Làng trong thơ hai thi sỹ họ Trần

Nếu thành thị là nơi giao lưu, tiếp nhận cái mới thì làng quê là cái nôi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời. Những trầm tích văn hóa, những thuần phong mỹ tục chủ yếu được lưu giữ ở làng quê và hiện diện trong đời sống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làng đi vào thơ ca không chỉ Việt Nam mà cả văn học nước ngoài.

Ký ức làng luôn gõ nhịp trái tim thơ

Ký ức làng luôn gõ nhịp trái tim thơ

Cảm thức làng trong thơ Trần Quang Quý

Có thể nói đó là mạch nguồn xuyên suốt trong các tập thơ của Trần Quang Quý, như: “Con đường chiều quê xiêu xiêu gánh rạ/ Thăm thẳm bờ đê dốc hun hút gió/ Cối trầu trong khuya cầm canh đèn đỏ/ Cựa mình hạt ơi!/.../ Ta nghe sương rơi ta nghe mưa rơi/ Mà nghe mẹ thở nghẹn từng âu lo”, (Hát gọi hạt giống). Hoặc: “Lớp gạch già lõm mặt/ Cánh cổng lăn kẽo kẹt đời người/.../ Thế giới vào làng luồn mái tam quan/ Có bầy chim cắp mùa lên tổ/ Có những nỗi đời lót trong rơm rạ/ Có một nỗi lòng giắt một nỗi quê/.../ Cổ tích làng tôi đựng trong chiếc mủng/ Mẹ bưng tháng năm lệch ngõ/ Bưng những hạt thóc lép đi qua cơn gió/ Bưng những nỗi đời đi giũ ở bờ sông”. (Cổ tích làng) v.v...

Với một người suốt đời đau đáu nỗi làng, thương những người thân yêu của mình nơi làng quê, cũng như những người nông dân ở các làng quê Việt Nam khác như thương chính bản thân, thì thơ viết về làng của Trần Quang Quý không còn là thơ theo nghĩa thông thường nữa, mà là máu tim ông chắt ra, âu cũng là xương thịt làng của ông vậy. Làng và người nông dân sống ở những ngôi làng ấy trong thơ Trần Quang Quý, dứt khoát không phải là cái cớ hời hợt, thoáng qua, cho những kẻ si tình à ới thành câu, ghép vần, tạo nhịp.. Trái lại, làng và người làng, thực sự đã là một phần máu thịt của cuộc đời ông. Làng trong niềm vui được mùa, bưng bát cơm trên tay mà chan đầy mồ hôi và nước mắt. Làng bị quăng quật, bằm dập trong ngày ba tháng tám, khi giáp hạt, những lúc thiên tai nước trắng mặt người, nhưng muôn đời làng vẫn cứ tồn tại trong cái bản thể của nó. Người dân làng trong thơ ông là: “Tất cả cùng hái gặt trên cánh đồng này/ Và cánh đồng đã gặt hái họ”.

Làng trong thơ Trần Quang Quý được nâng lên ở một tầm cao mới trong chiều sâu nhân bản của nó: “Làng đã đóng đinh tôi vào cánh cửa/ Mỗi ngày khép mở giữa câu thơ. Hay: Cổ tích làng tôi đựng trong chiếc mủng/ Mẹ bưng tháng năm lệch ngõ/ Bưng những hạt thóc lép đi qua cơn gió/ Bưng những nỗi đời đi giũ ở bờ sông...”

Rõ ràng làng trong thơ Trần Quang Quý không đơn giản chỉ là một vùng đất cho những người nông dân quần cư, rồi sinh con, đẻ cháu; cũng không đơn giản là một mẫu số chung chỉ về một số nét văn hóa nào đấy mà người ta có thể chỉ mặt đặt tên được. Làng trong thơ ông như một thực thể tồn tại có thân phận hẳn hoi, một thân phận tổng thể và tổng hòa những thân phận cá nhân và những mối quan hệ xã hội của những người nông dân Việt Nam được chưng cất lên từ hàng ngàn năm lịch sử và được định vị lại trong tấm căn cước vĩnh cửu qua thơ của Trần Quang Quý: “Lớp gạch già lõm mặt/ Cánh cổng lăn kẽo kẹt đời người. Hay: Có những nỗi đời lót trong rơm rạ/ Có một nỗi lòng giắt một nỗi quê...”

Vậy nên làng tồn tại trong thơ Trần Quang Quý không chỉ dừng lại ở cấp độ ý thức của một công dân làng, mà còn tồn tại cả trong vô thức của một thi sĩ sinh ra từ làng. Chính cái vô thức ấy mới là phần rường cột, căn cốt tạo nên một phong cách thơ mang đậm chất Trần Quang Quý mà chúng ta từng đọc. Cảm quan làng, hình bóng làng, tâm thức làng và giá trị làng là tất cả những gì làm nên một Trần Quang Quý nghệ sĩ đích thực về làng và của làng. Có thể nói, không phải Trần Quang Quý làm thơ về làng mà chính làng làm nên thơ Trần Quang Quý.

