Lặng thầm cấp cứu 115

Khi nhận được điện thoại, những y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 nhanh chóng lên đường đưa người bệnh đến cơ sở y tế cấp cứu, bất kể đó là ngày hay đêm. Dù chịu nhiều áp lực, khó khăn, vất vả thậm chí bị người nhà bệnh nhân hành hung, nhưng các y bác sĩ 115 vẫn nỗ lực hết mình, đem lại sự yên tâm cho người bệnh.

Bác sĩ Trần Thị Phương đang trực điều hành.

Những chuyến xe không giờ giấc

Trong phòng trực điều hành của trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình, bác sĩ Trần Thị Phương (34 tuổi) ngồi bên cạnh 5 - 6 chiếc điện thoại. Công việc của chị hôm nay là trực tiếp nhận thông tin các cuộc gọi đến và điều xe đi cấp cứu. Mỗi tuần, các bác sĩ đều chia ca trực cấp cứu (đi hiện trường) và trực điều hành.

Reng reng reng, một cuộc điện thoại gọi đến. Chị bắt máy: “Alo, 115 Thái Bình xin nghe”. “Ở xã Duy Nhất có một vụ tai nạn giao thông, tình trạng bệnh nhân đang nguy kịch, đề nghị trung tâm cho xe đến cứu người bị nạn”. Chị lưu thông tin, địa chỉ nơi xảy ra tai nạn từ người gọi và thông báo qua micro: “Xe số 2, có vụ tai nạn giao thông cần cấp cứu do tai nạn giao thông, tình trạng đang rất nguy kịch”. Vài phút sau, tiếng còi xe cứu thương hú lên và nhanh chóng lao về nơi có người bị nạn. Bác sĩ Phương cho biết, mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận gần 200 cuộc điện thoại, trong đó có từ 30 đến 60 ca cấp cứu. Ngoài ra, còn nhiều cuộc điện thoại gọi đến trêu đùa.

Làm ở trung tâm đã 8 năm, bác sĩ Phương không nhớ nổi mình đã tham gia truyền tin cấp cứu cho bao nhiêu bệnh nhân. Cách đây 3 năm, khoảng 1h sáng, trung tâm nhận được điện thoại cho biết một nữ bệnh nhân trong tình trạng trụy mạch, có tiền sử huyết áp thấp, suy tim. Ngay lập tức, kíp cấp cứu do chị làm phẫu thuật viên chính lên đường. Bệnh nhân khoảng 30 tuổi, nằm ở trạm y tế xã, ổ bụng chướng, hàng chục người thân trong gia đình vây quanh. Chị test thai nhanh, thấy bệnh nhân hai vạch nên nghi ngờ bị vỡ thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, bệnh nhân đã chia tay chồng và bản thân là giáo viên khăng khăng bảo không phải. Chị vận động gia đình ra ngoài, bệnh nhân mới chịu thừa nhận là mình mang thai. Chị chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ thai ngoài tử cung nên nhanh chóng thực hiện phẫu thuật tại trạm y tế xã. Nhờ sự kịp thời, nên bệnh nhân được cứu sống.

Trong quá trình cấp cứu, cũng có trường hợp bệnh nhân không thể di chuyển mà phải mổ tại nhà riêng. Bác sĩ Phương nhớ lại: Khoảng 20h ngày 13.3.2016 trung tâm nhận được điện thoại từ Trạm Y tế xã Quyết Tiến (huyện Kiến Xương) yêu cầu chi viện cấp cứu cho nữ bệnh nhân N.T.V. đang trong tình trạng tiêu chảy, mất nước, trụy mạch tại nhà riêng. Ngay lập tức, trung tâm đã điều xe và kíp trực đến nhà bệnh nhân cấp cứu. Lúc này, bệnh nhân bị tụt huyết áp mạnh, mạch nhanh, nhỏ, da niêm mạc nhợt nhạt, đau chướng bụng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ thai ngoài tử cung, tính mạng rất nguy kịch.

Kíp cấp cứu nhận thấy, nếu đưa lên BV thì bệnh nhân sẽ bị trụy mạch dẫn đến tử vong nên quyết định mổ cấp cứu tại nhà, đồng thời gọi về trung tâm xin hỗ trợ. Tiếp nhận thông tin, trung tâm đã khẩn trương liên hệ với BV Phụ sản Thái Bình và BV Đa khoa Thái Bình thành lập kíp mổ mang theo dụng cụ phẫu thuật đi cấp cứu.

