Lạng Sơn, vì đâu núi đồi tan hoang? - Bài 2: Quyết định trái luật

Liên quan đến tình trạng tỉnh Lạng Sơn 'ồ ạt' cấp giấy phép khai thác đất, san hạ đồi và nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng vào đó để khai thác đất trái phép mà Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp vừa tiến hành kiểm tra Quyết định 1188/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn quy định về san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng và phát hiện hàng loạt sai phạm tại Quyết định 1188.

Quyết định số 1188/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn do ông Hồ Tiến Thiệu ký ban hành.

Quyết định số 1188/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn do ông Hồ Tiến Thiệu ký ban hành.

Văn bản vi phạm

Như Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, ngày 28/6/2019, ông Hồ Tiến Thiệu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn) ký ban hành Quyết định số 1188/QĐ-UBND quy định về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Căn cứ vào Quyết định 1188/QĐ-UBND, từ tháng 6/2019 đến nay, UBND các huyện của tỉnh Lạng Sơn đã cấp phép cho gần 70 trường hợp thực hiện việc san lấp, cải tạo mặt bằng với mục đích làm nhà ở và sản xuất kinh doanh, trong đó không ít tổ chức, lợi dụng giấy phép để khai thác vượt diện tích, mang đất đi bán thu lời bất chính. Hệ lụy gây ra đồi núi bị “xẻo thịt” không thương tiếc, tài nguyên quốc gia bị thất thoát nghiêm trọng.

Nhận được phản ánh về sự việc, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã vào cuộc kiểm tra tính pháp lý của văn bản 1188 và phát hiện hàng loạt vi phạm từ hình thức văn bản đến những nội dung trái quy định pháp luật của Quyết định 1188/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn.

Cụ thể, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chỉ rõ, về hình thức văn bản, Quyết định số 1188/QĐ-UBND ban hành quy định về san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là văn bản cá biệt, tuy nhiên nội dung lại chứa quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc; Các hành vi bị cấm; Các trường hợp được phép, không được phép; Thủ tục hành chính đối với hoạt động san lấp, cải tạo mặt bằng; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân;…

Do đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, việc UBND tỉnh Lạng Sơn đặt ra quy phạm pháp luật trong văn bản cá biệt như trên là vi phạm điều cấm tại Khoản 2 Điều 14 Luật ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng khẳng định, tại Khoản 1 Điều 8 Quyết định số 1188/QĐ-UBND quy định: “UBND cấp huyện xem xét, chấp thuận bằng văn bản cho san lấp, cải tạo mặt bằng đối với các trường hợp quy định tại Điều 6 quy định này”.

Tuy nhiên, qua rà soát các quy định pháp luật hiện hành, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật không thấy quy định nào giao UBND cấp tỉnh thẩm quyền xem xét, chấp thuận bằng văn bản cho san lấp, cải tạo mặt bằng.

Vì vậy, việc UBND tỉnh Lạng Sơn quy định giao cho UBND cấp huyện thực hiện thẩm quyền xem xét, chấp thuận bằng văn bản cho san lấp, cải tạo mặt bằng tại Khoản 1 Điều 8 là không có cơ sở pháp lý.

Đề nghị bãi bỏ quyết định trái pháp luật

Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) xác định, tại Điều 6, Quyết định số 1188/QĐ-UBND quy định: “Các trường hợp đăng ký san lấp, cải tạo mặt bằng theo quy định tại Điều này phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật đối với khối lượng đất đào vận chuyển ra khỏi khu vực đã đăng ký san lấp, cải tạo mặt bằng”.

Theo đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi tiến hành hoạt động san lấp, cải tạo mặt bằng phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, việc UBND tỉnh Lạng Sơn quy định như vậy là chưa phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản, Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về chủ thể được khai thác khoáng sản, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, Quyết định số 1188/QĐ-UBND quy định chung cho bất kỳ tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nào có nhu cầu san lấp, cải tạo mặt bằng cũng có thể đăng ký hoạt động khai thác khoáng sản tại UBND cấp huyện mà không phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể do Luật Khoáng sản quy định là chưa phù hợp với Luật khoáng sản.

Qua phân tích nêu trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kết luận: “Việc UBND tỉnh Lạng Sơn đặt ra thủ tục đăng ký san lấp, cải tạo mặt bằng là không có cơ sở pháp lý. Do đó, việc quy định về chủ thể và các trường hợp đăng ký san lấp, cải tạo mặt bằng phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường cũng không có cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực, cơ chế xin - cho trong quá trình tổ chức thực hiện”.

Từ các căn cứ trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương xem xét, xử lý bãi bỏ Quyết định số 1188/QĐ-UBND. Đồng thời, rà soát quá trình thực hiện Quyết định số 1188/QĐ-UBND để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện văn bản trái pháp luật gây ra.

Như vậy có thể thấy rằng, từ một Quyết định trái pháp luật của UBND tỉnh Lạng Sơn và việc ồ ạt các giấy phép san lấp, cải tạo mặt bằng của UBND các huyện đã gây ra hệ lụy không nhỏ đó là việc đất rừng bị tàn phá.

(Còn nữa)

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quyet-dinh-trai-luat-545717.html