Lạng Sơn: Tăng cường xử lý hàng lậu và gian lận xuất xứ

Sáu tháng đầu năm 2019, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở Lạng Sơn giảm so với cùng kỳ năm 2018, song Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, diễn biến luôn tiềm ẩn phức tạp, nhất là tại một số khu vực biên giới, trong đó có nhiều mặt hàng giả mạo nhãn hiệu, giả nguồn gốc, xuất xứ nhập lậu... Trong 6 tháng cuối năm, Cục QLTT Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát và xử lý đối với các vi phạm này.

Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, quá trình kiểm tra các hộ kinh doanh dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng trên địa bàn, trong số 20 vụ/lượt các Đội QLTT trực thuộc kiểm tra trong 6 tháng đầu năm, cả 20 vụ đều vi phạm và đã bị xử lý, trị giá hàng vi phạm khoảng 126,5 triệu đồng, xử phạt hành chính số tiền 59,2 triệu đồng, hàng hóa bao gồm 942,7 kg các loại dược liệu như đông trùng hạ thảo, tam thất, củ quy, củ bạch chỉ, ba kích, thiên ma, táo đỏ, kỳ tử... vi phạm qui định về nguồn gốc, xuất xứ.

QLTT Lạng Sơn kiểm tra chấp hành ghi nhãn và niêm yết giá bán hàng hóa tại Chợ Giếng Vưông

QLTT Lạng Sơn kiểm tra chấp hành ghi nhãn và niêm yết giá bán hàng hóa tại Chợ Giếng Vưông

Quá trình phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại trên các tuyến quốc lộ 1A, 1B, 4B, QLTT và các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 472 vụ liên quan đến buôn lậu, xử phạt hành chính trên 7,9 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá khoảng 6,6 tỷ đồng. Ngoài ra, QLTT Lạng Sơn cũng đã kiểm tra và xử lý 98 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 2,1 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá tương đương hàng thật khoảng 2,7 tỷ đồng.

Tại các khu vực biên giới vẫn diễn ra các hành vi lợi dụng quy trình, thủ tục hải quan để gian lận số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ hàng hóa... Đáng chú ý, có doanh nghiệp nhập khẩu dùng thủ đoạn ghi hoặc dán xuất xứ hàng hóa, nhãn phụ mờ nhạt, dễ thay thế để đối phó với cơ quan chức năng cửa khẩu khi làm thủ tục thông quan hàng hóa vào nội địa nhằm gian lận nguồn gốc xuất xứ, kể cả giả mạo nguồn gốc hàng hóa từ nước thứ 3 (hàng từ Trung Quốc nhưng ghi ngoài bằng chữ Thái Lan, Việt Nam...); trong khi đó, ở một số khu vực trong thị trường nội địa, các đối tượng thực hiện các hành vi gian lận về số lượng, chất lượng, giá hàng hóa ghi trên hóa đơn.

Lạng Sơn là cửa ngõ, địa bàn kết nối giao thương của Việt Nam qua tuyến Quảng Tây (Trung Quốc) - Lạng Sơn, trong 6 tháng cuối năm 2019, căng thẳng quan hệ thương mại Trung - Mỹ vẫn tiếp tục phức tạp, các đối tượng rất có thể dùng những thủ đoạn “mượn đường” Việt Nam để đưa hàng Trung Quốc vào nội địa và dùng các biện pháp gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba; đưa hàng hàng hóa từ Trung Quốc nhưng gian lận nguồn gốc xuất xứ của nước thứ ba nhập khẩu vào Việt Nam để trục lợi...

Xử lý vi phạm về ghi dán nhãn mác hàng hóa kinh doanh

Các đối tượng buôn lậu có thể sẽ tận dụng triệt để khả năng hạ giá thành sản xuất hàng hóa của Trung Quốc để nhập lậu hàng hóa vào Việt Nam, sau đó tìm cách gian lận về nguồn gốc, xuất xứ, kể cả không loại trừ một số doanh nghiệp đặt hàng sản xuất từ Trung Quốc nhập về Việt Nam mang danh nghĩa hàng sản xuất trong nước để trục lợi. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc một mặt quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu, tái xuất hàng hóa từ Việt Nam sang, mặt khác tạo mọi điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách để cho hàng hóa từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam. Đây cũng sẽ là một áp lực rất lớn đối với các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng QLTT trong việc kiểm tra, kiểm soát các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gian lận nguồn gốc xuất xứ, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

Trong 6 tháng cuối năm, Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, bên cạnh việc tiếp tục sắp xếp, ổn định tổ chức bộ máy, ổn định tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức... sẽ tăng cường các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng vào các lĩnh vực an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, thương mại điện tử, bán hàng đa cấp, đặc biệt là các hành vi buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, gian lận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hàng giả nhãn hiệu “made in Vietnam”...

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò, nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi nhất theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu hợp pháp qua địa bàn. Tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật đối với người sản xuất, kinh doanh, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương tr công tác chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, Cục QLTT Lạng Sơn cũng kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện Công văn số 38/UBND-KTTH ngày 22/02/2019 của UBND tỉnh về việc tổ chức đấu tranh, triệt phá, bắt giữ các đối tượng buôn lậu trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo sự đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới có tổ chức, chuyên nghiệp, các đối tượng chuyên sử dụng hóa đơn bán hàng ghi cho hàng hóa nhập lậu lưu thông trên thị trường.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-son-tang-cuong-xu-ly-hang-lau-va-gian-lan-xuat-xu-122482.html