Làng 'Tứ Thượng thư'

Chỉ là một ngôi làng nhỏ nép mình bên dòng Nhật Lệ hiền hòa, nhưng Trung Bính, thuộc xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình) lại nổi tiếng là làng khoa bảng, từng có 2 người giữ đến 4 chức Thượng thư trong Triều đình nhà Nguyễn. Xóm nhỏ Trung Bính trong thời kỳ cách mạng cũng đã cống hiến cho đất nước 2 Anh hùng và 4 Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Cổng Đình làng Trung Bính, nơi con cháu của làng khắc ghi tiền nhân để phát huy truyền thống

Cổng Đình làng Trung Bính, nơi con cháu của làng khắc ghi tiền nhân để phát huy truyền thống

Tiền nhân tìm thấy vùng đất học

Mặt hướng ra sông Nhật Lệ, lưng tựa vào những đồi cát cao, làng Trung Bính ứng với câu “minh đường thủy tụ, huyền vũ cao dày” trong phong thủy của người xưa. Người làng Trung Bính luôn tự hào, ví những đồi cát phía sau làng là cây bút, bàu nước ngọt giữa làng là nghiên mực. Tiền nhân của làng Trung Bính trên con đường tìm vùng đất mới cách đây hơn 300 năm, cho đây là vùng đất phát về đường học hành, khoa bảng nên đã khai canh lập ấp ở đây.

Tượng đài Mẹ Suốt bên dòng Nhật Lệ

Theo trưởng thôn Nguyễn Thanh Bình, người dân Trung Bính hiện nay vẫn còn thờ phụng và biết ơn “Lục tánh gia tiên” (6 họ lập làng). Lục tánh có gốc gác từ Thanh Hóa, theo đường biển vào cửa Nhật Lệ và chọn vùng đất Trung Bính để lập làng. Đúng như cái nhìn của tiền nhân, làng Trung Bính nhanh chóng nổi danh và phát đạt về con đường khoa cử được các làng khác nể trọng gọi bằng cái tên làng “Cậu” vì nơi đây có nhiều cậu cử.

Đến năm 1868 làng xuất hiện những anh tài đỗ đạt ra làm quan to trong Triều đình nhà Nguyễn. Như cụ Phạm Xứng, đỗ cử nhân nhưng với tài thao lược quân sự và thanh liêm nên được Triều đình nhà Nguyễn giao giữ chức Thượng thư Bộ binh kiêm Bộ hình. Mười năm sau, làng có thêm cụ Huỳnh Côn đỗ cử nhân và được giao giữ chức Bộ lễ và Bộ hộ. Vậy nên dân gian trong vùng mới có câu đối: “Trung Bính tứ Thượng thư/Văn La song hiệp biện”. (Văn La, một ngôi làng thuộc huyện Quảng Ninh nằm phía bên kia sông Nhật Lệ cũng nổi danh khoa bảng).

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung Bính có thêm trang sử mới. “Hồi kháng Pháp, Trung Bính là nơi xuất hiện tổ chức Cách mạng đầu tiên để gieo các hạt giống đỏ trong vùng. Ban đầu là nhóm đọc sách báo tiến bộ, sau đó trở thành nòng cốt của phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Những cái tên tiêu biểu của ý chí Cách mạng thời này dân làng còn nhớ như in là hai anh em Phạm Khuông Tương và Phạm Dụng Hanh. Riêng liệt sĩ Phạm Dụng Hanh được Nhà nước truy tôn danh hiệu Anh hùng LLVTND. Thời chống Mỹ, Trung Bính có Mẹ Suốt anh hùng, chèo đò “chở quân sang đêm ngày”. Ở mảnh đất “chang chang cồn cát” kiên trung này mỗi gia đình đều có người ra trận và có 4 Mẹ Việt Nam anh hùng.

