Làng ươm tơ Cổ Chất (Nam Định): Tô thắm vẻ duyên dáng người con gái Việt

Cách trung tâm TP Nam Định (tỉnh Nam Định) gần 30km về phía Nam, làng nghề Cổ Chất (xã Phương Định, huyện Trực Ninh) nằm nép mình bên dòng sông Ninh hiền hòa - nơi đây nổi tiếng với nghề ươm tơ, dệt lụa lâu đời. Làng nghề tồn tại và phát triển như một phần không thể tách rời khỏi lịch sử truyền thống và hiện đại của làng quê Bắc Bộ. Làng Cổ Chất với nghề truyền thống đã góp phần cho đất nước một sản phẩm tơ lụa tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam.

Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Ảnh: Ngọc Diệp

Nhiều thăng trầm lịch sử

Về thăm làng Cổ Chất những ngày cuối năm, thời điểm này mọi việc như tấp nập, gấp gáp hơn để chuẩn bị cho năm mới đang đến gần. Ấn tượng đầu tiên khi đến ngôi làng cổ là những ngôi nhà có nhiều bó tơ trắng, vàng đang được phơi ngoài sân. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng máy lạch cạch từ những xưởng kéo tơ thủ công, tiếng máy dệt trong những ngôi nhà nhỏ. Trong những xưởng kéo tơ, các bà, các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Những bó tơ trắng, vàng từ nơi đây sẽ dệt nên biết bao tà áo, tô thắm cho vẻ duyên dáng của người con gái Việt Nam.

Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh Cơ. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kì trước năm 1945. Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về kinh thành Thăng Long.

Tơ được phơi nắng. Ảnh: Ngọc Diệp

Thời gian đi qua, chiến tranh tàn phá nương dâu, lò ươm sụp đổ, thiên tai làm hư hại đất dâu tằm sông Ninh, nhưng cho dù bao phen thăng trầm của lịch sử thì tơ Cổ Chất vẫn là sản vật quý của tỉnh Nam Định xưa và nay.

Ông Trịnh Xuân Tô, người đang phát triển nghề ươm tơ từ bao đời của gia đình chia sẻ, kỹ thuật ươm tơ ở làng Cổ Chất nổi tiếng khắp xa gần. Kỹ thuật ươm tơ thủ công đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của người thợ. Từ việc lựa chọn và phân loại kén tằm, cho đến việc đảo kén lấy mối tơ, tay thoăn thoắt mắt không rời để kéo tơ đều sợi, tạo nên những nén tơ căng chắc và óng mượt. Ở làng ươm cả tơ trắng và vàng, kén tằm được thu mua từ các vùng lân cận và xa hơn là Thanh Hóa, Thái Bình… Kén tằm trưởng thành trong thời gian khoảng 25 ngày được đem đi kéo sợi.

Những cuộn tơ sống sau khi được phơi khô, sẽ được đem đi se sợi. Tơ thành phẩm thường chia làm 3 loại: Tơ tốt nhất gọi là sợi mốt, kế đến là sợi mành và cuối cùng là sợi đũi. Các thương lái đến mua ở tận làng, chuyển đi các vùng dệt lụa lân cận Hà Nội, tuy nhiên, tơ Cổ Chất phần nhiều xuất khẩu ra các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc.

Nghề ươm tơ mang lại thu nhập cho nhiều lao động tại làng nghề. Ảnh: Ngọc Diệp

Tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng. Ngày nay, người già trong làng vẫn thường làm tơ theo phương pháp thủ công như một thói quen và lòng yêu nghề truyền thống của quê hương, mặc dù giới trẻ đã áp dụng máy móc vào nghề này.

Còn ông Đoàn Văn Lộc, Phó Trưởng thôn Cổ Chất cho biết, nhiều năm trước, vào thời điểm mà làng nghề phát triển nhất, ở đây nhà nhà trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Những tháng cao điểm (từ tháng Tư đến Tết Âm lịch), quanh làng xanh mướt nương dâu, trải dài suốt triền đê sông Ninh. Mỗi gia đình đều có một lò ươm tơ. Nhà nào cũng rộn ràng tiếng quay tơ, đảo kén. Từ các nơi, thương gia về buôn bán tấp nập. Ngày ấy, già, trẻ, trai, gái mỗi người đều được phân công công việc hợp lý tạo thành vòng sản xuất khép kín từ trồng dâu, chăn tằm, đảo kén, quay tơ, buôn bán. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân khá sung túc.

Cố gắng giữ gìn nghề truyền thống

Trước đây, cả thôn đều làm nghề ươm tơ, nhưng từ những năm 2000 trở lại đây, nhiều người dần bỏ nghề đi làm công việc khác. Hiện tại, cả làng chỉ còn 20 đến 30 hộ ươm se tơ nhưng lao động chủ yếu là người già. Dù rất muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của quê hương nhưng để có kén ươm tơ, các hộ phải mua từ các tỉnh như Thái Bình, Lâm Đồng…

Ngày nay nhiều gia đình mua máy công nghiệp về để xe tơ. Ảnh: Ngọc Diệp

Nhiều hộ gia đình làm nghề ươm tơ ở Cổ Chất cho rằng, hiện tại nghề ươm tơ nơi đây vẫn được các hộ dân cố gắng lưu truyền. Nhưng để giữ gìn được làng nghề truyền thống, vừa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, lại vẫn giữ được nét văn hóa cần có những định hướng biện pháp đồng bộ. Người dân làng nghề mong chính quyền địa phương có chính sách tuyên truyền, hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở. Đồng thời có biện pháp kết nối với ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư, hướng dẫn phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Bên cạnh đó, muốn bảo tồn làng nghề thì bản thân mỗi gia đình cần phải có sự quyết tâm đồng lòng. Những người già, có kinh nghiệm phải truyền được niềm đam mê, bản sắc văn hóa của làng nghề cho những thế hệ sau. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở ươm tơ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Tạm biệt Cổ Chất, chúng tôi ra về mang theo những âm thanh, hình ảnh rất bình dị của làng nghề truyền thống cùng với những hy vọng của người dân về nghề ươm tơ dệt lụa luôn được giữ vững, phát triển và lưu truyền lại cho đời sau như lịch sử bao đời nay của làng nghề đã đi vào câu ca “Nam Định có bến Đò Chè. Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”.

Ngọc Diệp

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/lang-uom-to-co-chat-nam-dinh-to-tham-ve-duyen-dang-nguoi-con-gai-viet_t114c7n144484