Tại nhà bệnh nhân, các bác sĩ đã đặt kim luồn truyền dịch và thuốc để nâng huyết áp cho thai phụ. Bàn mổ là băng ca cấp cứu, cọc truyền, đèn soi, máy sưởi từ Trạm Y tế xã Quyết Tiến, thau chậu từ gia đình người bệnh, dụng cụ phẫu thuật mang từ BV Phụ sản. Do thiếu máy hút nên các bác sĩ phải thấm máu bằng bông gạc; thiếu máy thở nên các bác sĩ phải dùng tay thay nhau bóp bóng hỗ trợ thở cho bệnh nhân.

Sau hơn 3 giờ phẫu thuật căng thẳng, kíp mổ đã cứu sống bệnh nhân tại nhà rồi chuyển lên tuyến trên.

Lái xe Bùi Duy Toản đang chuẩn bị lên đường đi cấp cứu.

Đối mặt với hiểm nguy

Với các bác sĩ làm ở Trung tâm 115, chuyện bị chửi bới là bình thường, đặc biệt là những ca cấp cứu cho người bị tâm thần, say rượu, hoặc tai nạn giao thông.

Bác sĩ Nhâm Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình cho biết, cách đây ít lâu, trong lúc cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa đã bị người nhà đánh gãy mũi. Trước đó, khoảng 20h ngày 25.12.2017, trung tâm tiếp nhận điện thoại từ Trạm Y tế xã Đông Tân (huyện Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, có một ca tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn nên xin một xe cấp cứu chuyển lên tuyến trên.

Tiếp nhận thông tin, trung tâm cử kíp cấp cứu nhanh chóng đến hiện trường. Sau khi thăm khám, bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa chẩn đoán bệnh nhân bị gãy hở xương cẳng chân. Theo nguyên tắc, bệnh nhân cần phải được giảm đau trước để chống sốc, sau đó băng vô khuẩn và băng nẹp cố định rồi mới vận chuyển về BV. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân cho rằng xe cứu thương phải chở đi ngay nên khi bác sĩ Nghĩa đang lấy thuốc thì người nhà xông vào đấm liên tiếp vào vùng mắt, mũi, đầu. Thấy vậy, một số người đứng quanh xông vào can ngăn. Dù vậy, bác sĩ Nghĩa tiếp tục tập trung thực hiện các trình tự cấp cứu cho bệnh nhân rồi chuyển về BV Đa khoa Thái Bình.

Với vết thương quanh vùng mặt, qua hình ảnh chiếu chụp, xác định bác sĩ Nghĩa bị gãy xương sống mũi, chấn thương sưng nề mặt vùng mắt trái và bị xước giác mạc, sưng nề vùng trán.

Không chỉ bị hành hung, chuyện các y bác sĩ cấp cứu 115 bị mạt sát, chửi bới là “chuyện thường”. Bác sĩ Phương kể lại: “Một phụ nữ bị gãy xương đùi do tai nạn giao thông ở phường Tiền Phong (TP. Thái Bình). Khi chúng tôi tới, thì dân vây kín yêu cầu đưa vào BV. Tuy nhiên, chúng tôi phải đo huyết áp, tiêm thuốc giảm đau, chống sốc, nẹp cố định rồi mới đưa lên xe chuyển đến BV. Người dân không hiểu sự cần thiết của việc cấp cứu trước BV nên cứ la ó, bảo bác sĩ làm khó dễ, vô cảm, đến cứu chữa mà còn chần chừ. Những lúc ấy, chúng tôi bực lắm, nhưng không đôi co với họ, chỉ im lặng làm việc bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân.

Bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa bị người nhà bệnh nhân đánh gãy mũi.

Áp lực trên từng cây số

Lái xe Bùi Đình Tuân (Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình) cho biết, các tài xế của trung tâm luôn trong tình trạng sẵn sàng. Khi có lệnh điều động là đến ngay nơi có bệnh nhân cần cấp cứu. Anh bảo, căng thẳng nhất là khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Nhiều bệnh nhân đau đớn, la hét, người nhà giục đi nhanh, trong khi nhiều lúc kim đồng hồ đã chỉ đến 90km/h. Chúng tôi phải giải thích tình trạng bệnh nhân hiện tại nên đi nhanh hay đi chậm họ mới thôi đấy.