Làng trở thành máu thịt Trần Chấn Uy

Nhà thơ Trần Chấn Uy viết nhiều về làng. Không chỉ các bài thơ về làng in rải rác, Trần Chấn Uy còn có hẳn một tập thơ dày dặn mang tên “Bóng làng”, NXB Hội Nhà văn năm 2018.

Ký ức làng luôn gõ nhịp trong trái tim ông, làng hiện lên trong thơ anh thật đẹp. Dù đi bốn phương trời, nhưng nhà thơ tìm thấy ở quê sự “bọc đùm” khi con người bỗng lẻ loi. Làng quê hiện lên trong thơ ông quá đỗi thân thương: “Con lạch nằm thoi thóp dọc cánh đồng/ Mùa khô hạn lấm lem tôm cá/ Đã thấp thoáng một vài đốm lửa/ Lửa đốt đồng nhấp nhoáng ma trơi”, “Sông quê con đò nhỏ/ Mỏng manh neo bở mây/ Chiều thả đàn ngựa gió/ Vó tung mưa bụi bay”, “Heo may cài then cửa/ Cúc nhóm lửa vàng sân”, (Đồng chiều). Quê hương với nhà thơ Trần Chấn Uy không chỉ có tồ tiên mà còn là một vùng ký ức, một trời thương nhớ.

Cảm xúc Trần Chấn Uy đã kết tinh thành một điệu hồn riêng trong thơ ông, tạo nên một phong cách thơ đôn hậu, đằm thắm và ngọt ngào. Đề tài trong thơ Trần Chấn Uy đa dạng nhưng có lẽ thành công nhất ở mảng thơ trữ tình, trong đó có những bài thơ viết về làng. Và chính cái hồn quê thấm đẫm chất văn hóa làng thuần Việt này đã biến thành máu thịt của Trần Chấn Uy. Vì vậy dẫu sinh sống, lập nghiệp ở Nha Trang, hay những chuyến đi công tác ở nước ngoài, đến với những nơi tráng lệ thi nhân vẫn thấy hồn quê lai láng chảy trong tâm cảm của mình. Ông muốn về làng. “Dòng nước sông quê vẫn thao thiết bồi hồi/ Dẫu tuổi trẻ đã hóa thành bọt nước/ Em như con thuyền anh không giữ được/ Lạc bến nào ở phía không anh?”, (Bến không thuyền). “Tôi đi xa quá nửa đời người/ Ông bà nội đã nhiều năm khuất núi/ Trái tim tôi như hòn than nóng hổi/ Mỗi Tết về bỏng rát nỗi thương quê” (Giáp Tết).

Làng trong thơ Trần Chấn Uy vừa thân quen, gần gũi, mộc mạc, thuần phác như bao làng quê truyền thống của Việt Nam, vừa đầy thân phận: “Trâu lững thững như một nhà hiền triết/ Vểnh tai nghe tiếng trống tan trường/ Trẻ mục đồng dắt chiều về xóm núi/ Tiếng sáo bay xao xuyến dọc đường làng”, (Bóng làng). Viết về sức sống làng một cách có ý thức và bền bỉ suốt cuộc đời, không hề ngẫu hứng, bột phát nhất thời, không bị lặp lại chính mình là một việc khó. Lý giải về điều này, chỉ có thể nói đó là làng đã trở thành máu thịt Trần Chấn Uy.

Đọc thơ Trần Chấn Uy dễ nhận ra chứa chan tình yêu quê hương đất nước. Từ làng quê mở rộng ra đất nước. Trong tận cùng lắng lo, khắc khoải, trái tim thi sỹ luôn rung chấn: “Bóng làng bỗng nhòa trong mắt đắng/ Giọt thương đau mặn chát ở đầu môi”, (Bóng làng). Có yêu làng, trăn trở với làng, mong muốn làng quê nơi mình sinh ra giàu đẹp, thi sỹ mới thảng thốt đến thế.

Lịch sử thi ca Việt Nam, vẻ đẹp của văn hóa làng quê đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận và là một đề tài xuyên suốt sáng tác của các nhà thơ. Mỗi thời kỳ, đề tài làng quê đều có những tác giả và tác phẩm đặc sắc. Giữa muôn vàn những nhà thơ viết về làng quê ấy, ở thế hệ các nhà thờ tiếp nối này, chắc chắn có tên Trần Chấn Uy.

----

Xem thêm Tại đây!

Đỗ Ngọc Yên và Ngô Đức Hành

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lang-trong-tho-hai-thi-sy-ho-tran-75951