Lạng Sơn: Phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu

Là địa bàn có nhiều cửa khẩu, lối mở, điểm thông quan, thuận lợi cho giao thương XNK hàng hóa, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách nhằm phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo đột phá trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Qua đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực biên giới.

Hàng nông sản chờ XK qua cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: H.Nụ

Tập trung đầu tư Là một trong các cửa ngõ chính - XK hàng Việt Nam sang Trung Quốc, có vị trí quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng nhằm phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư xây dựng các hạng mục, công trình phục vụ hoạt động XNK, hệ thống bến bãi....

Đặc biệt, cuối năm 2017, công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa qua mốc 1119 - 1120 đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, XNC, XNK hàng hóa tăng lên rõ rệt. Tính đến 15/8, tổng kim ngạch XNK qua cửa khẩu đạt 2541,3 triệu USD, trong đó, lượng nông sản XK sang thị trường Trung Quốc qua Lạng Sơn đạt 1,8 triệu tấn. Theo ông Trần Bằng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, trước năm 2018, hàng XK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chủ yếu là đồ gỗ, tinh bột và một số ít hàng nông sản, bình quân mỗi ngày chỉ làm thủ tục thông quan cho khoảng 100 phương tiện. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, phía Trung Quốc đã thực hiện nhập hàng nông sản (chủ yếu là hoa quả) từ Việt Nam tại khu vực này, cho nên hàng nông sản XK tăng đột biến. Cao điểm mùa thu hoạch nông sản từ tháng 3 đến tháng 6, mỗi ngày cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tiếp nhận, làm thủ tục XK từ 250 đến 350 xe hàng, tăng gấp ba lần so những năm trước. Khác với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, trước đây, khi vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, vải thiều... cửa khẩu Tân Thanh luôn trong tình trạng quá tải, gây ùn ứ, ách tắc giao thông, hàng hóa bị tồn đọng dẫn đến hư hỏng, thiệt hại nhiều về kinh tế cho tư thương, thì nay hàng hóa đã thông thương.

Nguyên nhân cuối năm 2017, tỉnh Lạng Sơn đã đưa vào sử dụng nhiều công trình như: trục đường giao thông nối với quốc lộ 4A (Pắc Luống – Tân Thanh); khu tái định cư Tân Thanh, đấu nối đường bộ tại cặp chợ biên giới Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc)… Đặc biệt, tỉnh cũng đã quyết định đầu tư mở mới công trình đường nối cửa khẩu Tân Thanh với Khu kiểm soát Khả Phòng (Pò Chài, Quảng Tây, Trung Quốc) phục vụ XNK. Tuyến đường có chiều dài hơn 4 km, thiết kế mặt đường bê tông nhựa rộng 15m, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.

Còn tại cửa khẩu phụ Cốc Nam, Bình Nghi, Nà Nưa, Na Hình, Pò Nhùng, Co Sâu, Bản Chắt, điểm thông quan Co Sa, cửa khẩu chính Chi Ma... đã được UBND tỉnh Lạng Sơn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện các hạng mục như: kết cấu hạ tầng giao thông, nhà kiểm soát liên hợp, nhà công vụ cho các lực lượng chức năng, hệ thống bến bãi… Qua đó, góp phần thu hút DN XNK qua địa bàn, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ngày càng tăng. Theo đại diện Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, việc đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, công tác đấu nối giao thông đường bộ và quy hoạch tại các cửa khẩu đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, thu hút DN XNK qua địa bàn. Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.700 DN tham gia XNK qua địa bàn. Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong 10 năm qua, tỉnh đã đầu tư 8.200 tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu, trong đó ngân sách Trung ương cấp 2.800 tỷ đồng (chiếm 33%), ngân sách tỉnh và các DN là 5.400 tỷ đồng (chiếm 67%). Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng và kho bãi tại tất cả các cửa khẩu cơ bản được đầu tư mở rộng, đáp ứng yêu cầu và rất thuận tiện cho việc XNK hàng hóa.Tạo thuận lợi tối đa Để phát triển kinh tế cửa khẩu cũng như phát huy lợi thế của tỉnh, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích và thủ tục thu nộp thuế điện tử. Đặc biệt, Cục Hải quan Lạng Sơn đã áp dụng Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS và Cơ chế một cửa quốc gia nhằm rút ngắn thời gian thông quan, đã tác động tích cực đến hoạt động trao đổi XNK hàng hóa. Ông Nguyễn Công Trưởng khẳng định, tỉnh Lạng Sơn cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất để thu hút các DN Việt Nam và Trung Quốc đến với Lạng Sơn đầu tư sản xuất, kinh doanh, XNK hàng hóa thông qua các cửa khẩu của Lạng Sơn. Thời gian tới, nhất là vào những cao điểm XK nông sản, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, thường xuyên đối thoại và phối hợp với các cấp chính quyền Quảng Tây - Trung Quốc để hai bên cùng đưa ra những cơ chế, chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thông quan hàng hóa; cử cán bộ trực 24/24 giờ để đảm bảo lưu thông hàng hóa XNK. Bên cạnh đó, phân luồng, điều tiết, bố trí, sắp xếp hợp lý các xe chở hàng XK tại các bến bãi trong cửa khẩu và trên các tuyến quốc lộ để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, trong đó, phân luồng ưu tiên cho mặt hàng hoa quả tươi. Đồng thời, chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn, kịp thời đưa ra các giải pháp, hướng dẫn và khuyến cáo nhằm tránh rủi ro, giảm thiệt hại cho DN. Tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực XNK hàng hóa, không để hàng hóa XK ùn tắc tại các cửa khẩu.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lang-son-phat-huy-the-manh-kinh-te-cua-khau.aspx