Lạng Sơn: Quyết 'hạ nhiệt' tình trạng nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn cho biết, những năm gần đây, Lạng Sơn là địa bàn 'nóng' về buôn bán, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật nhập lập. Do đó, để ngăn chặn, 'hạ nhiệt' tình trạng này, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt từ biên giới tới nội địa.

Lực lượng chức năng Lạng Sơn tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn: Internet

Đánh giá từ Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn cho thấy, thời gian qua, thuốc bảo vệ thực vật thường trà trộn, găm cắm giữa các hàng hóa khác để nhập lậu qua biên giới. Địa bàn hoạt động chủ yếu là các đường mòn biên giới thuộc khu vực xã Yên Khoái, Tú Mịch huyện Lộc Bình; khu vực cánh gà cửa khẩu Tân Thanh, một số lối mòn qua biên giới thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng và thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.

Theo đó, các đầu nậu thường thuê người lao động vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu qua đường mòn, lối mở dọc biên giới, sau đó vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe đạp, xe máy vào sâu nội địa để găm cắm trên các xe ô tô, xe mô tô về các tỉnh phía sau.

Theo thống kê, năm 2017, Chi cục Bảo vệ thực vật Lạng Sơn đã tiếp nhận từ các cơ quan, lực lượng chức năng và bàn giao cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) gần 2,5 tấn thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục và cấm sử dụng tại Việt Nam. Ngày 16/5/2018, Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức đưa số thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu này đi tiêu hủy.

Được biết, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu qua địa bàn Lạng Sơn chủ yếu là các loại thuốc trừ cỏ, trừ sâu, diệt côn trùng, diệt chuột và thuốc kích thích tăng trưởng, mang các nhãn hiệu: ANVADO 100WP, KARO 72 WP, HOGAM 665 EC, COMPATT 555WDG, EAG2E 50WDG, MEGAMECTIN 56 EC… Đây là các loại thuốc hóa học, có độc tố mạnh nên khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và nguy hại cho môi trường.

Cũng theo Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn, trong nội địa, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ còn do một số hộ kinh doanh, cá nhân (chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật) lén lút bán tại các chợ phiên ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Từ năm 2017 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra được 327 lượt cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Qua kiểm tra phát hiện một số trường hợp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đơn cử từ đầu năm 2018 đến nay, qua kiểm tra tại một số xã của huyện Lộc Bình, Cao Lộc, lực lượng chức năng đã tịch thu 3 lô hàng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục với khối lượng 32 kg thuốc tím, 147 lọ thuốc diệt cỏ và diệt kiến, 35 hộp thuốc diệt gián…

Tuy nhiên, theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn, mặc dù đã được kiểm soát song do địa bàn rộng, lực lượng chức năng mỏng, số cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhiều, cùng với đó, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu có giá rẻ, đóng gói dễ dàng, gọn nhẹ nên rất khó khăn cho kiểm tra, kiểm soát nhất là khâu lưu thông.

Do đó, để kiểm soát chặt, Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lang-son-quyet-ha-nhiet-tinh-trang-thuoc-bao-ve-thuc-vat-nhap-lau.aspx