Làng Tự Do - nơi kẹt giữa 'họng súng' hai miền bán đảo Triều Tiên

Taesung Dong, Làng Tự do, là nơi duy nhất có dân thường Hàn Quốc sinh sống bên trong Khu phi quân sự phân cách hai miền bán đảo Triều Tiên.

Trong nhiều thập kỷ, làng Taesung (Tự do) với 188 nhân khẩu hưởng những đặc quyền mà hiếm khi áp dụng ở những vùng khác tại Hàn Quốc. Nam giới của làng được miễn nghĩa vụ quân sự. Toàn bộ 46 hộ dân còn nằm trong chính sách miễn thuế đặc biệt.

Đó là những “phần thưởng” để dân làng tiếp tục bám trụ tại nơi được ví von là giới tuyến vũ trang dày đặc và đáng sợ nhất thế giới - Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Nam - Bắc của bán đảo Triều Tiên.

 Làng Taesung của Hàn Quốc trong khu vực phi quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty.

Làng Taesung của Hàn Quốc trong khu vực phi quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Getty.

Ngôi làng Hàn Quốc sát vách Triều Tiên

Trong vài tuần qua, dân làng bắt đầu nhận thêm một số ưu đãi mới cho việc chấp nhận sống trước họng pháo. Nhà mạng điện thoại di động hàng đầu Hàn Quốc, KT Corp, vừa lắp đặt mạng 5G tốc độ siêu cao tại Taesung, biến làng thành một trong những khu dân cư đầu tiên trên cả nước được lắp đặt mạng không dây thế hệ mới nhất.

Hàn Quốc tham vọng trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới phủ sóng 5G toàn quốc. Ngôi làng ở giới tuyến liên Triều trở thành ứng viên hàng đầu để Seoul phô trương với thế giới và người láng giềng phía bắc về năng lực công nghệ tiên tiến.

“Tiện ích này còn có hữu dụng hơn cả của các con tôi. Chúng đều sống ở ngoài kia cả rồi”, Go Geum Sik, 73 tuổi, chia sẻ.

“Ngoài kia” là cách người dân địa phương mô tả thế giới bên ngoài ranh giới hành chính của làng. Với mạng 5G, bà Go có thể dễ dàng nhấn nút trên một thiết bị hỗ trợ cầm tay để báo tin cho thị trưởng và trung tâm cộng đồng nếu vợ chồng bà cần cấp cứu y tế. Họ không thể gọi 911 vì đơn vị cứu hộ chính phủ không được phép vào làng.

Kể từ khi DMZ được thiết lập sau lệnh ngưng bắn vào năm 1953, gần như tất cả làng mạc được di tản khỏi dải đất rộng hơn 4 km, trải dọc phòng tuyến của Hàn Quốc và Triều Tiên tại vĩ tuyến 38 độ Bắc. DMZ trở thành một trong những giới tuyến được vũ trang dày đặc nhất thế giới, với bãi mìn, hàng rào kẽm gai, công sự chống tăng và hàng loạt binh đoàn đối mặt nhau luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Người dân Taesung đã chứng kiến nhiều giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Nhiều thập kỷ trước, thường xuyên xảy ra các tai nạn dân làng đạp phải mìn còn sót lại sau chiến tranh, hoặc bị quân nhân Triều Tiên bắt cóc. Khi căng thẳng lên cao, quân đội phải liên tục sơ tán người dân từ ruộng đồng xuống các hầm ngầm trú ẩn, theo lời kể của thị trưởng Kim Dong Gu.

Bất kỳ ai tìm cách vượt qua giới tuyến DMZ sẽ châm ngòi một cuộc đấu súng giữa lực lượng hai nước. Chỉ có hai ngôi làng còn nằm trong dải đất ngăn cách hai miền bán đảo: Taesung (Tự do) nằm trên nửa bên Hàn Quốc và Kijong (Hòa bình) nằm ở nửa bên Triều Tiên.

Làng Kijong trên phần đất do Triều Tiên kiểm soát trong DMZ liên Triều, nhìn từ phía làng Taesung. Ảnh: AP.

Cuộc sống thấp thỏm giữa hai phòng tuyến

Suốt nhiều thế kỷ trước cuộc chiến, dân làng Kijong và Taesung là láng giềng thân thiết. Nhiều người tại làng này có họ hàng sinh sống ở làng kia. Sau lệnh ngưng bắn năm 1953, mọi liên lạc giữa hai phía bị cắt đứt và nghiêm cấm. Park Pil Seon, 82 tuổi, dân làng Taesung, suốt 66 năm qua không cách nào biết được anh trai của mình ở làng Kijong còn sống hay đã mất. Họ sống cách nhau chỉ hơn 1,5 km.

Trong những thập kỷ hậu chiến, hai ngôi làng trong DMZ là quân tốt cho cuộc chiến tuyên truyền giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Chính phủ hai miền đầu tư xây dựng Taesung và Kijong như một cách cạnh tranh hệ thống chính trị nào ưu việt hơn.

Theo ghi nhận của binh sĩ Hàn Quốc, làng Kijong giờ đây không còn nhiều người sinh sống. Những chung cư từng được sơn phết rực rỡ giờ cũng trở nên nhạt nhòa. Trong khi đó, chính quyền Seoul những năm qua vẫn quyết tâm thuyết phục người dân ở lại Taesung. Điều này cũng không hề dễ dàng. Dân làng sống trong DMZ phải đánh đổi tự do và nhiều dịch vụ tiện ích mà phần lớn người dân Hàn Quốc xem là hiển nhiên phải có.

