Lãnh đạo Bình Định: Không để phát triển điện mặt trời ồ ạt theo phong trào

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, tỉnh giao các đơn vị kiểm tra, không để phát triển điện mặt trời một cách ồ ạt.

Nhiều dự án điện mặt trời áp mái dưới danh nghĩa dự án trang trại trên địa bàn Phù Cát (Bình Định) chủ yếu nhằm mục đích bán điện, chưa phát triển trang trại đúng nghĩa. Ảnh: Xuân Huy

Trao đổi với Báo Giao thông liên quan đến bài “Cận cảnh hàng loạt trang trại xin trồng nấm, dược liệu để bán điện mặt trời”, phản ánh việc nhiều trang trại có điện mặt trời áp mái ở huyện Phù Cát, Bình Định trục lợi chính sách để bán điện, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh này mới đây cũng đã có văn bản gửi Sở Công thương, Sở Xây dựng, BQL Khu Kinh tế, Công ty Điện lực Bình Định và UBND các huyện, Thị xã, thành phố liên quan đến việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm theo đúng quy định pháp luật các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn phát triển điện mặt trời mặt đất và trên mái nhà. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt điện mặt trời trên địa bàn tỉnh theo phong trào, thiếu sự kiểm tra gây quá tải lưới điện khu vực và xảy ra hậu quả xấu sau này - ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Bình Định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề điện mặt trời áp mái ở các dự án trang trại. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, EVN trong công tác kiểm tra, thanh tra về phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, các công ty điện lực thời gian vừa qua; xử lý nghiêm trong phạm vi thẩm quyền các sai phạm.

Trao đổi với PV, ông Trần Thúc Kham, Trưởng phòng Năng lượng thuộc Sở Công thương Bình Định cho biết: Thời điểm năm 2020 là thời điểm tình trạng đầu tư điện mặt trời áp mái phát triển ồ ạt nhất. Cuối năm 2020, trên toàn tỉnh Bình Định, điện mặt trời áp mái (cả mái nhà và trang trại) lên đến 221M. Đây là con số rất lớn.

Ông Kham thừa nhận có tình trạng nhiều chủ đầu tư lợi dụng chính sách của nhà nước, đầu tư điện mặt trời áp mái trang trại để nhằm hưởng ưu đãi bán điện. Cũng theo đại diện Sở Công thương Bình Định, việc nhiều đơn vị xin giấy phép làm trang trại, sau đó đầu tư điện mặt trời áp mái. Nhưng chủ yếu chỉ bán điện thì việc cấp phép và kiểm tra chính thuộc về UBND huyện.

“Bộ Công thương đang tiến hành kiểm tra việc đầu tư điện mặt trời áp mái ở khu vực phía Nam. Thời gian tới sẽ tiến hành kiểm tra ở Bình Định”, ông Kham nói.

Thật lạ, nhiều doanh nghiệp bỏ ra nhiều tỷ đồng để làm nhà xưởng với mục đích trồng nấm, đinh lăng, nhưng với cách trồng "đối phó" này, rất khó để hoàn vốn. Lợi nhuận chính của trang trại vẫn là... bán điện mặt trời. (Trong ảnh: Cây đinh lăng trong trang trại dược liệu của Công ty TNHH Toàn Thiện Phát được đấu nối để bán điện đã được "cho phép" từ năm 2020)

Theo ông Kham, Sở Công thương cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện thuộc hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định. Chịu trách nhiệm đảm bảo điện mặt trời áp mái được đấu nối phù hợp với quy định, không gây quá tải lên hệ thống lưới điện hạ áp, trung áp và cao áp hiện hữu.

Chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà phải có bản cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành. Mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng.

Đối với hệ thống điện mặt trời áp mái trang trại, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung xác nhận của UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại trong hồ sơ đăng ký, thỏa thuận việc đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường quản lý việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng các quy định của pháp luật.

Hệ thống điện mặt trời của Công ty TNHH Toàn Thiện Phát để đấu nối vào điện lưới được đầu tư hoạt động trong khi trồng nấm, dược liệu không chú trọng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Huỳnh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định cho biết: Khi các trang trại được cấp phép đầu tư thêm hệ thống điện mặt trời, phía điện lực kiểm tra, nếu chủ đầu tư đủ điều kiện về hệ thống pin, năng lượng... đảm bảo quy trình đấu nối như Nhà nước cho phép thì phía điện lực ký hợp đồng mua bán điện với họ. Còn việc trang trại có hoạt động hay không thuộc sự kiểm tra của UBND huyện, Sở NN&PTNT...

Cũng theo ông Việt, đến hết ngày 31/12/2020 điện lực không được ký hợp đồng mua bán điện với bất cứ trang trại có điện mặt trời áp mái nào cả. Nghĩa là việc ký hợp đồng mua bán điện giữa điện lực và phía chủ đầu tư trang trại có mặt trời áp mái đều chấm dứt trước năm 2021.

Nhiều khu vực của Công ty TNHH Toàn Thiện Phát chưa trồng bất cứ cây gì, nuôi con gì nhưng đã được đấu nối để bán điện

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã tiến hành kiểm tra ở một số địa phương sau loạt bài “Báo động làm điện mặt trời dưới vỏ bọc trang trại” của Báo Giao thông. Qua đó, đoàn kiểm tra đã xác định có vi phạm. Cụ thể, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết: Đoàn kiểm tra các dự án điện mặt trời của Bộ Công thương đã đi kiểm tra và đã phát hiện một số vấn đề sai phạm như Báo Giao thông nêu. Đơn cử như sai phạm trong việc "dự án chưa hoàn thiện đã cho đấu nối" hay tình trạng "chưa trồng cây gì, nuôi con gì nhưng đã được nghiệm thu đủ điều kiện đấu nối"...

Tại Bình Định, ghi nhận PV Báo Giao thông trên địa bàn xã Cát Hiệp (Phù Cát, Bình Định), nhiều dự án trang trại xin áp mái điện mặt trời, nhưng thực tế chỉ nhằm mục đích bán điện mặt trời.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!

Xuân Huy - Quang Đạt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-trang-trai-nong-nghiep-chi-ban-dien-mat-troi-lanh-dao-binh-dinh-noi-gi-d503364.html