Lạng Sơn: Người 'giữ lửa' cho những điệu then cổ

Đó là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông, sinh năm 1948 tại khu II, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Với gần 50 năm miệt mài gìn giữ điệu hát then cổ – di sản văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc Tày, Nùng, bà không chỉ tiếp thu những làn điệu then đó mà còn lan tỏa niềm đam mê bằng cách truyền dạy lại cho nhiều thế hệ học trò.

Là người Tày, từ khi còn nhỏ bà Bông thường xuyên theo mẹ đi nghe hát then, những âm thanh từ câu then, điệu tính đã hun đúc cho cô bé Bông một niềm đam mê mãnh liệt. Đến năm 14 tuổi, bà Bông được gia đình cho theo học then cổ với nhiều nghệ nhân có tiếng trong vùng.

Sau khi học xong chương trình học phổ thông, năm 20 tuổi, bà đảm nhận công tác tại Đài Truyền thanh huyện Tràng Định với vai trò là phát thanh viên. Nặng lòng với then cổ nên trong gần 30 năm ở vị trí công tác, bà vẫn tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với đàn tính, hát then. Thuận lợi là phát thanh viên đài truyền thanh huyện, bà có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu và biên tập, sáng tác những tác phẩm bằng tiếng Tày, Nùng để phát lên đài truyền thanh, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và nhân dân tại các vùng biên giới.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông (giữa) biểu diễn tiết mục hát then tại lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú năm 2019

Bà Bông cho biết: “Qua gần 50 năm gắn bó với then, hiện nay, tôi có thể thực hành được tốt các làn điệu Tày, Nùng gồm: phong slư, lượn slương, lượn Nàng Hai, lượn Nàng ới, khóc tang lễ, hát đồng dao, hát ru, hát mo,… Tôi đã sưu tầm gần 200 làn điệu dân ca cổ, cùng với một số văn bản bằng chữ Hán được sử dụng trong tang lễ của dân tộc Nùng. Về then cổ, tôi nắm giữ những làn điệu như: Khay Pác, Pây tàng, Xuôi sluông, Vọng Én,…”.

Bên cạnh đó, bà Bông còn có thể thực hiện hơn 100 bài then mới của các vùng như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Hơn thế, bà Bông còn tự chế tác được hơn 20 chiếc đàn tính và tự làm 3 chiếc mũ then. Ngoài bảo tồn, trình diễn bà còn tự chỉnh biên, đặt lời, lồng điệu và dàn dựng 17 tác phẩm đạt giải thưởng trong các kỳ liên hoan, hội diễn như: huy chương vàng tiết mục “Chầu tướng” tại Liên hoan tiếng hát công nông binh huyện Tràng Định năm 1998, huy chương bạc tiết mục hát then “Mùa hoa lê” tại Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn năm 2005,… và một số giải thưởng danh giá khác.

Không dừng lại ở việc trau dồi kỹ năng và sáng tác, bà Bông còn dùng vốn tri thức của mình để truyền dạy lại cho nhiều thế hệ học trò. Bởi theo bà, việc bảo tồn và phát huy then là cần thiết, góp phần bảo lưu các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của người Tày, Nùng. Tính đến nay, số học viên theo học với bà đã lên đến hơn 100 người. Học trò của bà Bông ở mọi lứa tuổi từ học sinh đến những phụ nữ lớn tuổi. Nhiều học trò của bà đã trở thành hạt nhân văn nghệ đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Bà Bế Thị Thủy, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tràng Định nhận xét: “Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông là người tận tụy trong việc lưu giữ làn điệu dân tộc, bên cạnh đó bà cũng là người tham gia sôi nổi các hoạt động ở địa phương. Những đóng góp của bà góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh Lạng Sơn nói chung”.

Với những đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy then cổ của dân tộc Tày, Nùng trong cộng đồng, tháng 6/2019, bà Nguyễn Thị Bông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian”.

Dương Kim

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lang-son-nguoi-%E2%80%9Cgiu-lua%E2%80%9D-cho-nhung-dieu-then-co-72868