Làng thuê đất canh tác

Chỉ sau 3-5 năm thuê ruộng canh tác, hầu hết các hộ đều trở lên khá giả, nhiều gia đình còn mua cả xe hơi...

Trong khi nhiều nông dân bỏ hoang ruộng, vì gieo cấy không hiệu quả so với đi làm các dịch vụ lao động khác, thì các nhà nông ở thôn Phi Liệt, xã Liên Nghĩa, huyện Văn Giang, Hưng Yên lại luôn ở trong tình trạng thiếu đất canh tác.

 Trồng cây ăn quả trên chân ruộng thuê

Trồng cây ăn quả trên chân ruộng thuê

Không phải họ bị nhà nước thu hồi ruộng dùng cho mục đích khác. Đơn giản chỉ là do họ luôn dám nghĩ, dám làm, biết làm giàu từ những mảnh ruộng mà người khác đang sản xuất thua lỗ. Nên chỉ với vài ba sào ruộng khoán cho mỗi hộ, sẽ không đủ cho khát vọng trở thành tỷ phú của họ.

Đó chính là lý do thúc đẩy nhiều hộ nông dân thôn Phi Liệt tỏa đi khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh, thuê ruộng để mở rộng diện tích thâm canh cây trồng, gia tăng thu nhập.

Ông Vũ Văn Dũng, Trưởng thôn Phi Liệt cho biết: Tính đến hết năm 2018, toàn thôn có khoảng 200 hộ dân đang thuê ruộng canh tác ở ngoại tỉnh (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội). Trung bình mỗi hộ dân thuê từ 1 - 2ha ruộng. Một số hộ thuê tới 7ha đất canh tác. Giá thuê dao động ở mức 25 - 31 triệu đồng/ha/năm, tùy khu vực. Phần lớn các chân ruộng sau thuê đều được chuyển sang trồng cây ăn quả (hồng xiêm, ổi, chuối, mít, cam, bưởi) và các cây cảnh có múi. Có hộ còn mạnh dạn thuê cả đầm hồ, ruộng trũng, để cải tạo lại thành ao nuôi cá.

Đáng chú ý, mặc dù phải đi thuê ruộng canh tác, nhưng đa số các hộ gia đình này vẫn đảm bảo thâm canh cao trên các chân ruộng khoán ở quê nhà, theo phương châm “lấy miền xuôi nuôi miền ngược” – dùng thu nhập ruộng nhà đầu tư cho sản xuất ruộng xa. Vừa đỡ phải vay mượn vốn cho mở rộng diện tích canh tác. Vừa tạo được nguồn thu nhập gia tăng bền vững.

Sở dĩ những người đi thuê ruộng vẫn đảm bảo thâm canh được trên những cánh đồng lớn xa nhà hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số, là do phần lớn các công đoạn sản xuất (làm đất, tưới tiêu, bón phân, phòng trừ sâu bệnh) đều được cơ giới hóa hoặc tự động hóa.

Mặt khác, do có bề dày kinh nghiệm thâm canh cây ăn quả, nên các hộ đi thuê ruộng, chỉ cần nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây, là biết phải bón loại phân gì, liều lượng bao nhiêu, phun phòng đối tượng sâu bệnh gì, để cây trồng phát triển cân đối, sai hoa, nhiều quả, không bị dịch hại nặng, dù chỉ là cục bộ.

Nhờ vậy, chỉ sau thời gian 3 - 5 năm đi thuê ruộng canh tác, hầu hết các hộ này đều trở lên khá giả. Hộ ông Nguyễn Văn Tiến là một trong những số đó. Nhờ thuê được hơn 2ha đất canh tác ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) để trồng cây ăn trái, mỗi năm ông đã mang về cho gia đình 500 – 600 triệu đồng.

Ảnh: P.N

“Thật ra, phong trào thuê đất canh tác đã manh nha ở Phi Liệt từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên thời gian đó, việc thuê nhượng ruộng canh tác còn gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều hộ mới chỉ dừng lại thuê ruộng ở trong nội bộ làng quê. Sau khi hiệu quả đạt được rõ nét, Nhà nước nới rộng hạn điền, khuyến khích mở rộng mô hình liên kết sản xuất, đã tạo động lực kích hoạt các nhà nông vươn ra ngoại tỉnh ngoài thuê mượn ruộng canh tác.

Ngoài ra, thôn Phi Liệt còn được coi là cơ sở đầu tiên, đưa cây quất cảnh từ phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) về trồng thành công ở tỉnh Hưng Yên. Trải qua gần 30 năm không ngừng canh tác sáng tạo, quất cảnh Phi Liệt đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Đóng vai trò làm hạt nhân lan tỏa phong trào trồng cây cảnh có múi ra khắp các địa phương.

"Nhờ đua nhau thuê ruộng canh tác làm giàu, thôn Phi Liệt hiện nay đã không còn các tệ nạn xã hội, giá trị thu nhập bình quân/ha canh tác đạt 437 triệu đồng/năm (đã trừ các chi phí vật tư). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 1,8%. Hầu hết các nhà dân đều được xây cao tầng kiên cố”, ông Dũng cho biết thêm.

"Phong trào thuê ruộng canh tác không còn bó hẹp ở riêng thôn Phi Liệt nữa, mà đã lan rộng ra khắp trong và huyện Văn Giang. Riêng địa bàn xã đã có gần 250 hộ dân đi ra ngoài huyện, ngoài tỉnh, thuê ruộng sản xuất", ông Lý Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa cho hay.

PHƯƠNG NGUYỄN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lang-thue-dat-canh-tac-post237372.html