Lang thang Lệ Giang sáng sớm

Lệ Giang, khu đô thị cổ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là địa điểm hấp dẫn du khách nước ngoài bởi vẻ đẹp cổ kính gần như còn nguyên vẹn, song hành cùng lối sống hướng cổ của người dân ở đây. Lệ Giang còn hấp dẫn bởi sự sôi động, nhanh nhạy bắt với nhịp sống hiện đại bên trong vẻ đẹp cổ kính ấy. Tuy nhiên, ít ai từng trải nghiệm Lệ Giang vào lúc đất trời còn ngái ngủ, sương đêm còn phủ trắng trên những rặng liễu ven con suối chảy xuyên qua phố cổ.

Lệ Giang nhìn từ Vạn Cổ Lầu. Gần đó là tòa nhà của Mộc Phủ.

Lệ Giang nhìn từ Vạn Cổ Lầu. Gần đó là tòa nhà của Mộc Phủ.

NDĐT – Lệ Giang, khu đô thị cổ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là địa điểm hấp dẫn du khách nước ngoài bởi vẻ đẹp cổ kính gần như còn nguyên vẹn, song hành cùng lối sống hướng cổ của người dân ở đây. Lệ Giang còn hấp dẫn bởi sự sôi động, nhanh nhạy bắt với nhịp sống hiện đại bên trong vẻ đẹp cổ kính ấy. Tuy nhiên, ít ai từng trải nghiệm Lệ Giang vào lúc đất trời còn ngái ngủ, sương đêm còn phủ trắng trên những rặng liễu ven con suối chảy xuyên qua phố cổ.

Phố cổ Lệ Giang còn được gọi là Đại Nghiên cổ trấn, là một thành phố cổ tuyệt đẹp cả về phong cảnh và lịch sử. Người dân sinh sống trong khu phố cổ gồm các dân tộc Bạch, Nạp Tây và Tạng, hầu hết đều giữ được nếp sống cổ kính từ hàng trăm năm nay. Lệ Giang có diện tích 3,8 km2, cách Côn Minh hơn 500 km, nằm trên độ cao 2.400 m, trên cao nguyên Vân Quý.

Lệ Giang còn được gọi là thành cổ Lệ Giang, nhưng lại không có tường thành, với trung tâm là phố Bốn Phương. Chảy dọc Lệ Giang là con suối Ngọc Hà, chính con suối này đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo của Lệ Giang. Suối trong vắt, bề ngang hẹp, và dọc suối có những cây cầu đá bắc ngang qua đầy vẻ cổ kính. Lệ Giang là đô thị, nhưng được phủ xanh với những rặng dương liễu mềm mại nghiêng nghiêng ven suối. Không chỉ các quán bar, cà phê, nhà hàng dọc suối, mà cả các nhà dân sống trong khu phố cổ cũng đều rất có ý thức trồng hoa, cây cảnh. Dạ yến thảo, ngọc thảo, phong lữ… những loài hoa một mùa thay nhau nở rực rỡ quanh năm. Hệ thống đường thủy và cầu cống ở Lệ Giang rất nổi tiếng, nên còn được gọi là "Venice của phương Đông". Toàn bộ thành cổ có 354 chiếc cầu (bình quân cứ 1 km² có 93 cầu) bắc trên hệ thống sông trong nội thành. Những cây cầu được nhắc đến nhiều: Đại Thạch, Nam Môn, Mã Yên, Nhân Thọ, được xây vào đời Minh và Thanh.

Lệ Giang vô cùng nhộn nhịp vào ban ngày.

Lệ Giang cũng nằm trên cung đường có nhiều điểm du lịch nổi tiếng mà rất đông du khách Việt Nam ưa chuộng, gồm thành cổ Đại Lý, thành cổ Lệ Giang, núi Ngọa Long Tuyết Sơn, khe Hổ nhảy, thành cổ Sharila – nơi được mệnh danh là thiên đường dưới mặt đất, cánh cửa mở vào vùng đất thiêng Tây Tạng.

Lệ Giang vào buổi tối.

Đô thị cổ Lệ Giang có lịch sử lâu đời hơn 800 năm. Lệ Giang được xây vào cuối đời Tống, đầu đời Nguyên. Lệ Giang có rất nhiều di tích cổ hấp dẫn du khách như Vạn Cổ Lầu, làng Bạch Sa, quảng trường Bánh xe nước… Nổi bật nhất trong đó là Mộc Phủ, vốn là nơi ở của thủ lĩnh thế tập Lệ Giang, được xây vào thời nhà Nguyên. Sau khi được sửa chữa, tu bổ vào năm 1998, Mộc Phủ trở thành bảo tàng của phố cổ Lệ Giang.

