Làng Vĩnh Xuyên

Những ngôi làng ở Thanh Hóa ra đời sớm muộn khác nhau, thông thường mỗi làng dân cư ngày một nhiều; phong tục, tập quán, giọng nói... hình thành dần những nét riêng biệt và tồn tại bền vững qua năm tháng. Cá biệt có những làng sinh ra, tồn tại ba bốn trăm năm rồi tự nhiên mất đi, chỉ còn lại trong ký ức một số người và dần dần gần như rất ít người còn nhớ. Vĩnh Xuyên là một làng như thế.

Làng ven sông. Minh họa: Phạm Nam

Làng Vĩnh Xuyên. Đó là một làng mà dân làm nghề sông nước: đánh bắt cá, vận tải hàng hóa bằng thuyền. “Giang sơn” của họ là những dòng sông. Những người đầu tiên chọn nơi này cư ngụ, họ có con mắt nhìn xa trông rộng: nơi đây gần Ngã Ba Bông, vùng rốn nước sông Mã như một số nhà nghiên cứu nói về nơi thờ Mẹ Nước (cô Ba Thoải); nơi có 3 con sông: sông Mã, sông Lèn, sông Cầu Chày, rất thuận tiện làm nghề chài lưới, vận tải hàng hóa đến mọi miền trong tỉnh và tỉnh ngoài. Nơi đây lại gần với những làng cổ. Làng Vĩnh Xuyên ở sát đất Quan Yên, nơi sinh ra Bà Triệu; chếch phía Tây vài cây số là quê Trạng nguyên Khương Công Phụ; cùng xã với nơi sinh tướng quân Trần Lựu (Lỗ Tự, vùng đất lập nghiệp của Dương Tam Kha). Nơi đây có nhiều lễ hội lớn “Tháng sáu hội Gai, tháng hai hội Mía”, hội Gai là hội lớn của vùng Ngã Ba Bông...

Mỗi hộ có một ngôi nhà trên đất làng Châu Trướng, làng Phú Ninh. Ngày nay Châu Trướng thuộc huyện Thiệu Hóa, Phú Ninh thuộc huyện Yên Định nhưng ngày trước cả hai làng đều thuộc tổng Hải Quật. Họ làm nhà ở hai bờ cửa sông Cầu Chày, thường sát bờ sông, nơi gần bến đậu mỗi khi thuyền trở về. Ông ngoại tôi là cư dân của làng Vĩnh Xuyên, nhà của ông ở khu đất rộng vài sào đối diện với nhà thờ Thiên Chúa qua sông Cầu Chày, ông có một nhà năm gian rộng rãi và mấy ngôi nhà nhỏ cho các cậu mợ tôi ở. Vườn có nhiều cây lưu niên cho con cháu hái quả bốn mùa. Những nhà giàu có, con cái lấy vợ, lấy chồng nơi quyền quý của làng Châu Trướng, Phú Ninh. Họ có những dinh cơ lớn như nhà ông cố Phụng, ông Phó Khanh, ông Lý Xinh... Phần lớn các hộ dân làng Vĩnh Xuyên ở những ngôi nhà nhỏ, trên mảnh đất hẹp bờ sông. Đó là những ngôi nhà xinh xắn, sạch sẽ, ngăn nắp,... và là nơi cho người già, trẻ nhỏ ở lại mỗi chuyến chở hàng đi xa; là nơi hội tụ gia đình mỗi khi thuyền về, những ngày giỗ, tết. Những hộ làm nghề chài lưới, mỗi nhà một con thuyền và một, hai “chể” nhỏ, suốt đời sống trên con thuyền đó.