Vị trí làng Taesung và Kijong (Tự do và Hòa bình) tại DMZ liên Triều. Đồ họa: NYT.

Những ruộng lúa làng Taesung cách đường phân cách liên Triều chưa tới 400 m. Dân đi làm đồng luôn được giám sát bởi quân đội. Họ đã quen sống với lệnh giới nghiêm từ giữa khuya đến khi mặt trời mọc. Nhân viên an ninh mỗi đêm lại gõ cửa từng nhà kiểm tra hộ khẩu.

Taesung trở thành một thế giới tách biệt và “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nếu người nào trong làng muốn mời khách bên ngoài DMZ đến chơi, họ phải gửi đơn xin phép trước ít nhất 2 tuần. Khi ôtô đi vào khu vực giới nghiêm, bản đồ định hướng của phương tiện lập tức biến thành màn hình trống. Mọi người khách đến thăm làng đều được quân nhân hộ tống không rời nửa bước.

Mỗi ngày chỉ có 4 lượt xe buýt đi vào làng. Taesung không có phòng tập thể thao, không có bệnh viện, siêu thị hay nhà hàng. Giả sử một ai đó trong làng muốn đặt món ăn tại nhà hàng, người giao hàng chỉ được phép mang đồ đến trạm kiểm soát quân sự nằm ngoài cùng DMZ. Người trong làng phải ra tận trạm kiểm soát để mang đồ về nhà.

Hy vọng vào tương lai

Mạng 5G được kỳ vọng sẽ giảm bớt các hạn chế trong cuộc sống người dân sống tại DMZ. Trước đây, mỗi khi cần đến hồ trữ nước cách làng hơn 1,5 km để mở máy bơm, nông dân phải nhờ binh lính hộ tống. Giờ đây, họ có thể thực hiện thao tác này từ xa thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ứng dụng cũng điều khiển luôn hệ thống vòi phun nước trong các ruộng đậu.

Công nghệ viễn thông mới giúp phụ nữ trong làng xem hướng dẫn tập yoga trực tuyến tại trung tâm cộng đồng. Trẻ em tại trường tiểu học Taesung, ngôi trường duy nhất của Hàn Quốc tại DMZ, có thể trải nghiệm trò chơi tương tác trên mạng. Những điều chỉnh này vô cùng quan trọng để giữ cho ngôi làng tiếp tục tồn tại.

Tương tự nhiều vùng thôn quê ở Hàn Quốc vài thập kỷ qua, nhiều cặp đôi trẻ tuổi ở Taesung thường rời làng vào thành phố lớn tìm kiếm cuộc sống tiện nghi hơn. Ngày nay, chỉ có 7/35 học sinh của trường tiểu học Taesung là người trong làng. Số học sinh còn lại đến từ thị trấn Munsan bên ngoài DMZ, được đưa đón bằng xe buýt mỗi ngày.

Nơi đây có chất lượng như một trường điểm của Hàn Quốc, với 21 giáo viên và nhân viên trường chăm sóc cho vỏn vẹn 35 học sinh. Cùng với nhiều ưu đãi khác, trường tiểu học Taesung rất được quan tâm bởi người dân thị trấn Munsan lân cận. Khai giảng lớp 1 năm nay, có đến 16 trẻ từ Munsan gửi đơn xin nhập học.

Hai lần mỗi tuần sẽ có một sĩ quan quân đội Mỹ, trực thuộc Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc tại Hàn Quốc, đến làng Taesung dạy tiếng Anh miễn phí. Trung tá Sean Morrow nói ông hy vọng trẻ em trong vùng khi lớn lên sẽ có kỷ niệm tốt đẹp về quân nhân Mỹ.

Morrow là chỉ huy đơn vị Mỹ tại Khu vực An ninh Chung trong DMZ, bao gồm làng Taesung và làng Panmunjom (Bàn Môn Điếm), nơi diễn ra cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào tháng 4/2018, và với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6/2019.

Những hoạt động ngoại giao cấp cao tại DMZ khiến ranh giới hai miền bán đảo giảm căng thẳng. Hàn Quốc và Triều Tiên cho tháo dỡ nhiều tháp canh gác dọc DMZ và đồng ý hợp tác tháo gỡ bom mìn. Taesung ngày nay nhìn giống mọi vùng quê khác của Hàn Quốc, với những cánh đồng lúa như phết vàng dưới nắng mùa thu.

Ngày mà lãnh đạo hai miền gặp nhau ở Bàn Môn Điếm vào năm 2018, hai học sinh tiểu học đến từ Taesung đã tặng hoa cho ông Kim Jong Un.

"Cháu cũng sợ nhưng cũng tò mò về lãnh đạo Triều Tiên. Sau khi gặp mặt, hình ảnh ông ấy đối với cháu ít đáng sợ hơn một chút rồi", Sin Jae Hyeok, một trong hai học sinh tiểu học tặng hoa cho ông Kim, chia sẻ.

Phụ nữ cao tuổi trong làng Taesung tập yoga theo video hướng dẫn trực tuyến chạy bằng mạng 5G. Ảnh: Reuters.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/lang-tu-do-noi-ket-giua-hong-sung-hai-mien-ban-dao-trieu-tien-post1023694.html