Lạng Sơn tập trung phát triển 3 trụ cột

Lạng Sơn tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên ba trụ cột: Kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững, nông nghiệp thông minh gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm.

Trong thời gian qua, kinh tế tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng đều, toàn diện, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2018 đạt 7,76%. Chỉ số sản xuất công nghiệp đều tăng bình quân trên 8% (9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,9%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn được nâng cao kết cấu hạ tầng, năng lực thông quan, tạo môi trường thuận lợi cho xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư. Lạng Sơn đã trở thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp lớn; tạo dựng được thương hiệu và vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm và đạt kết quả tích cực; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5% (bình quân cả nước là 88,7%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (bình quân giảm 3,25%/năm). Công tác khám chữa bệnh đạt nhiều kết quả tích cực...

Tuy nhiên, Lạng Sơn còn một số khó khăn, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục: Quy mô kinh tế còn nhỏ, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn (kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch) chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; xuất nhập khẩu tăng trưởng thiếu ổn định. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm; thu ngân sách chưa bền vững; kết cấu hạ tầng còn yếu kém. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán và chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; năng lực sản xuất, năng suất lao động thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Kinh tế tư nhân phát triển chậm, số lượng doanh nghiệp còn ít, bình quân 221 người dân/doanh nghiệp (thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 134 người dân/doanh nghiệp)...

Để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trên để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh cần tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên ba trụ cột, đó là: Kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững, nông nghiệp thông minh gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm. Cụ thể, tỉnh phải đẩy mạnh phát triển khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, logistics, trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của các địa phương trong cả nước; chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, du lịch gắn với giữ vững an ninh quốc phòng, có chính sách ưu đãi thu hút người dân đến làm việc tại khu vực kinh tế cửa khẩu, biên giới.

Phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn địa phương nhất là các sản phẩm ẩm thực đặc sắc của các dân tộc vùng cao, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa vùng biên ải, quảng bá vẻ đẹp mảnh đất, con người xứ Lạng; huy động nguồn lực đầu tư các dự án khu du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, trong đó đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa vùng trung du miền núi Bắc Bộ, là một điểm đến mới hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hiện đại, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến sâu để nâng cao giá trị hàng hóa; tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, đưa Lạng Sơn trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đặc sản như rau, hoa quả… Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, nhất là xử lý nước thải và bảo vệ môi trường rừng.

Phát triển đô thị Lạng Sơn theo hướng thành phố bản sắc văn hóa vùng biên

Cùng với đó, tỉnh phải làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ở cả đô thị và nông thôn; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tăng tính kết nối liên vùng; phát triển đô thị Lạng Sơn theo hướng thành phố bản sắc văn hóa vùng biên, thành phố xanh, sạch, đẹp cùng với đó là hệ thống thị trấn, thị tứ hiện đại, đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu vực cửa khẩu biên giới.

Tỉnh phải tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động; phát triển công nghiệp theo hướng chế biến sâu, giá trị gia tăng cao; hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới; phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; sắp xếp lại hiệu quả các nông, lâm trường gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, quản lý chặt chẽ và sử dụng ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch; thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở. Đề cao trách nhiệm công vụ, chất lượng cán bộ, công chức theo phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, để nâng cao niềm tin của xã hội, của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút phát triển, phấn đấu trong 5 năm tới, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lạng Sơn trong nhóm khá các tỉnh, thành phố cả nước; khuyến khích người dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong lớp trẻ để có nhiều doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân địa phương; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn; tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Coi kinh tế tư nhân là động lực chính thúc đẩy phát triển địa phương; đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực, từ xuất xứ hàng hóa đến thanh toán điện tử, thương mại....và thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân thuận lợi nhất.

Thủ tướng cũng yêu cầu Lạng Sơn phải tập trung phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong ngành lợi thế như thương mại, dịch vụ, du lịch... Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, công tác dân tộc. Giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí; chủ động tiếp cận và tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa trong nước; tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm thường xảy ra tại khu vực biên giới, bảo đảm giữ gìn quốc phòng an ninh, bảo vệ đường biên, cột mốc...

Phương Nhi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chi-dao-quyet-dinh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu/lang-son-tap-trung-phat-trien-3-tru-cot/380007.vgp