Ngày trước làng có hàng trăm con thuyền lớn. Thời đó, đường sá chưa tốt, cầu cống chưa có mấy, phương tiện vận tải hàng chủ yếu bằng đường sông. Vì thế những con thuyền của làng bận rộn suốt năm chở hàng đi muôn nơi. Trong tỉnh mỗi chuyến mươi ngày nửa tháng; ngoài tỉnh mỗi chuyến vài tháng, có khi nửa năm thuyền mới trở về bến đậu. Những con thuyền làng Vĩnh Xuyên có mặt khắp nơi: vào Nghệ An, ra Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, lên Việt Trì (Phú Thọ)... Mỗi nhà có một con thuyền. Nhà giàu có vài con thuyền lớn, thuê người làm. Đó là những người thạo nghề sông nước mà người ta thường gọi là “hóp thuyền”. Nhà ông ngoại tôi có bác tôi, cậu tôi là con trai, có hai thuyền lớn, trọng tải 20 tấn/thuyền và một con thuyền của nhà chú rể. Thuyền cũng là nhà: con thuyền có mấy khoang, khoang lớn đàng mũi thuyền chở hàng; khoang sinh hoạt giáp khoang lái, ở đó được cấu trúc kín đáo, sạch sẽ, bày sắp gọn gàng ngăn nắp; có cả nơi thờ cúng trên mặt tủ ghép ở mạn thuyền. Khoang này là nơi ăn, nghỉ... Khoang lái như tầng trên của ngôi nhà, nơi ông chủ cầm lái, có thể nhìn bốn hướng, cũng là nơi tiếp khách, có khi là nơi nhâm nhi chén rượu, ấm trà, cũng là nơi các cụ chơi tổ tôm thâu đêm... Mỗi chuyến đi xa chủ thuyền chuẩn bị rất chu đáo: sào, chèo, buồm... cho đến đồ dùng sinh hoạt, tiền nong, lương thực. Khi thuyền nhổ sào rời bến, người ở lại nhà ra bến tiễn người đi xa, khi thuyền đi hút tầm mắt mới trở lại nhà, rồi lại nhẩm ngày thuyền về để chiều chiều ra bến đợi, hàng trăm cánh buồm từ Ngã Ba Đầu lao về hướng Ngã Ba Bông. Ai cũng dễ dàng nhận ra cánh buồm thuyền nhà từ xa, phấn khởi đón người thân trở về...

Trai tráng làng Vĩnh Xuyên trải nắng mưa gió sương, dạn dày với vô vàn thử thách: bão lụt, khi vượt cạn lúc vượt dòng nước lũ; thông thạo luồng lạch, giờ thủy triều lên xuống, chống trộm cướp trên sông khi đêm vắng qua miền đất dữ. Có khi trời trong, trăng sáng, dòng sông phẳng lặng, thuận buồm xuôi gió, thuyền nhẹ nhàng lướt trên sông nhưng có khi vượt thác ghềnh cần nhiều kinh nghiệm và cả sự can trường nữa. Kinh hoàng nhất là khi thuyền vượt biển: thuyền từ cửa Hới vượt biển ra Kim Sơn (Ninh Bình), ai cũng kinh sợ khi qua biển Thần Phù (Nga Sơn). Tôi mấy lần nghe mẹ kể những gia đình gặp nạn ở cửa Thần Phù và thường nghe các bà, các bác đọc câu thơ:

Lênh đênh trên biển Thần Phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Làng Vĩnh Xuyên có nhiều họ: đông nhất là họ Đầu Khắc, họ Đoàn, họ Vũ. Thời trước, nghề vận tải thuyền là nghề làm ăn phát đạt, là làng giàu có trong vùng. Các vị chức sắc của làng mua đất làng Phú Ninh làm một ngôi đình loại lớn nhất trong vùng bên chợ Phú ngày trước và một ngôi nghè ở bờ sông Mã nhìn sang Ngã Ba Bông. Những dịp lễ, tết là những ngày hội làng. Thuyền về đậu kín mặt sông từ đầu làng Châu Trướng đến cửa sông Cầu Chày, cả vùng trở nên đông vui, nhộn nhịp. Lễ cũng lớn mà hội cũng vui. Thường sau lễ có mấy đêm hát tuồng, cuốn hút cả vùng đến xem. Trai thanh, gái tú các làng có dịp gặp nhau với không ít chuyện vui, buồn, hay, dở.

Làng Vĩnh Xuyên có từ bao giờ. Ngày trước tôi thường được nghe ông bà ngoại, các bác, các dì, mẹ tôi kể về sự tích, con người họ Đầu Khắc. Tuy thế, chỉ biết các cụ sống ở làng này từ lâu, còn làng Vĩnh Xuyên bao nhiêu tuổi thì không ai nói đến cả.

