Lặng thầm hàn gắn nỗi đau…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn ám ảnh nhiều gia đình trong thời bình bởi di chứng do chất độc da cam (CĐDC) gây ra. May mắn thay, sát cánh bên họ vẫn còn những người như anh Nguyễn Văn Thuấn, ở Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin TP Hà Nội. Bằng sự hy sinh thầm lặng, anh đã và đang góp phần hàn gắn nỗi đau da cam.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Mỹ Đức (Hà Nội), Nguyễn Văn Thuấn có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt: Bố đẻ tham gia kháng chiến chống Mỹ, thương binh hạng 4/4 và bị nhiễm chất độc da cam; mẹ làm ruộng, gia đình có 7 anh chị em, trong đó có 2 em mang di chứng CĐDC. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Lao động-Xã hội, anh Thuấn được nhận vào làm hợp đồng tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức. Năm 2008, anh dự tuyển viên chức và trúng tuyển vào Trung tâm Giáo dục Lao động-Xã hội số 8 của TP Hà Nội. Cuối năm 2015, trung tâm đổi tên thành Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin TP Hà Nội. Anh Thuấn được phân công phụ trách nhà N1 thuộc Phòng Chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho nạn nhân-một công việc hết sức đặc thù, khó khăn và vất vả.

Anh Nguyễn Văn Thuấn chăm sóc cho nạn nhân chất độc da cam.

Nạn nhân CĐDC vào trung tâm thường ốm yếu, tâm thần phân liệt; nhiều người bị khuyết tật, không thể tự phục vụ và không nhận biết được mọi thứ xung quanh, điển hình như em Nguyễn Trường Sơn (sinh năm 1987), ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Khi chào đời, Sơn đã bị khuyết tật chân tay, lớn lên cũng không nghe không nói được, chỉ biết thể hiện bằng cảm xúc vui buồn, cáu giận. Bố Sơn mất cũng vì di chứng CĐDC, mình mẹ không đủ sức chăm con vì Sơn luôn "quậy phá" nên đành đưa em vào trung tâm và được anh Thuấn trực tiếp chăm sóc.

Có những trường hợp bị ốm, bỏ ăn, hoặc không tự ăn được, anh Thuấn luôn nhẹ nhàng dỗ dành, xúc từng thìa cơm, thìa cháo cho các nạn nhân CĐDC. Có những nạn nhân lên cơn thần kinh đã ném ghế, ném dép, đuổi đánh, thậm chí hất cả tô cháo, cơm canh nóng vào người, nhưng anh Thuấn vẫn điềm tĩnh, lặng lẽ dọn dẹp và lựa lời động viên bệnh nhân. Anh Thuấn tâm sự: “Bố mình là thương binh. Sinh ra trong một gia đình có ba người thân, hai thế hệ bị nhiễm CĐDC nên mình thấu hiểu những gia đình có con em mang di chứng CĐDC khó khăn, vất vả đến nhường nào. Vì vậy, mình thường đảm nhận những phần việc khó khăn nhất của trung tâm, để cùng chia sẻ nỗi đau da cam. Thấy sức khỏe bệnh nhân CĐDC khá hơn mỗi ngày, là mình có thêm động lực để gắn bó với trung tâm...”.

Bài và ảnh: XUÂN VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/lang-tham-han-gan-noi-dau-555728