Lạng Sơn: Nhiều ưu đãi đặc thù cho nhà đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản

Nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 – 2025, Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 (Nghị quyết 08) với nhiều ưu đãi đặc thù cho các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, Nghị quyết 08 ra đời có nhiều điểm mới, đặc biệt là nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư.

Na Chi Lăng là 1 trong những loại quả đặc sản của tỉnh Lạng Sơn

Theo đó, hỗ trợ 100% lãi suất trong hạn mức vốn vay các ngân hàng cho nhà đầu tư có dự án đầu tư trong Danh mục Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, với mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án và hỗ trợ 50% lãi suất trong hạn mức vốn vay các ngân hàng cho nhà đầu tư có dự án đầu tư trong Danh mục Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án.

Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân vốn vay và căn cứ vào thời hạn hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng nhưng tối đa không quá 5 năm đối với dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm; không quá 7 năm đối với dự án trồng cây lâm nghiệp kinh doanh lấy gỗ nguyên liệu; không quá 10 năm đối với dự án trồng cây ăn quả, cây đặc sản; không quá 12 năm đối với dự án trồng cây gỗ lớn; không quá 3 năm đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp khác. Hạn mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Về điều kiện hỗ trợ, dự án phải có hạn mức vốn vay ngân hàng từ 200 triệu đồng trở lên. Dự án sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ gốc, lãi theo đúng thỏa thuận với tổ chức tín dụng. Dự án đề nghị được hỗ trợ là dự án chưa được hỗ trợ lãi suất từ các chính sách khác.

Để Nghị quyết đi vào thực tiễn, mới đây, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Văn bản hướng dẫn liên ngành về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025 theo Nghị quyết 08. Theo đó, để nhận hỗ trợ lãi suất tín dụng, về quy trình thực hiện, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn hỗ trợ lãi suất, nhà đầu tư cần lập giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng gửi UBND các huyện, thành phố nơi sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, UBND cấp huyện, thành phố kiểm tra các nội dung theo quy định. “Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị, UBND cấp huyện, thành phố xem xét, xác nhận cho nhà đầu tư.Sau khi có được xác nhận trên, nhà đầu tư mang theo giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng đến ngân hàng thương mại để được hướng dẫn thủ tục vay vốn ngân hàng”- Văn bản hướng dẫn liên ngành nêu rõ.

Ngân hàng thương mại sẽ có trách nhiệm hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ vay vốn, tiến hành thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp được ngân hàng đồng ý cấp tín dụng, ngân hàng thương mại sẽ thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn cho vay theo quy định. Sau khi hoàn tất thủ tục vay vốn, ngân hàng thương mại gửi UBND cấp huyện, thành phố văn bản thông báo về việc quyết định cho nhà đầu tư vay vốn.

Đến kỳ hạn thu lãi vay, ngân hàng thương mại thu toàn bộ số tiền lãi vay theo Hợp đồng tín dụng. Sau khi thực hiện quy trình thanh, quyết toán khoản hỗ trợ lãi suất tín dụng ngân hàng theo quy định, nhà đầu tư sẽ nhận kinh phí hỗ trợ lãi suất (do ngân sách cấp) qua ngân hàng thương mại nơi nhà đầu tư vay vốn.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Mục đích của Nghị quyết là để đầu tư phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, trong năm 2020, mỗi huyện chọn ra ít nhất từ 5-7 cá nhân, tổ chức được thụ hưởng chính sách này.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-son-nhieu-uu-dai-dac-thu-cho-nha-dau-tu-san-xuat-tieu-thu-nong-san-139420.html