Lái xe cứu thương phải chạy với tốc độ cao để kịp cấp cứu nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Nếu người cầm lái không tự ý thức được việc bảo đảm an toàn cho mình và người bệnh thì sẽ rất nguy hiểm. “Cách đây mấy tháng, tôi đang đưa bệnh nhân lên Hà Nội cấp cứu. Khi qua Nam Định, bất ngờ một người say rượu đi xe máy lao thẳng về phía xe tôi theo chiều ngược lại. Tôi chỉ kịp đánh lái sang phải để tránh, cũng may lúc ấy đường vắng nếu không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”, lái xe Bùi Duy Toản (Trung tâm 115 Thái Bình) chia sẻ.

Cũng theo lái xe Toản, khi chở bệnh nhân lên Hà Nội đi cấp cứu bị tắc đường cũng rất áp lực. Dù đã bật còi hú, nhưng dòng người đông nghẹt, xe đành phải nhích từng ít một. Có lần, xe anh đến gần BV Bạch Mai thì bị tắc đường. Mất 20 phút, mới di chuyển được vài trăm mét. Trong khi đó, tình trạng bệnh nhân nguy kịch. Điều dưỡng đã phải nhờ công an dẹp đường để xe vào viện. Nhờ đó bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.

Ngoài áp lực từ công việc, còn chịu nhiều áp lực từ phía gia đình. Bác sĩ Phương kể: “Chồng tôi thường phải về sớm để đưa đón con đi học rồi tắm rửa và cho đứa thứ 2 ăn. Cháu quen hơi mẹ, cứ khóc váng lên. Qua điện thoại, con khóc, gọi “mẹ ơi”. Khi nghe tiếng mẹ dỗ dành, bé mới thôi. Không những thế, ban đầu gia đình chồng không hiểu công việc của mình, nhất là khi mới về làm dâu. Những ngày lễ, tết hoặc gia đình có việc riêng, ai cũng hỏi chồng tôi: Phương đâu, sao không đến làm giúp, bận gì thì bận, nghỉ một hôm có sao đâu. Lúc ấy chồng tôi chỉ biết cười trừ”.

Không ai muốn vào 115

Nói về thu nhập, các y bác sĩ làm việc tại các trung tâm cấp cứu 115 chẳng muốn nói đến. Bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 600 cuộc điện thoại gọi tới. Trong số đó, 30% là cuộc gọi quấy rối, cuộc gọi không có địa chỉ rõ ràng; nhiều cuộc gọi nhưng khi kíp trực tới thì không tiếp nhận được bệnh nhân. Tính ra, mỗi ngày Trung tâm chỉ tiếp nhận được từ 100 đến 120 bệnh nhân. Đây là con số quá nhỏ bé so với số dân hiện tại của Hà Nội.

Cũng theo bác sĩ Thành, theo quy định, mỗi chuyến cấp cứu, Ttung tâm được hỗ trợ chi phí 120.000 đồng. Số tiền này do ngân sách từ thành phố cấp. Tuy nhiên, không phải ca cấp cứu nào nào, Trung tâm cũng thu được 120 ngàn đồng. Vì có những trường hợp bệnh nhân bị tai nạn giao thông dẫn tới hôn mê, chưa có người nhà nhưng Trung tâm vẫn cấp cứu...

Thu nhập của nhân viên y tế ở Trung tâm cấp cứu 115 rất thấp, ngoài lương và phụ cấp chẳng có gì khác. Vì thế, trung tâm luôn đối mặt với bài toán “giữ chân bác sĩ”. Suốt nhiều năm qua, trung tâm không thể tuyển được bác sĩ dù có chỉ tiêu biên chế. Ngay cả y sĩ cũng không muốn về làm việc tại đây. Trong 5 năm qua, trung tâm không tuyển được bác sĩ nào dù chúng tôi cam kết ngay khi về sẽ được biên chế ngay. Bởi nếu về trung tâm thu nhập rất thấp, lại không có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp", bác sĩ Thành chia sẻ.

Thùy Hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/lang-tham-cap-cuu-115-611645.ldo