Lãnh đạo Bộ đã rất cầu thị, tôi tin năm mới giáo dục sẽ có bước chuyển tốt

'Qua theo dõi, lắng nghe nhiều kênh thông tin, tôi thấy lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự cầu thị', Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói.

Năm 2020 là năm bắt đầu những bước chuyển lớn của ngành giáo dục. Theo đó, năm nay sẽ bắt đầu triển khai sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực.

Là người làm giáo dục, rồi sau đó tiếp tục làm công tác quản lý, hoạch định chính sách về văn hóa giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chia sẻ một số quan điểm của ông về ngành giáo dục trước thời điểm đặc biệt này.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhận định: “Qua theo dõi, lắng nghe nhiều kênh thông tin, tôi thấy lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự cầu thị, bởi giáo dục nhiều năm qua không hiếm chuyện lùm xùm. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận, đánh giá giáo dục là đi xuống hay tổng thể không tốt là không phải.

Cá nhân tôi theo dõi thấy giáo dục có nhiều thành tựu, thành tích nhưng rất tiếc có những chuyện không tốt như nâng điểm, bạo lực học đường…xảy ra, nhưng trên phương diện khách quan tổng thể thì giáo dục có nhiều thành tích tốt”.

Phân tích rõ sự cầu thị của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nêu, đầu tiên là lãnh đạo Bộ Giáo dục đã nhận thức được cái sai, cái chưa được.

Ví dụ điển hình nhất là những điểm chưa hoàn thiện trong tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Vì thế, năm 2019, việc tổ chức thi có sự cải tiến, thay đổi tốt hơn rất nhiều. Đó là cầu thị, bởi nếu không cứ khư khư cho rằng mình đúng, phương thức cũ tốt thì làm sao có được kỳ thi 2019 được đánh giá là tốt, nghiêm ngặt.

Thứ hai là khi có sự góp ý của nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, dư luận xã hội, Bộ đã lắng nghe, tiếp nhận để giải quyết. Trước các thắc mắc, băn khoăn, Bộ cũng tổ chức đối thoại.

Ví dụ như vấn đề bạo lực học đường, Bộ đã trực tiếp có rất nhiều động thái để giảm thiểu tình trạng này. Rồi việc đối thoại với nhóm biên soạn sách giáo khoa Công nghệ giáo dục…

Thứ ba là trong triển khai bộ sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới. Nghị quyết số 88 của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Tuy nhiên xét thấy các điều kiện chưa đảm bảo, Bộ Giáo dục đã kiến nghị Chính phủ và trình Quốc hội xin lùi thời điểm triển khai.

“Bộ không phải vì thành tích mà cố để làm”, ông Chức đánh giá.

Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, giáo dục là vấn đề lớn và khó vì nó liên quan đến toàn bộ xã hội.

Ông hoan nghênh sự cầu thị của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi không ai, không ngành nào có thể thay đổi tốt ngay lập tức được, đặc biệt là sự nghiệp liên quan đến toàn bộ xã hội.

Vì thế phải lắng nghe ý kiến chuyên gia để chọn lọc thay đổi cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn.

“Người làm giáo dục mà không cầu thị mà cứ khư khư, khăng khăng những điều mình làm cứ cho điều mình là tốt nhất, là toàn diện thì không bao giờ tốt lên được. Nhưng nếu cầu thị và quyết tâm để làm thì mọi việc sẽ tốt lên.

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới sẽ có khó khăn. Vì nó là mới, điều kiện cơ sở vật chất, con người cho sự thay đổi này không phải hoàn toàn đã đạt yêu cầu.

Có thể nảy sinh nhiều băn khoăn, thắc mắc từ giáo viên, học sinh, phụ huynh. Việc gì khắc phục được khắc phục ngay.

Việc nào đã đúng không cần khắc phục thì phải giải thích, làm cho toàn dân hiểu. Có như thế, mới tạo được sự đồng thuận.

Tôi mong rằng với sự cầu thị, quyết tâm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên những thay đổi giáo dục trong năm mới sẽ thành công”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói.

Nhật Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lanh-dao-bo-da-rat-cau-thi-toi-tin-nam-moi-giao-duc-se-co-buoc-chuyen-tot-post206477.gd