Lang thang ở thành phố 'chầm chậm'

Bất kể ngày hay đêm, Viêng Chăn (Lào) không ồn ào, náo nhiệt mà tĩnh lặng đến lạ thường. Nơi đó, có hàng ngàn người Việt đang mưu sinh, không ít người xem Viêng Chăn như là quê hương thứ 2.

 Khải hoàn môn Patuxai là địa điểm thu hút khách du lịch tại Viêng Chăn

Khải hoàn môn Patuxai là địa điểm thu hút khách du lịch tại Viêng Chăn

1. Chiếc xe tuk tuk chở tôi cùng anh bạn đồng hương tên Quân rảo khắp một vòng Viêng Chăn. Theo yêu cầu của tôi, xe không dừng mà mải miết chạy, đi qua những ngôi chùa, công trình kiến trúc Phật giáo, hay những biểu tượng của xứ sở Triệu Voi. Điểm dừng chân cuối cùng là bên bờ dòng Mekong, dưới ánh hoàng hôn...

Đường phố Viêng Chăn không ồn ào, không tiếng còi xe và hiếm khi nhìn thấy cảnh chen lấn, mất trật tự. Không gian, khung cảnh đường phố cứ như chầm chậm trôi. Thoáng chốc nhìn thấy sắc vàng cam của những vị sư lặng lẽ đi khất thực. “Người ta đã quá quen với cuộc sống chầm chậm, nhẹ nhàng. Với tôi cũng vậy, bây giờ đã hòa nhập vào đời sống của dân bản địa”, Quân nói.

Hình dung của tôi trước khi đặt chân đến thủ đô gần 600 năm tuổi này rất khác. Trong suy nghĩ, nơi chốn thị thành sẽ có nhiều hơn sự tấp nập. Nhưng, một ngày rảo bước Viêng Chăn, dù ở các địa điểm nổi tiếng hay đường phố bình thường, dù ở nơi tấp nập du khách như Khải hoàn môn Patuxai hay một hàng quán ven đường, điều chúng tôi đều nhận lại chỉ là nhiều nụ cười thân thiện hay những cảm nhận sâu lắng về tục buộc chỉ cổ tay, lễ cầu phúc của các nhà sư dành cho du khách trước sân đền That Luang.

 That Luang nổi tiếng là công trình Phật giáo lâu đời tại Viêng Chăn

That Luang nổi tiếng là công trình Phật giáo lâu đời tại Viêng Chăn

Một thủ đô yên tĩnh, nhẹ nhàng, không có quá nhiều nhà cao tầng và cũng không có cảnh rác thải bừa bãi; người ăn xin, trẻ bán vé số, đánh giày cũng vắng bóng… Chiều Viêng Chăn, ánh nắng loang xuống phía bãi bờ dòng Mekong. Lấp lánh, yên bình và thơ mộng. Viêng Chăn về đêm lại càng cổ kính, “Thành phố trăng” thường đi ngủ sớm, những ngôi chùa chìm trong tĩnh mịch. “Dù là thủ đô của Lào nhưng Viêng Chăn vẫn còn hoang sơ, không có những tòa nhà chọc trời như ở các thành phố lớn của Việt Nam. Người dân Lào chất phác, thật thà, an phận. Có lẽ, ở Viêng Chăn có nhiều ngôi chùa nên khung cảnh thanh bình, yên ả”, Quân tâm sự.

Như lời Quân nói, có một điều dễ dàng cảm nhận, đến Viêng Chăn, nhiều du khách, và chắc chắn có tôi đặc biệt ấn tượng với những ngôi chùa cổ kính, đẹp tựa lâu đài, nằm sau những cánh cổng, bờ thành cao quá đầu người. Phía trong, những nhà sư lặng lẽ như vô định, nở nụ cười mỗi khi nhìn thấy khách.

Hơn 10 năm sống ở Viêng Chăn, Quân tỏ ra rành mạch, am tường về phong tục, văn hóa trên đất bạn. Quân bảo, cuộc sống ở đây nhẹ nhàng, từ từ nhưng sâu sắc. Họ trao nhau những yêu thương thông qua cử chỉ, hành động, đặc biệt tôn sùng đạo phật. Cả thành phố được bao quanh bởi những ngôi chùa khiến ai cũng cảm nhận được sự an yên. “Người ta có thể quỳ dưới vị sư trẻ măng không chút đắn đo với lòng thành kính vô hạn. Khách du lịch cứ lặng lẽ tham quan những ngôi chùa mà tuyệt nhiên không chịu sự dò xét của bất cứ ánh mắt nào”, Quân tiết lộ.

2. Từ lâu, Lào như mảnh đất “lành” của người dân Việt. Không chỉ Quân, hàng ngàn người dân Việt đã đổ xô sang Lào kiếm sống. Dường như, ở đâu trên đất Viêng Chăn này, cũng dễ dàng bắt gặp người Việt. Đặc biệt, ở những ngôi chợ, người ta có thể dùng tiền Việt để trao đổi, mua bán… Tha hương cầu thực, và đã có nhiều người trở nên giàu có!

