Lạng Sơn ứng dụng kinh tế số, tìm đầu ra cho nông sản

Phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Lạng Sơn xác định, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng chuyển đổi số đã bước đầu tạo không gian phát triển mới, tìm đầu ra cho nông sản.

Cầm trên tay chiếc smartphone, anh Nông Văn Hưng (người Tày xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) đang thao tác một cách thành thục để đưa sản phẩm na của gia đình mình lên sàn thương mại voso.vn. Nếu như những năm trước với phương thức truyền thống, người nông dân phải vất vả mang na ra chợ bán, có thể đối mặt với nguy cơ bị thương lái ép giá, không có người thu mua, nay chỉ cần ngồi tại nhà, tại vườn, bà con cũng có thể tự đăng bán các sản phẩm của mình trên các sàn thương mại điện tử và thu về lợi nhuận cao.

“Bán hàng trên này tôi cảm thấy rất tiện lợi khi có rất nhiều đơn hàng mà khách mua. Bây giờ mình chỉ cần ở nhà đóng gói thôi, còn lại đội ngũ nhân viên bưu điện sẽ xuống lấy hàng gửi đi cho mình luôn” - anh Nông Văn Hưng nói.

Cũng là người trồng na tại xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) anh Hứa Quốc Công chia sẻ: “Việc bán hàng trên không gian mạng này tôi thấy rất hữu ích, giá cả rất ổn định. Như trước đây, quả na bán ở chợ chỉ được khoảng 30.000 đồng/kg thì trên posmart giá có thể lên đến 70.000 đồng/kg”.

"Kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử, xã hội số tại nông thôn" tạo ra một không gian không giới hạn cho nông nghiệp miền núi.

"Kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử, xã hội số tại nông thôn" tạo ra một không gian không giới hạn cho nông nghiệp miền núi.

Sau 2 tuần triển khai thí điểm việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có hơn 1.000 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản của mình, một số hộ gia đình có na chín sớm đã bán được giá khoảng 70.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với những năm trước. Đây là kết quả mà ngay cả những người trồng na cũng cảm thấy ngỡ ngàng bởi trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, họ thực sự lo đầu ra cho sản phẩm.

Ứng dụng kinh tế số được coi là bước đột phá khi đã tạo ra một không gian thị trường không giới hạn cho nông nghiệp miền núi. Những loại nông sản, đặc sản có thế mạnh khác của tỉnh Lạng Sơn như thạch đen, hoa hồi... qua các sàn thương mại điện tử cũng sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.

Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đánh giá: “Hiệu quả ban đầu đem lại rất tích cực khi đã có một số nhà vườn, một số hộ nông dân có giao dịch thành công với sản phẩm na và sản phẩm nông nghiệp khác. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai rộng khắp mô hình này và tôi tin tưởng với cách tổ chức triển khai thực hiện như hiện nay thì sản phẩm nông nghiệp của huyện Chi Lăng nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục được nâng tầm thương hiệu và cất cánh xa hơn”.

Với mục tiêu “kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử, xã hội số tại nông thôn”, tỉnh Lạng Sơn đã lựa chọn na là sản phẩm đầu tiên thí điểm kinh tế số trong nông nghiệp. Trước mắt, người dân có nông sản như na Chi Lăng tham gia chỉ cần mở cửa hàng, chụp ảnh quả na, giá bán, địa chỉ hộ gia đình, tài khoản ngân hàng giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Các bước đăng bán hàng, nhận tiền hàng đều được thực hiện dễ dàng trên điện thoại thông minh.

Tỉnh Lạng Sơn sẽ thí điểm chuyển đổi, phát triển kinh tế số trên lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cửa khẩu số thúc đẩy thông quan hàng hóa và phát triển du lịch thông qua chuyển đổi số.

UBND tỉnh Lạng Sơn đặt ra mục tiêu trong năm 2021, có 50% số hộ gia đình kinh doanh, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

“Chúng tôi xác định một số lĩnh vực trọng tâm, có lợi thế của tỉnh Lạng Sơn để thí điểm chuyển đổi, phát triển kinh tế số trước, đó là lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, là cửa khẩu số thúc đẩy thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn và phát triển du lịch thông qua chuyển đổi số. Vấn đề hết sức quan trọng đó là vai trò của người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số có thành công hay không thì nó phụ thuộc vào khả năng nhận biết, kỹ năng tương tác của người dân, doanh nghiệp…” - ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Xác định là nơi có vai trò, vị trí là đột phá những điểm nghẽn trong việc mở ra thị trường ổn định cho nông sản địa phương cũng như của cả nước, tỉnh Lạng Sơn đã quyết tâm phát triển kinh tế số cho nông nghiệp nông thôn kết hợp với khơi thông dòng chảy thương mại bằng cửa khẩu số. Đây sẽ là cơ hội to lớn để nông nghiệp nói riêng và kinh tế Lạng Sơn nói chung phát triển thêm một bước mới./.

Duy Thái/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lang-son-ung-dung-kinh-te-so-tim-dau-ra-cho-nong-san-877029.vov