Mãi gần đây, ông Đầu Khắc Thụy, ở xã Quảng Thạch (Quảng Xương) đi tìm họ ở Thiệu Quang, Định Công thì mọi sự mới sáng tỏ dần: Theo tộc phả họ Đầu Khắc ở Quảng Thạch thì cụ tổ họ từ Sơn Nam thuộc phủ Ứng Hòa (Hà Tây cũ) vào Thanh. Cụ xuất thân từ một gia đình bậc trung, có tiếng trong vùng. Do loạn lạc mà cụ lánh mình vào xứ Thanh từ thời Lê - Trịnh. Lúc đó ông bà đã 53 tuổi và sống trên một con thuyền ở làng Vĩnh Xuyên. Ông bà sinh được 3 người con trai: một người ở lại Vĩnh Xuyên; một người vào lập nghiệp ở xã Quảng Thạch (Quảng Xương); một người vào Nghệ An. Con cháu họ Đầu nghe các tư liệu: Họ Đầu Khắc, làng Vĩnh Xuyên, sống trên sông nước... đã thấy gốc tích họ Đầu đích thực là đây rồi. Nay họ Đầu ở Quảng Thạch đã trải qua hơn 10 đời, trở thành một trong hai họ lớn nhất ở Quảng Thạch.

Ngày 31-3-2018, tôi theo đoàn anh em họ Đầu Khắc, làng Vĩnh Xuyên cũ vào dự giỗ cụ tổ họ Đầu Khắc ở Quảng Trạch. Cuộc lễ cúng kỵ, đi viếng mộ cụ tổ họ thật nghiêm trang, thành kính... Hôm đó tôi gặp chị Nguyễn Thị Miện - con dâu họ Đầu Khắc và những đại diện họ Đầu ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng... thật cảm động - một cuộc hành hương về cội nguồn, về miền ký ức xa xưa họ mẹ tạo cho tôi một ấn tượng sâu sắc, mãi không quên.

Cứ thế suy ra, trước khi họ Đầu vào Thanh Hóa đã có làng Vĩnh Xuyên rồi - làng Vĩnh Xuyên đã có trên 300 năm.

Những năm kháng chiến chống Pháp, các con thuyền vận tải hàng hóa là mục tiêu bắn phá của máy bay Hen Cát, Bê Vanh xít... của Pháp. Mỗi ngôi nhà làng Vĩnh Xuyên lại có thêm một hầm trú ẩn ở bờ sông Cầu Chày. Thuyền về bến tìm nơi tránh trú dưới các vòm cây lớn ven sông. Tuy thế không ít thuyền bị bắn chìm. Thuyền chìm ban ngày thì ban đêm lại trục lên, sửa lại, mai kia lại đi chở hàng,...

Các lễ hội của làng cũng thưa dần, mất dần.

Đến những năm 1958, 1959, các HTX vận tải thuyền được thành lập; các chủ thuyền gia nhập HTX Tiền Phong, HTX Quyết Tâm, HTX Quyết Thắng,... Mỗi HTX có một trụ sở riêng: ở bến Hàm Rồng - Nam Ngạn, ở bến Gụ, ở Đò Lèn và sau này sơ tán đến các nơi khác ở ven sông Mã, sông Chu, sông Lèn,... Cư dân làng Vĩnh Xuyên tứ tán khắp nơi. Làng Vĩnh Xuyên mất đi từ đó.

Ngày nay nghề vận tải thuyền không còn vị thế như xưa. Các dòng sông vắng bóng những cánh buồm. Cư dân làng Vĩnh Xuyên một số chuyển sang nghề khác: làm dịch vụ, thương mại, một số đi làm thuê... Nhiều gia đình có nhà, có ruộng vườn ở Thiệu Quang, Định Công, họ trở thành cư dân của các nơi này.

Từ năm 1978, trong phong trào “Giải phóng lòng sông” làng Phú Ninh đã chuyển lên núi Quan Yên ở. Lòng sông Cầu Chày bây giờ thu hẹp lại, không một bóng thuyền, vắng vẻ đìu hiu lạ. Không có mấy người còn nhớ nơi đây 60 năm trước có làng Vĩnh Xuyên. Hai cuốn địa chí của Thiệu Hóa, Yên Định cũng không có dòng nào nhắc đến tên ngôi làng này. Vĩnh Xuyên chỉ còn trong ký ức của những người già gốc gác làng Thủy Cơ xưa.

Nguyễn Văn Tính

(Tiểu khu 2, thị trấn Thiệu Hóa)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/lang-vinh-xuyen/133001.htm