Làng 'tranh nhái' lớn nhất thế giới làm ăn sa sút

Ngôi làng được mệnh danh là 'công xưởng chép tranh' của thế giới tại Thâm Quyến, Trung Quốc, đang trải qua thời kỳ làm ăn sa sút, doanh số giảm tới một nửa.

Một phòng tranh ở làng Dafen. Ảnh: SCMP

Một phòng tranh ở làng Dafen. Ảnh: SCMP

Nằm ở ngoại ô phía Bắc thành phố Thâm Quyến, Đông Nam Trung Quốc, làng Dafen nổi tiếng với một nghề gia truyền: nghề làm nhái những bức tranh nổi tiếng mà nhiều nhà hàng, khách sạn hoặc các cá nhân trên khắp thế giới mua để treo. Tuy nhiên, nhu cầu sụt giảm từ cả thị trường trong nước và thế giới đang ảnh hưởng tới doanh thu của công xưởng “chép tranh” này.

Trong suốt 3 thập kỷ qua, làng Dafen là một tổ hợp "công nghiệp nghệ thuật", liên tục sản xuất ra những bức tranh sơn dầu tô điểm cho những bức tường ở khắp Trung Quốc và các nước trên thế giới.

Khi bước vào làng, đập vào mắt du khách sẽ là một tòa nhà rất to mang dòng chữ: “Thế giới tranh sơn dầu Dafen, Trung Quốc”. Dọc các con đường làng, người ta có thể nhìn thấy rất nhiều các xưởng tranh san sát, quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Một phòng tranh ở Dafen, Thâm Quyến. Ảnh: SCMP

Làng vận hành một dây chuyền làm nhái các kiệt tác hội họa. Tranh sơn dầu được chép theo nhiều phong cách, từ tranh phong cảnh cho đến tranh theo nghệ thuật đương đại. Tại đây, người ta có thể thấy vô số các bức tranh chép tác phẩm nổi tiếng từ "Hoa Hướng dương" của Vincent van Gogh, "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci, cho đến các tác phẩm của họa sĩ đương đại Trung Quốc nổi tiếng như Fang Lijun.

Nhưng ngày nay, tiếng tăm của Dafen đang mờ nhạt dần trong bối cảnh kinh tế khó khăn trong nước, xuất khẩu giảm sút cộng với tình trạng bất ổn tại Hong Kong (Trung Quốc).

“Tất cả các phòng trưng bày và họa sĩ ở Dafen đều nhận thấy công việc kinh doanh của họ giảm từ 1/3 đến một nửa trong năm nay”, nữ họa sỹ Lisa Zhou chia sẻ. “Nhiều người trong số các họa sĩ kỳ cựu đã phải rời Dafen, những người còn lại thì vật lộn với nghề. Tôi chưa bao giờ thấy làng vắng vẻ như bây giờ”.

Các họa sĩ bắt đầu đổ xô đến làng Dafen vào đầu những năm 1990, nơi có lợi thế giá thuê nhà thấp và vị trí gần với Hong Kong, một cửa ngõ cho xuất khẩu tranh chép.

Những người khác theo sau tới làng, và chẳng mấy chốc các gallery trưng bày tranh nhái chất lượng cao đã thu hút được nhiều khách hàng từ nước ngoài. Các họa sĩ tay nghề cao có thể kiếm được từ 100 nhân dân tệ (14 USD) cho đến 200 nhân dân tệ cho mỗi bức vẽ.

Làng Dafen hiện nay không còn nhộn nhịp như những năm trước. Ảnh: SCMP

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, vào cuối những năm 2000, làng Dafen có tới hơn 1.200 phòng trưng bày, với trên 20.000 họa sĩ bị "nhồi nhét" trong chưa đầy nửa kilomet vuông, và lúc cao điểm, Dafen sản xuất lượng tranh chép chiếm khoảng 60% thị trường toàn cầu.

“Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trên 90% tranh nhái giá rẻ của Dafen, gồm cả các bức nhái tranh Van Gogh và Monet, được xuất khẩu, chủ yếu là tới châu Âu và Bắc Mỹ”, ông Huang Tong, Giám đốc Công ty Tranh Sơn dầu Huang Jiang, sở hữu hàng chục gallery ở Dafen, cho biết.

“Xuất khẩu tranh sơn dầu đã giảm xuống còn 1/3 so với năm 2015, và sắp tới sẽ chỉ bằng khoảng 20%. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi năm nay còn tệ hơn nhiều so với năm ngoái. Doanh số trong nước giảm hơn một nửa, và chỉ có vài đơn hàng từ các thương nhân nước ngoài trong suốt mấy tháng”, ông Huang Tong nói thêm. “Năm 2007, tôi chỉ phải trả cho họa sĩ 20 tệ mỗi bức tranh chép sơn dầu phong cảnh đơn giản, nhưng bây giờ tiền công đã lên tới gần 200 tệ".

Theo ông Huang Tong, cũng như các mặt hàng xuất khẩu khác từ Quảng Đông, hầu hết đại lý nước ngoài và Hong Kong đang hướng tới Đông Nam Á để đặt hàng tranh chép vì chi phí ở Dafen đã tăng lên.

Ngành "công nghiệp chép tranh" ở Dafen phát triển nhờ thị trường bất động sản bùng nổ, tăng nhu cầu trang trí nội thất. Ảnh: SCMP

Một điểm sáng trong ngành công nghiệp chép tranh là sự tăng trưởng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc nhờ vào thị trường bất động sản đang bùng nổ. Doanh thu hàng năm của làng đã tăng từ khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 142 triệu USD) trong năm 2010 lên 3.900 tỷ nhân dân tệ (557 triệu USD) trong năm 2011, và ổn định ở mức khoảng 4,2 tỷ nhân dân tệ (600 triệu USD) từ năm 2014 cho đến năm 2018.

Tuy nhiên hiện tại, tầng lớp trung lưu và giàu có cũng đang cắt giảm chi tiêu cho những thứ không cần thiết. “Nhiều phòng trưng bày đã không có một đơn đặt hàng trong cả tháng 9 và tháng 10 năm nay. Chúng tôi đều hy vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi trong năm tới”, ông Huang Tong bày tỏ.

Một chủ gallery khác cho biết: "Các họa sĩ và gallery đều cảm nhận và cảm thấy được tác động từ tình hình kinh tế ngày càng kém đi. Khách mua từng xếp hàng để mua những bức tranh gốc có giá hàng chục ngàn nhân dân tệ, lúc này cũng không sẵn sàng bỏ ra chỉ khoảng 3.000 tệ (430 USD) cho một bức giống hệt có kích thước 2,8m x 1,2m”.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/lang-tranh-nhai-lon-nhat-the-gioi-lam-an-sa-sut-20191230171427974.htm