Làng ươm tơ Vọng Nguyệt

Thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh) từng vang danh khắp các tỉnh phía Bắc với nghề ươm tơ. Người dân nơi đây vẫn truyền tụng câu ca đầy tự hào: 'Dù ai buôn Sở bán Tần/ Không bằng Vọng Nguyệt chuyên cần ươm tơ'.

Vậy nhưng 10 năm trở lại đây, làng nghề ươm tơ truyền thống thôn Vọng Nguyệt lâm vào tình cảnh khó khăn. Trước nguy cơ mai một, người làm nghề đã có nhiều thay đổi, sáng tạo để phát triển làng nghề.

Được giới thiệu từ trước, chúng tôi tìm đến hộ gia đình ông Ngô Văn Hành, cơ sở sản xuất tơ tằm lớn của thôn Vọng Nguyệt. Ông Hành kể với chúng tôi, gia đình ông có truyền thống 4 đời làm nghề. Ông còn nhớ kỷ niệm tuổi thơ thường theo mẹ đi hái dâu trên cánh đồng ven bờ sông Cầu. Những kệ xếp đầy những nia tằm suốt ngày vang lên tiếng “loạt xoạt” ăn dâu. Đẹp nhất là dáng bà, dáng mẹ ngồi quay tơ. Những sợi tơ vàng, tơ trắng cuộn đều theo những guồng quay mải miết. Mọi công việc đều khép kín trong không gian làng từ trồng dâu, nuôi tằm đến ươm tơ.

 Ông Ngô Văn Hành bên sản phẩm tơ tằm của gia đình

Ông Ngô Văn Hành bên sản phẩm tơ tằm của gia đình

Tuổi trưởng thành, ông Hành lựa chọn gắn bó với nghề sản xuất tơ tằm truyền thống của gia đình. Nhưng nếu chỉ duy trì cách thức làm thủ công thì rất khó để sống với nghề. Năm 1998, ông quyết định áp dụng máy móc vào mở rộng, phát triển sản xuất hộ. Huy động hết số vốn của gia đình và vay mượn thêm của bạn bè, ông Hành lặn lội ra Hà Nội tìm đến Nhà máy Chế tạo máy công cụ số 1 để nhập máy công nghiệp. Vốn có kiến thức về máy móc, ông Hành tự mày mò, thay đổi một vài chi tiết để chiếc máy hoàn thiện trở thành máy quay tơ công nghiệp đầu tiên của thôn Vọng Nguyệt.

Làng nghề sản xuất đang trên đà phát triển ổn định thì những khó khăn lại đến. Năm 2010, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường khiến cánh đồng dâu của thôn Vọng Nguyệt không còn bảo đảm chất lượng để nuôi tằm. Nghề chăn tằm, ươm tơ cũng suy thoái dần. Trước đây, cả làng có gần 400 hộ sản xuất thì giờ chỉ còn vài chục hộ đủ sức theo được nghề. Quyết không bỏ nghề, ông Hành và nhiều hộ sản xuất khác phải tìm mối nhập kén nuôi từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai...

Nguồn nguyên liệu đã sẵn có, ông Hành tiếp tục tìm tòi, đổi mới để có những sản phẩm phù hợp với thị trường. Trong khi nhiều hộ gia đình vẫn làm tơ sợi lớn thì ông đã chỉnh sửa một vài chi tiết máy để phối tơ dọc thành sợi bé. Tơ sợi bé được thị trường Trung Quốc ưa thích, giá thành cao nên mặt hàng mang lại nhiều lợi nhuận cho người sản xuất. Ông Ngô Văn Hành cũng chia sẻ thêm về việc chủ động liên kết với các vùng sản xuất khác để kịp những đơn hàng yêu cầu số lượng lớn. Trong đó, ông Hành nhắc đến cơ sở sản xuất của các ông Phạm Văn Khanh, Nguyễn Văn Hải ở Hà Nam, Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Đức Bạo ở Nam Định. Chính vì vậy, các đơn hàng xuất khẩu sang Lào, Thái Lan trở nên ổn định hơn.

Chính quyền địa phương xã Tam Giang cũng đã có nhiều quan tâm trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Khanh, Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: “Những năm qua, làng nghề ươm tơ truyền thống thôn Vọng Nguyệt gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nhiều hộ gia đình đã tìm hướng thay đổi thích ứng với thị trường. Chính quyền địa phương cũng đã chủ động phối hợp với một số ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn, liên hệ với các phòng chức năng của huyện Yên Phong tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/lang-uom-to-vong-nguyet-636447