Lãnh đạo châu Âu thảo luận về khủng hoảng dịch Covid-19

Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 11-6, lãnh đạo bốn nước Visegrad (còn gọi là Nhóm V4, gồm CH Séc, Slovakia, Hungary, Ba Lan) nhóm họp tại CH Séc để bàn về gói cứu trợ kinh tế trị giá 750 tỷ euro (850 tỷ USD) của Liên hiệp châu Âu (EU). Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra theo hình thức gặp mặt trực tiếp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Các nguồn tin cho biết, các nước V4 đang tìm kiếm lập trường chung về quỹ phục hồi kinh tế của EU trước thềm hội nghị cấp cao trực tuyến của Hội đồng châu Âu (EC) diễn ra vào ngày 19-6 tới.

Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 11-6, lãnh đạo bốn nước Visegrad (còn gọi là Nhóm V4, gồm CH Séc, Slovakia, Hungary, Ba Lan) nhóm họp tại CH Séc để bàn về gói cứu trợ kinh tế trị giá 750 tỷ euro (850 tỷ USD) của Liên hiệp châu Âu (EU). Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra theo hình thức gặp mặt trực tiếp kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Các nguồn tin cho biết, các nước V4 đang tìm kiếm lập trường chung về quỹ phục hồi kinh tế của EU trước thềm hội nghị cấp cao trực tuyến của Hội đồng châu Âu (EC) diễn ra vào ngày 19-6 tới.

* Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Tài chính (IFS), Anh, công bố ngày 11-6, cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đang phơi bày tình trạng bất bình đẳng hiện hữu tại Anh, giữa người có thu nhập thấp và người có thu nhập cao, giữa người lao động trẻ và cao tuổi và người thiểu số sắc tộc. Theo IFS, những người có mức lương thấp là đối tượng hàng đầu có nguy cơ mất thu nhập và việc làm. Trong khi đó, mức độ chênh lệch trong tỷ lệ tử vong do Covid-19 gia tăng giữa khu vực giàu và nghèo ở Anh.

* Tại Canada, kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, phần lớn người dân lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở Canada. Theo đó, có tới 76% số người được hỏi dự báo Canada sẽ phải chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ hai. Có hơn 70% số người được hỏi cho rằng chính phủ nên duy trì tốc độ mở cửa trở lại nền kinh tế một cách thận trọng.

* Ngày 10-6, Thư ký điều hành Ủy ban kinh tế Mỹ latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) A.Barcena kêu gọi việc tái xây dựng lại nền kinh tế khu vực Mỹ latinh sau đại dịch Covid-19 cần phải bình đẳng và bền vững với môi trường, với mục tiêu bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Bà Barcena nhấn mạnh, cần bảo đảm cho người dân được quyền tiếp cận các hệ thống y tế chất lượng và tái thiết lại nền kinh tế với sự bình đẳng và bền vững.

* Mỹ latinh hiện là tâm chấn của đại dịch Covid-19. Đến nay, khu vực này ghi nhận hơn 1,3 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó Brazil là quốc gia bị tác động nặng nề nhất với hơn 775.000 trường hợp, cao thứ hai thế giới. Các quốc gia khác trong khu vực cũng nằm trong nhóm bị tác động nhiều nhất, gồm Peru, Chile, Mexico, Ecuador, Panama, Cộng hòa Dominica và Colombia.

* Ngày 10-6, Thủ tướng Ba Lan M.Morawiecki cho biết, Ba Lan sẽ mở lại biên giới với các nước trong EU từ ngày 13-6 tới. Theo ông Morawiecki, Ba Lan cần khôi phục quan hệ thương mại với EU càng nhanh càng tốt, vì hầu hết hàng xuất khẩu của Ba Lan là sang các nước EU. Đến nay, Ba Lan ghi nhận hơn 28.000 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có hơn 1.200 trường hợp tử vong.

* Ngày 10-6, Cơ quan Du lịch Hungary (MTU) cho biết, đã khởi động lại hoạt động du lịch nội địa trong tháng 5. Theo MTU, trong tháng 5 vừa qua, 134.000 du khách đã nghỉ tại các cơ sở du lịch của nước này. Do các biện pháp hạn chế đi du lịch nước ngoài, nên có tới 94% là du khách trong nước.

* Ngày 10-6, Chính phủ Lào tuyên bố, Lào đã giành chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, sau khi toàn bộ 19 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được xuất viện và không có ca nhiễm mới nào trong 59 ngày liên tiếp. Thủ tướng Lào Thong-lun Xi-xu-lít khẳng định, chiến thắng ban đầu này là bước đi quan trọng đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh có được chiến thắng là nhờ sự đóng góp của toàn thể người dân Lào có ý thức trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

* Ngày 11-6, giới chức Thái Lan cho biết không ghi nhận ca nhiễm mới hay ca tử vong mới nào do Covid-19. Số ca nhiễm và tử vong ở Thái Lan vẫn ở mức lần lượt 3.125 ca và 58 ca. Đây là lần đầu trong ba tuần qua Thái Lan không có ca nhiễm mới trong ngày và ngày thứ 17 không có ca lây nhiễm trong nước.

* Ngày 11-6, Ấn Độ ghi nhận thêm 9.996 ca mắc mới. Đến nay, tổng số ca mắc ở nước này tăng lên tới hơn 287.600 ca, trong đó có 8.115 ca tử vong. Sau khi ghi nhận thêm khoảng 90.000 ca mới chỉ trong 10 ngày qua, Ấn Độ sắp vượt Anh trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.

* Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) chiều 11-6 xác nhận một ca nhiễm Covid-19 mới. Đây là ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Bắc Kinh kể từ sau gần hai tháng không xuất hiện ca mới. Theo thông tin trên tờ Nhân dân Nhật báo, bệnh nhân trên là một người đàn ông 52 tuổi. Kiểm tra sức khỏe tại một phòng khám vào ngày 10-6 do bị sốt, bệnh nhân cho biết bản thân chưa từng rời khỏi Bắc Kinh hay tiếp xúc với bất kỳ ai trở về từ nước ngoài trong hai tuần gần nhất.

* Ngày 10-6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Guterres cho rằng đại dịch Covid-19 là một “hồi chuông cảnh tỉnh” để thế giới gia tăng hợp tác đa phương về kinh tế cũng như y tế. Ông Guterres đánh giá: “Covid-19 đang phơi bày sự yếu ớt của thế giới. Mặc dù đạt được những tiến bộ lớn về khoa học và công nghệ trong những thập kỷ gần đây, nhưng một con virus siêu nhỏ đã khiến chúng ta ngã quỵ”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần tái khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và trật tự toàn cầu dựa trên các luật lệ. Chúng ta cần một Hội đồng Bảo an đoàn kết để gánh vác đầy đủ trách nhiệm bảo đảm an ninh và hòa bình thế giới”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44826202-lanh-dao-chau-au-thao-luan-ve-khung-hoang-dich-covid-19.html