Vạn Cổ Lầu nhìn từ trong phố cổ.

Mộc Phủ cũng là nơi xuất phát của câu chuyện thành cổ Lệ Giang không có thành. Tương truyền rằng, thủ lĩnh họ Mộc không xây thành bởi theo chiết tự tiếng Trung, chữ Mộc được đóng khung chung quanh sẽ thành chữ Khốn, là bị bao vây, tù hãm. Chính vì thế, Lệ Giang là thành cổ duy nhát không có thành bao chung quanh.

Người Nạp Tây (hay Na-xi) chiếm số đông dân cư ở Lệ Giang. Hiện nay, ở phố cổ này, 30% người dân vẫn làm nghề thủ công (dệt vải, đúc đồng, chạm bạc, thuộc da và lông thú, làm đồ lưu niệm thủ công).

Tháng 2-1996, một trận động đất lớn đã phá hủy khá nhiều công trình trong thành. Năm 1997, Lệ Giang được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Phố cổ Lệ Giang, với vẻ đẹp cổ kính và độc đáo của mình, luôn thu hút rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới. Thời điểm đông khách nhất ở đây là vào mùa thu, từ tháng 8 trở đi. Khu vực quảng trường chính, các lối đi bằng đá cổ đan xen ngóc ngách ở cổ trấn luôn nườm nượp du khách qua lại, chụp ảnh, dạo chơi… Các quán cà phê, quán trà, hàng ăn lúc nào cũng đông đúc, ồn ào từ sáng tới tối. Vào buổi tối, khu vực trung tâm đặc biệt sôi động với các quán bar, cà phê, hàng lưu niệm… sáng rực rỡ lung linh. Lệ Giang khi đó như một con suối nhỏ ồn ào chảy từ sáng đến đêm.

Chính vì thế, trải nghiệm một Lệ Giang tĩnh lặng, trong veo vào buổi sớm tinh mơ là điều mà nhiều du khách mong muốn, nhưng không phải ai cũng thực hiện được, nhất là vào thời điểm mùa thu – đông, khí hậu của phố cổ trên cao nguyên rất lạnh.

Sáng sớm, khi mặt trời còn chưa mọc, Lệ Giang chìm sâu trong giấc ngủ. Đây đó có tiếng chổi rễ loẹt quẹt từ những người mở cửa hàng sớm. Các con đường lát đá tối om, thi thoảng một vài nhà làm dịch vụ cho thuê phòng hoặc nhà trọ treo chiếc đèn lồng sáng le lói trong cơn gió lạnh. Có những đoạn ngõ chỉ nghe thấy tiếng bước chân mình và tiếng con suối reo róc rách bên cạnh đường. Ven đường, một quán ăn sáng hiếm hoi mở cửa, tiếng reo tí tách ấm áp của chiếc bếp lò cạnh mùi thơm ấm sực của bánh bao, sữa đậu nành nóng khiến du khách không thể cưỡng nổi bước chân…

Một hàng ăn sáng mở cửa sớm.

Có những chỗ, chỉ vào lúc tĩnh lặng mới phát hiện ra những điều thú vị, chẳng hạn như cánh cổng gỗ cũ kỹ với chiếc đèn lồng cổ xưa, một lan can gỗ được phủ kín với những giỏ cây thường xuân rủ mềm mại, chiếc cầu đá với cây hoa giấy kín tím một bên thành cầu, nơi sẽ không thể nhìn thấy vào ban ngày bởi những du khách nườm nượp qua lại và chụp ảnh… Và hơn tất cả, là không khí tĩnh lặng, trong lành tràn ngập khắp khu phố cổ mà ban ngày không một phút nào ngưng náo nhiệt.

Khoảng sân rộng đi về phía quảng trường cũng là điểm cuối của chuyến lang thang trong phố cổ lúc sáng sớm. Hướng về phía Vạn Cổ Lầu, ngôi lầu cao nhất ở Lệ Giang, nơi có thể nhìn toàn cảnh khu phố cổ, một tốp các phụ nữ người dân tộc đang đứng múa một bài của dân tộc mình giữa tiếng cười vui sảng khoái.

Đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn.

Phía trên cao, những tia nắng đầu tiên bắt đầu phủ lên đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn xa xa…

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/du-lich/hanh-trinh-kham-pha/item/39687002-lang-thang-le-giang-sang-som.html