Làng thuốc nam Đại Yên sẽ chỉ còn là hoài niệm...

Nức tiếng là một trong số 'Thập tam trại' - 13 làng nghề truyền thống ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, làng thuốc nam Đại Yên có một vị thế đặc biệt trong đời sống người dân suốt hàng trăm năm. Hiện nay làng Đại Yên vẫn tồn tại giữa lòng Hà Nội nhưng nghề trồng và bốc thuốc nam dường như chỉ còn là hoài niệm.

Làng Đại Yên trước đây thuộc thôn Thụy Chương (Thụy Khuê, Tây Hồ) nay thuộc phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội). Từ xưa, với nghề trồng và bốc thuốc nam, làng đã nức tiếng là một trong số “Thập tam trại” - 13 làng nghề truyền thống ở phía Tây kinh thành Thăng Long.

Vườn thuốc nhà cụ Thược trong làng thuốc nam Đại Yên

Vườn thuốc nhà cụ Thược trong làng thuốc nam Đại Yên

Thời đó, làng Đại Yên nhà nào cũng có vườn trồng thuốc nam và có người biết bốc thuốc. Từ ngôi làng yên bình này, thuốc nam không chỉ được chuyển đi khắp Hà thành mà còn được mở rộng khắp các vùng lân cận. Bên cạnh trồng thuốc nam, dân làng còn đi khắp các vùng miền, đến tận nơi rừng sâu núi cao để tìm mua các loại dược liệu về bán và chế thuốc. Theo những người già của làng hiện nay, thời điểm hưng thịnh nhất của làng mà họ được chứng kiến, đó chừng bốn, năm chục năm trước, khi đó Đại Yên là vựa thuốc nam trù phú, cung cấp cho cả Viện Y học cổ truyền Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và các chợ đồng bằng Bắc Bộ.

Lần về nguồn gốc nghề thuốc nam của làng, theo tích xưa Tổ nghề là Công chúa Ngọc Hoa. Vào thời nhà Lý thế kỷ 11, làng có tên là Đại Bi. Trong làng có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường chỉ mới 9 tuổi nhưng có tài chữa bệnh bằng các loại lá cây trong vườn nhà. Khi quân lính của Lý Thường Kiệt trên đường đi đánh giặc Tống qua làng thì bị mắc bệnh hàng loạt, đã được Ngọc Tường đã chữa khỏi. Sau khi quân lính đã đánh thắng giặc Tống, Ngọc Tường được coi là góp phần vào chiến thắng và được nhà Vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa Công chúa. Tuy nhiên, bà không ở lại trong cung mà trở về làng sống cùng mẹ, truyền lại nghề trồng thuốc và bốc thuốc trị bệnh cho dân làng. Sau này, khi bà mất đi, dân làng Đại Yên tưởng nhớ công lao đã tôn bà là Tổ nghề và là Thành Hoàng của làng.

Các bài thuốc dân gian của làng được lưu truyền từ đời nay sang đời khác. Dù chỉ với cách trị bệnh đơn giản căn cứ theo miêu tả của người bệnh mà bốc thuốc, nhưng người bốc thuốc làng Đại Yên nổi tiếng mát tay, các phương thuốc của làng Đại Yên nổi tiếng hiệu nghiệm nên được người dân nhiều vùng tín nhiệm tìm đến. Người làng lại đi khắp nơi tìm kiếm các loại lá thuốc và thu thập phương thuốc dân gian. Cứ thế, làng Đại Yên trở nên nức tiếng và kho tàng kiến thức thuốc nam cứ dần được bồi đắp.

Đến thăm làng Đại Yên hôm nay, hai bên ngõ nhỏ ngoằn ngoèo là nhà cao tầng san sát, dân cư đông đúc. Mặc dù “làng” đã thành “khu phố”, nhưng cái tên “làng Đại Yên” vẫn được người dân gọi lên một cách thân quen và ấm áp. Chỉ có điều, quang cảnh như các cụ già kể rằng vườn nhà này kề vườn nhà kia và mùi thuốc nam vương vấn khắp làng đã không còn.

“Nhà còn trồng lá thuốc bây giờ hiếm lắm rồi, tất đất tấc vàng, đất xây nhà hết rồi làm gì có đất mà trồng cây, nếu có còn thì vườn cũng nhỏ như nhà cụ Thược, bà Chinh thôi”, một người dân làng cho biết.

Đơn tướng quân được coi như một loại kháng sinh của thuốc nam

Ghé thăm nhà cụ Thược, người đã từng được nhắc tới như người giữ linh hồn của làng Đại Yên với mảnh vườn rộng tới 1.000m2 với nhiều loại cây thuốc quý như khổ sâm, đinh lăng, cối xay… Nay cụ Thược đã tuổi cao sức yếu, đã phải nằm một chỗ từ hai tháng nay. Ngôi nhà cấp bốn nơi cụ và các thành viên trong gia đình đã sống qua nhiều thế hệ vẫn khiêm nhường một góc vườn. Nhưng cả khu vườn với những loại thuốc nam trứ danh ngày nào giờ chỉ còn lại màu xanh của lá lốt và lá nếp hay còn gọi là lá thơm, lá dứa. Cây thuốc quý duy nhất còn lại trong vườn là cây đơn tướng quân, vốn được coi là một loại kháng sinh của thuốc nam. Trong khi đó, vườn nhà bà Chinh nằm sát bờ mương, thuộc vào diện quy hoạch, cũng chỉ còn lại một diện tích nhỏ để trồng cây.

Cụ Hiền 85 tuổi nhà gần đình Đại Yên nhớ lại: "Nhà tôi bao đời ở làng này, bằng lứa tôi nhiều trong làng từ nhỏ đã được làm quen với lá thuốc, học cha học mẹ có thể tự tay cắt lá bốc thuốc. Lá thuốc không chỉ được bán tại làng, mà còn được dân làng gánh đi bán tại nhiều khu chợ như: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Hàng Da, Đồng Xuân, phố Thuốc Bắc, còn tôi thì ở chợ Hòe Nhai mấy chục năm. Nhưng bây giờ thì làng Đại Yên không còn như xưa nữa rồi".

Nghề thuốc nam đã qua thời hưng thịnh của nó. Thế hệ những người trồng, bốc và bán lá thuốc nam đã cao tuổi, con cháu không có ai theo khi công việc thì vất vả hơn, cạnh tranh cao, đất đai cũng trở nên hạn hẹp hơn. Vậy là, thời gian và sự đổi thay phát triển đã đưa nghề thuốc nam vất vả và cũng danh giá của làng Đại Yên lùi dần vào dĩ vãng.

Việc một làng nghề với cách trị bệnh xưa cũ không còn tồn tại khi xã hội ngày càng phát triển cũng là lẽ thường tình, là sự tất yếu. Nhưng chứng kiến làng thuốc nam Đại Yên dần mai một, có lẽ không chỉ dân làng mà cả một thế hệ những người từng đã gắn bó với cách trị bệnh bằng thuốc nam đều cảm thấy tiếc nuối.

“Người Nam dùng thuốc nam”, câu nói đó khiến người ta thêm hụt hẫng. Giả như vẫn có thể giữ được vài ba nếp nhà trồng và bốc thuốc nam, đó sẽ một kho tàng thuốc nam quý giá và là nơi nhắc nhớ về một làng nghề đặc biệt của Hà thành khi xưa.

Thanh Nhiên

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/lang-thuoc-nam-dai-yen-se-chi-con-la-hoai-niem-528810.html