Lạng Sơn - Tiềm năng trở thành 'hòn ngọc' phía Bắc

Năm 2019 có hơn 30 doanh nghiệp đến Lạng Sơn tìm kiếm cơ hội đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 100.000 tỷ đồng. Lãnh đạo và nhân dân Lạng Sơn đang cố gắng nỗ lực để biến nơi đây thành 'hòn ngọc' phía Bắc của Tổ quốc.

Cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng hoàn thành, tạo thuận lợi để đi lại và thông thương hàng hóa tuyến Hà Nội - Lạng Sơn

Cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng hoàn thành, tạo thuận lợi để đi lại và thông thương hàng hóa tuyến Hà Nội - Lạng Sơn

Lợi thế kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Đông Bắc với gần 80% dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Kinh tế cửa khẩu đang là một lợi thế để Lạng Sơn phát triển. Tại đây, hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, kho bãi được quan tâm đầu tư. Mỗi ngày, khu vực cửa khẩu có khoảng 2.600 lượt xe tải tham gia vận chuyển hàng hóa; mỗi năm có khoảng 2.700 doanh nghiệp tham gia hoạt động tại khu vực kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

“Lạng Sơn có tiềm năng lớn về du lịch, thương mại, đặc biệt là thương mại vùng biên; có vị trí địa lí rất tốt để phát triển kinh tế khi là cửa ngõ biên giới, nằm trong tuyến hành lang kinh tế xuyên Á, giáp với nước bạn Trung Quốc với nền kinh tế năng động, lại cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ di chuyển”.

Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn diễn ra vào cuối tháng 9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng cam kết sẽ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp với mong muốn đưa Lạng Sơn trở thành mảnh đất đáng sống đúng như câu ca dao “Ai lên xứ Lạng cùng anh/ Bõ công bác mẹ sinh thành nên anh”.

Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho rằng, những năm qua kinh tế Lạng Sơn phát triển bền vững, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn năm 2011 - 2018 đạt 8-9%. Lãnh đạo tỉnh này thừa nhận nhiều lợi thế, tiềm năng của tỉnh chưa được phát huy tối đa, còn nhiều dư địa phát triển. Vị Chủ tịch tỉnh cũng vui mừng khi cho biết, trong năm 2019 đã có 105.000 tỷ đồng được nhà đầu tư đăng ký sẽ đầu tư vào Lạng sơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Lạng Sơn nhân dịp tỉnh này tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại mới đây cũng đánh giá, Lạng Sơn có tiềm năng lớn về du lịch, thương mại, đặc biệt là thương mại vùng biên; có vị trí địa lí rất tốt để phát triển kinh tế khi là cửa ngõ biên giới, nằm trong tuyến hành lang kinh tế xuyên Á, giáp với nước bạn Trung Quốc với nền kinh tế năng động, lại cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ di chuyển.

Như vậy, có thể thấy, Lạng Sơn đang hội tụ nhiều điều kiện tốt để phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế, lãnh đạo tỉnh này đang nắm bắt tốt thời cơ để kêu gọi đầu tư, từng bước hiện thực hóa biến Lạng Sơn thành xứ sở đáng sống, “hòn ngọc” phía Bắc của Tổ quốc.

Những công trình sẽ làm thay đổi Lạng Sơn

Mẫu Sơn là địa điểm du lịch nổi tiếng ở phía Bắc, cao hơn 1.500m, quanh năm mát mẻ, là nơi từng được người Pháp phát hiện và xây dựng thành khu nghỉ dưỡng. Cảnh sắc Mẫu Sơn được ví đẹp như tiên nữ nhưng chưa được đánh thức. Một tin vui đến với người dân xứ Lạng khi Tập đoàn Sungroup chính thức được cấp phép đầu tư vào Mẫu Sơn để biến nơi đây thành khu du lịch đẳng cấp khu vực và thế giới. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, người rất trăn trở và tâm đắc với dự án Mẫu Sơn mong muốn dự án sẽ sớm hoàn thành, khi đó kinh tế tỉnh nhà sẽ thêm khởi sắc, nguồn thu tỉnh tăng lên, tạo thành cú “hích” thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. “Chúng tôi luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ pháp luật để doanh nghiệp thực hiện dự án”, Phó Chủ tịch Lạng Sơn nói.

Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng được lãnh đạo tỉnh này hết sức quan tâm, sâu sát và trách nhiệm. Đây là dự án giao thông được đầu tư lớn nhất ở Lạng Sơn từ trước đến nay với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư. Theo Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tỉnh rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng, phối hợp với chủ đầu tư giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Kết quả, cao tốc đoạn Bắc Giang – Chi Lăng hoàn thành sớm chỉ sau gần 2 năm thực hiện, trở thành tuyến cao tốc làm nhanh nhất Việt Nam.

Một công trình “trị thủy” cũng đang được thực hiện ở Lạng Sơn là dự án đập Bản Lải, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Dự án trên sông Kỳ Cùng này sẽ cấp nước tưới cho 2.045ha đất canh tác, nước sinh hoạt cho 122.000 người dân và hoạt động công nghiệp. Công suất là 35.470m3/ngày đêm.

Mùa xuân này đến với Lạng Sơn, mọi thứ đều mới mẻ. Không chỉ mới ở những dự án ngàn tỷ mà từ thành thị đến nông thôn, cảnh sắc đều đang “thay da, đổi thịt”. Tin tưởng rằng với sự đoàn kết của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Lạng Sơn, nơi đây sẽ sớm trở thành điểm sáng mới của kinh tế cả nước.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/lang-son-tiem-nang-tro-thanh-hon-ngoc-phia-bac-490095.html