Làng trống cổ ven sông Đuống

Nghe tiếng từ lâu nhưng mới đây chúng tôi mới có dịp về thăm làng nghề làm trống truyền thống ở thôn An Quang, xã Lãng Ngâm (Gia Bình, Bắc Ninh). Trên con đường bê tông uốn lượn quanh dãy núi Thiên Thai, chúng tôi khá bất ngờ khi nghe những âm thanh rộn vang của tiếng máy cưa, máy bào, đục. Vẳng đâu đó là tiếng thử trống 'thùng thình… thùng thình…' như ngày hội.

Như thấy được sự ngỡ ngàng của chúng tôi trước cảnh nhộn nhịp của làng trống An Quang, ông Đỗ Trọng Trường, Chủ tịch UBND xã Lãng Ngâm cho hay: “Làng trống An Quang là một trong số những làng nghề cổ của tỉnh Bắc Ninh. Trong thần tích của làng còn viết rõ cách đây khoảng 300 năm, có người làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) đến đây định cư. Thấy người dân trong vùng chỉ sinh sống bằng nghề trồng lúa, trong khi nguồn nguyên liệu sẵn có, dồi dào nên đã dạy cho dân làng cách làm trống. Dần dần, nhiều hộ sản xuất trống trong làng ra đời, duy trì đến nay đã qua nhiều thế hệ”.

Ông Đỗ Trọng Trường dẫn chúng tôi đến nhà nghệ nhân Nguyễn Đình Chiện, người có kinh nghiệm hơn 60 năm làm trống. Trong căn nhà gỗ cổ kính, ông Chiện kể cho chúng tôi nghe quá trình hoàn thiện một chiếc trống theo đúng truyền thống của làng An Quang. Theo nghệ nhân, nghề làm trống ở đâu cũng phải trải qua 3 công đoạn quan trọng là làm da, làm tang và bưng trống.

 Người làng nghề An Quang cẩn thận với từng công đoạn làm trống.

Người làng nghề An Quang cẩn thận với từng công đoạn làm trống.

Ông Nguyễn Đình Chiện và con trai chuẩn bị bưng trống.

Làng An Quang có địa thế đặc biệt “tựa sơn, hướng thủy”, lưng dựa vào dãy núi Thiên Thai, mặt hướng ra sông Đuống. Trên núi Thiên Thai, người dân chỉ trồng một loại cây chủ đạo là mít dai. Gỗ mít dai An Quang nổi tiếng với hương thơm dịu nhẹ, thoảng như mùi trầm. Gỗ mới sử dụng có màu vàng khi để lâu chuyển thành màu sẫm đỏ đặc trưng. Đặc biệt, gỗ mít có thớ mềm, ít bị nứt nẻ, trọng lượng nhẹ nên dễ tạo tác, không bị cong vênh, nứt vỡ khi thời tiết thay đổi. Từ thân cây mít to, người thợ cắt làm nhiều khúc vừa vặn. Sau đó, dùng xẻ ra, bào nhẵn thành từng dăm cong tùy theo loại trống định làm. Độ cong và dẻo của dăm cũng được tính toán kỹ để khi ghép thành tang trống thì vừa khít, không phải chỉnh sửa nhiều. Ngoài ra, để cho tang trống thật kín, những người thợ còn dùng sơn ta miết đều vào các khe. Sau khi hoàn thành, tang trống khít đến mức nếu đổ nước vào thì không thể chảy qua.

Giai đoạn khó nhất trong làm trống đòi hỏi kỹ thuật chế tác và thẩm âm của người nghệ nhân là bưng trống. Để dễ hiểu hơn, ông Chiện cho chúng tôi chứng kiến quá trình bưng trống. Ngoài sân, hai con của ông Chiện là anh Nguyễn Đình Quynh và Nguyễn Đình Linh đã chuẩn bị sẵn đồ nghề. Bốn thanh gỗ dài xếp hình chữ nhật chồng lên nhau thành khung đỡ chắc chắn. Trên khung gỗ, người làm nghề kê hai chiếc dầm cái ngay dưới bàn gỗ để đặt trống. Chiếc trống được bưng có kích thước cơ bản cao 65cm, đường kính mặt trống 52cm vẫn thường dùng trong các trường học. Một tấm da trâu vừa vặn đặt trên mặt trống và ghim chặt bằng 12 sợi dây thừng xoắn chặt xung quanh. Anh Quynh và anh Linh lần lượt dùng vồ lớn bằng gỗ gõ mạnh vào miếng chêm đẩy bốn góc dầm cái lên. Sau mỗi tiếng gõ, chiếc dây thừng căng dần lên, kéo căng miếng da trâu.

Rồi ông Chiện bất ngờ đứng lên mặt trống, dùng gót chân giậm lần lượt từ trong ra ngoài. Ông Chiện gọi đây là “điệu nhảy” của nghề. Thực hiện “điệu nhảy” đã hơn 60 năm nên động tác nào của ông cũng gọn và vừa sức. Sau mỗi lần ông Chiện thực hiện “điệu nhảy”, hai con của ông lại dùng vồ gõ để kéo căng mặt trống, rồi sau nhiều lần thực hiện, khi âm thanh của mặt trống trở nên đanh, rền, vang thì người thợ trống mới tiến hành định vị miếng da vào tang trống bằng đinh tre. Người làng nghề An Quang không sử dụng đinh bằng kim loại vì như vậy sẽ làm tiếng trống méo đi. Đến đây, chúng tôi chợt nhận ra, toàn bộ chiếc trống từ khi bắt đầu chế tác đến lúc hoàn thiện, ngoài mặt trống làm từ da trâu, các nghệ nhân chỉ dùng vật liệu làm từ gỗ mít và tre. Có lẽ cũng vì vậy, những chiếc trống được làm thủ công luôn bền, đẹp và có âm thanh rền, vang nổi bật.

Những năm qua, trống An Quang đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cung cấp sản phẩm cho nhiều tỉnh, thành phố. Nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất nghề truyền thống, chính quyền địa phương đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Trường cho biết: “Nghề làm trống truyền thống An Quang có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế đặc biệt trong đời sống người dân nơi đây. Chính vì vậy, chính quyền luôn chủ động hỗ trợ các gói vay ưu đãi, giúp các hộ có nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tăng cường xây dựng mối liên kết giữa các hộ sản xuất. Ngoài hộ ông Nguyễn Đình Chiện, hộ các ông Nguyễn Trọng Ba, Nguyễn Xuân Bạo, Nguyễn Quang Tuyển… là những điển hình sản xuất trống với số lượng lớn, góp phần quảng bá thương hiệu làng nghề địa phương”.

Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/lang-trong-co-ven-song-duong-612524