Quê hương Mẹ Suốt không còn hộ nghèo

Làng Trung Bính nay có trên 90% hộ khá và giàu

Lật giở những trang sử làng được ghi chép cẩn thận, ông Bính tự hào: Làng Trung Bính không chỉ đắc địa về phong thúy tổng thể, mà tiền nhân xưa còn biết cách quy hoạch chi tiết cho làng rất khoa học. Nhà dân được quy hoạch 3 dãy, mặt hướng ra sông Nhật Lệ, lưng tựa vào các đồi cát phía sau. Mặc dù “chang chang cồn cát”, gió Lào thổi như bão trong mùa hè, nhưng nhờ có hơi nước từ sông Nhật Lệ nên Trung Bính luôn mát mẻ. Những đồi cát phía sau làng lại có chức năng bảo vệ, che chắn gió Đông hay mùa mưa bão từ biển ập vào… Nhờ thế, làng Trung Bính luôn thanh bình trong thời tiết khắc nghiệt. Các dòng họ xây dựng từ đường một cụm, sát đình làng, thuận tiện đi lại, dễ khói hương để muôn đời nhớ mãi tiền nhân khai canh lập đất.

Sau hơn 300 năm, từ 6 dòng họ khai khẩn thì đến nay Trung Bính đã hội tụ 33 dòng họ, với 419 hộ dân, hơn 1.450 khẩu, sống quần tụ, đoàn kết cùng nhau dựng xây nếp làng. Trung Bính hiện nay không còn hộ nghèo. Điều lạ, mặc dù là làng biển nhưng Trung Bính chỉ có 40% lao động tham gia nghề biển, số còn lại chủ yếu đi theo con đường học hành, làm dịch vụ… nên số hộ khá và giàu chiếm hơn 90%.

Từ chỗ thu nhập 25-30 triệu đồng mỗi lao động trong năm 2004, nay thu nhập mỗi lao động của Trung Bính đạt cao từ 80 -100 triệu đồng. Hơn 90% nóc nhà dân Trung Bính là nhà cao tầng và kiên cố với tiện nghi sinh hoạt hiện đại. “Cái ăn không còn lo như ngày xưa nữa, bây giờ người làng Trung Bính chỉ lo làm sao phát triển cả thể chất, trí tuệ cho thế hệ con cháu, nhằm phát triển hơn nữa kinh tế của làng, của từng hộ cá thể, góp phần xây dựng quê hương bền vững hơn, giàu có hơn” - ông Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh phấn khởi: “Làng Trung Bính luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Với bề dày truyền thống của làng Trung Bính nên người dân có sự đoàn kết trên dưới một lòng. Người dân ở đây đã đóng góp gần 2 tỷ đồng để làm điện chiếu sáng, đường giao thông, nhà văn hóa…đủ thấy bà con chăm lo đời sống sinh hoạt làng quê mạnh mẽ như thế nào”.

Vào làng Trung Bính ngày nay, cảm giác về một vùng quê trù phú, thanh bình. Những đình làng, từ đường cổ kính của các dòng họ được tôn tạo khang trang, xen lẫn những dãy nhà cao tầng như nhắc nhở con cháu của làng về truyền thống tiền nhân để lại. “Đấy là phúc làng Trung Bính khi gia tài văn hóa của cha ông được con cháu noi theo, ghi nhớ trong từng gia đình, trong từng huyết quản của người dân vùng biển. Trung Bính ngày nay không hiếm những người con đỗ đạt cao đang từng ngày đóng góp cho sự phát triển của đất nước và không hiếm những sỹ quan cấp tướng đang phục vụ trong quân đội. Tất cả là nhờ noi theo tấm gương của bao thế hệ cha ông để lại” - ông Bình tự hào.

Từ chỗ thu nhập 25-30 triệu đồng mỗi lao động trong năm 2004, nay thu nhập mỗi lao động của Trung Bính đạt cao từ 80 -100 triệu đồng. Hơn 90% nóc nhà dân Trung Bính là nhà cao tầng và kiên cố với tiện nghi sinh hoạt hiện đại.

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/lang-tu-thuong-thu-1670817.tpo