Lạng Sơn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu nông sản

Trong những năm qua, Lạng Sơn đã trở thành một địa bàn hấp dẫn, sôi động trong hoạt động thương mại, dịch vụ và là một trong những cửa ngõ chính trong kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc, nhất là mặt hàng nông sản.

Tỉnh Lạng Sơn có trên 231km đường biên giới, tiếp giáp với Quảng Tây - Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ; là điểm đầu mối quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Với vị trí địa lý cùng hệ thống giao thông và cửa khẩu thuận lợi, Lạng Sơn giữ vai trò quan trọng trong đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh, thành của Việt Nam và thị trường Trung Quốc. Tương lai không xa, Lạng Sơn sẽ là đầu cầu quan trọng trong trung chuyển, thông thương hàng hóa của cả nước và các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Ông Nguyễn Quốc Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn - cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu nông sản qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra sôi động, kim ngạch hàng nông sản luôn chiếm từ 80% trở lên trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, góp phần thúc đẩy tình hình sản xuất, kinh doanh nông sản, hoa quả của các địa phương trong cả nước. Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch lớn như thanh long, dưa hấu, xoài, sầu riêng, mít, nhãn, vải thiều… Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 2,4 tỷ USD.

Trong năm 2019, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu 9 loại hoa quả gồm: Vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, mít, xoài, chuối quả tươi và gần đây là măng cụt qua các cửa khẩu: Hữu Nghị, Cốc Nam, Tân Thanh. Trong 9 tháng đầu năm 2019, thông qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nước ta đã xuất khẩu sang Trung Quốc gần 2 triệu tấn nông sản, chủ yếu là trái cây các loại, cụ thể: Thanh long: 460.000 tấn, dưa hấu: 210.000 tấn, xoài: 330.000 tấn, mít: 150.000 tấn, chuối: 80.000 tấn, vải: 75.000 tấn…

Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

Trong đó, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị: 9 tháng đầu năm 2019, lượng hàng nông sản xuất khẩu trung bình từ 200 - 250 xe/ngày; tại cửa khẩu phụ Cốc Nam, mặc dù lượng hàng nông sản xuất khẩu từ tháng 6 đến tháng 9/2019 trung bình chỉ khoảng 40 – 60 xe/ngày, nhưng từ đầu tháng 10/2019 đến nay, lượng hàng nông sản xuất khẩu có chiều hướng tăng, trung bình khoảng 70 - 90 xe/ngày, chủ yếu là mặt hàng xoài, mít, chôm chôm...; tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, trong quý 3/2019, số lượng phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu thông quan trung bình khoảng từ 80 - 150 xe/ngày…

Ông Hoàng Khánh Duy - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn - cho hay, hàng năm, có gần 3.000 doanh nghiệp cả nước thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh, lưu lượng khoảng 1.500 xe/ngày; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn những năm gần đây đều đạt mức tăng trưởng khá.

Bình quân một năm kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,5 tỷ USD, chủ yếu là hàng hóa hoa quả, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị… Riêng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn 9 tháng đầu năm 2019 đạt 3,18 tỷ USD, đạt 60,8% kế hoạch, trong đó xuất khẩu đạt 1,73 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,28 tỷ USD.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu một cách linh hoạt. Trên cơ sở chính sách về thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, UBND tỉnh đã luôn tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất để thu hút, mời chào các doanh nghiệp đến với Lạng Sơn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua các cửa khẩu của Lạng Sơn; thường xuyên chỉ đạo nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu; chủ động cập nhật các thay đổi về chính sách, điều hành của hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới của Trung Quốc, những biến động bất thường…. từ đó, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để có các cơ chế quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu phù hợp hơn với thực tiễn.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phân luồng, điều tiết, bố trí, sắp xếp hợp lý các xe chở hàng xuất khẩu tại các bến bãi trong cửa khẩu và trên các tuyến quốc lộ để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, cử cán bộ trực 24/24 giờ để đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực dừng đỗ phương tiện vào những thời điểm ùn ứ phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt, phân luồng ưu tiên cho mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu, chủ động giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp theo chức năng, thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện, làm việc cả ngày nghỉ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)...

Bên cạnh đó, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành thực hiện cơ chế hội đàm định kỳ và thường xuyên để bàn bạc, trao đổi các nội dung liên quan đến tình hình hoạt động tại cửa khẩu; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp, thường xuyên nắm tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu để chủ động hội đàm với các cơ quan liên quan phía Quảng Tây - Trung Quốc, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; thống nhất kéo dài thời gian thông quan hàng ngày, làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật và dịp lễ tết của mỗi bên để đẩy nhanh thực hiện thủ tục thông quan, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa của hai bên, nhất là xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-son-tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-cho-xuat-khau-nong-san-127063.html