Quân dẫn tôi đến một căn biệt thự khang trang, nước sơn màu mỡ gà còn mới, tọa lạc trên một mảnh đất rộng ngay giữa trung tâm thành phố. Quân bảo, chủ nhân của ngôi nhà này là người Huế. Sau một hồi chào hỏi, làm quen, biết đồng hương, chị Nga đon đả mời khách vào nhà.

Chị quê ở Hương Thủy, sang Lào lập nghiệp được gần 20 năm. Những buổi đầu mưu sinh trên đất bạn, vợ chồng chị cũng làm đủ thứ nghề để kiếm sống. “Người Việt sang đây muôn hình, muôn vẻ, có người kinh doanh, buôn bán, có người làm nghề thợ mộc, chạy xe tuk tuk, cũng có người mở nhà hàng, quán ăn”, chị Nga nói. Khi tôi nhã ý muốn biết kỹ hơn về công việc, chị Nga đưa 2 ngón tay cười: “2 giờ sáng đến chợ Bưng Thạt Luổng sẽ rõ”. Câu nói nửa đùa nửa thật ấy khiến tôi càng tò mò!

2h sáng hôm sau, Viêng Chăn vẫn chìm trong bóng tối, tôi đứng trước cánh cổng của chợ Bưng Thạt Luổng chờ sẵn. Trong bóng đêm mờ ảo, những tiểu thương hối hả sắp xếp hàng hóa lên kệ; người gọt hành tỏi, người xốc lại từng mớ rau, con cá. Khung cảnh rất khẩn trương, nhưng lặng im lạ thường. Chị Nga lái chiếc xe bán tải nhanh chóng khuất phía sau cánh cổng. 30 phút sau, hơn 10 thùng hàng trên xe được vợ chồng chị nhanh chóng xếp ngay ngắn vào vị trí lô quầy, rồi lần lượt từng mối hàng đến nhận. Thấy tôi, chị bất ngờ: “Nói thế mà em cũng đến à”…

Trải qua gần 2 thập kỷ mưu sinh, đến bây giờ chị Nga là chủ cơ sở chế biến các loại thịt và hải sản khô. Chị nhập hàng, nguyên liệu từ Việt Nam, rồi sơ chế, chế biến cung cấp sỉ cho các bạn hàng tại Viêng Chăn. Công việc này nếu vào thời gian cao điểm giúp chị kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Theo chị Nga, ở Viêng Chăn, có nhiều gia đình 3-4 thế hệ mưu sinh từ hàng chục năm nay. Người trước ăn nên làm ra, dìu dắt, hướng dẫn người sau. “Một số gia đình ở Lộc Bổn (Phú Lộc), Thủy Phù (Hương Thủy) đóng cửa nhà ở quê hương, sang đây làm ăn. Vài ba năm mới trở về quê một lần”, chị Nga chia sẻ.

Tại ngôi chợ Bưng Thạt Luổng này, không chỉ chị Nga, nhiều tiểu thương người Việt cũng đang mưu sinh. Cách quầy hàng của chị Nga khoảng 200 mét là sạp rau củ của chị Trần Thị Ni (xã Lộc Bổn). Mặt hàng khá đa dạng với đủ loại rau củ, trái cây; đồng thời, chị Ni còn bố trí khu vực tập kết các loại gia vị để bỏ sỉ cho các bạn hàng. “Tôi đến Lào mưu sinh cũng được gần 10 năm. Ban đầu làm thuê cho một cửa hàng buôn bán phụ tùng ô tô, sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi tích cóp mua lô quầy để buôn bán tại ngôi chợ này. Nhìn chung, làm ăn ở Lào thuận lợi hơn Việt Nam, giá nhân công ở Lào cũng rẻ hơn nên cũng có đồng vô, đồng ra”, chị Ni nói.

Rời chợ Bưng Thạt Luổng lúc mặt trời vừa ló dạng, tiếp xúc với những người Việt mưu sinh tại đây, tôi cảm nhận được sự nồng ấm của vùng đất mới bao bọc và che chở họ. Người Việt buôn bán ở chợ Bưng Thạt Luổng chỉ là lát cắt nhỏ trong hành trình mưu sinh trên đất bạn Lào của cộng đồng người Việt. Và, dẫu Viêng Chăn là đất khách nhưng ấm áp và chân tình. Nơi đó, không chỉ có xôi gà, gỏi đu đủ đặc trưng của người Lào mà còn bắt gặp bún bò Huế, cà phê Sài Gòn nếu bạn lang thang ở thành phố “chầm chậm”…

Quỳnh Viên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/lang-thang-o-thanh-pho-cham-cham-147557.html