn luôn động viên nó nên tiếp tục việc học ở trường.

Cho dù kết quả không tốt nhưng cha mẹ đứa bé vẫn tự hào vì con đã cố gắng hết sức. Lúc đó, đứa trẻ cảm nhận được tình thương của cha mẹ dành cho nó nhiều hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa

Thông thường, khi bước vào tuổi dậy thì, đa phần những đứa trẻ sẽ không còn phấn khích và vui mừng nhẩy cẫng lên khi được tặng quà như lúc chúng còn nhỏ nữa. Nhưng điều này không có nghĩa trẻ sẽ không cảm động khi thỉnh thoảng nhận được những món quà bất ngờ từ cha mẹ.

Một đứa trẻ mười lăm tuổi đã chỉ vào túi xách, giày dép và nói rằng: “Tất cả mọi thứ em có đều do cha mẹ cho em. Trong tâm trí em, đó là tình yêu thương vì cha mẹ em đã cho em nhiều hơn những gì em cần. Em còn chia sẻ những món quà này cùng với bạn em”. Đứa trẻ không chỉ đón nhận tình thương của cha mẹ từ việc nhận những món quà tặng, mà còn biết nhân rộng tình thương ấy bằng cách cho đi.

Sự quan tâm và giúp đỡ

Đối với một số thanh thiếu niên, sự quan tâm chân thành và tuyệt đối từ cha mẹ đôi khi đáng quý hơn những việc cha mẹ cùng làm với con cái. Ở tuổi mười bảy, một đứa trẻ luôn cảm thấy an toàn trong tình thương của cha mẹ nó. Cô bé cho biết: “Cha mẹ luôn ở đó khi em cần. Em có thể thảo luận bất cứ điều gì với cha mẹ. Em tin rằng cha mẹ sẽ luôn hiểu, giúp em đưa ra những quyết định khôn ngoan”.

Trẻ sẽ dễ dàng cảm nhận tình thương từ cha mẹ nếu cha mẹ biết quan tâm, giúp đỡ tận tình và chu đáo. Một đứa trẻ mười ba tuổi còn chia sẻ: “Em biết mẹ em yêu em vô vàn vì mẹ luôn chăm sóc em từ những điều nhỏ nhặt nhất, như khâu lại từng chiếc cúc áo, mẹ còn làm giúp em bài tập về nhà. Mẹ làm việc chăm chỉ và vất vả mỗi ngày để lo cái ăn cái mặc cho anh trai và em”.

Nếu cha mẹ không nói đúng tình yêu dành cho trẻ, trẻ sẽ không cảm nhận được trọn vẹn tình thương của cha mẹ, dù cho bạn có quan tâm trẻ bằng những cách khác.

TÚ UYÊN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cha-me-lam-sao-the-hien-tinh-yeu-voi-tre-moi-lon-post179267.html