Lạng Sơn: Nâng hạng các xã đặc biệt khó khăn

Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến hết năm 2020 có 77/207 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2021 – 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí NTM.

61/207 xã đã đạt chuẩn

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lạng Sơn, đến hết năm 2019, bình quân 1 xã trên địa bàn tỉnh đạt 11,4 tiêu chí NTM, tăng 8,83 tiêu chí so với năm 2011, vượt chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg là 10,4 tiêu chí. Trong đó có 61/207 xã đã đạt chuẩn NTM, chiếm 29,4% tổng số xã. Dự kiến hết năm 2020 có 77/207 xã (tỷ lệ 37,20%) được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu được giao...

 UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

Đến nay, 2 xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng) và Hoàng Đồng (TP. Lạng Sơn) đã hoàn thành 14/14 tiêu chí xã NTM nâng cao. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTM thực hiện lựa chọn các thôn tiêu biểu để xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu.

Toàn tỉnh có 110 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó có 20 xã biên giới. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn còn cao. Trong giai đoạn 2010 – 2020, toàn tỉnh đã có 17 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM; 12 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 83 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Bình quân tiêu chí các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh là 8,9 tiêu chí.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 - 2020; Đề án xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020;…

Công tác chỉ đạo, thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn được UBND tỉnh chỉ đạo theo hướng vừa chỉ đạo điểm, vừa chỉ đạo diện. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh lựa chọn 5 xã khó khăn nhất trong các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh để tập trung chỉ đạo phấn đấu đạt chuẩn NTM; mỗi huyện lựa chọn từ 2 - 3 xã để chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn 2016 - 2020; phấn đấu các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh mỗi năm phải đạt từ 1 - 2 tiêu chí….

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 4 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí; 41 thôn đang rà soát hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn. Dự kiến hết năm 2020 toàn tỉnh có 100/189 thôn trên địa bàn các xã biên giới, đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM.

Phấn đấu 118 xã đạt chuẩn

Sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh đến hết năm 2020, tổng số xã trên địa bàn tỉnh là 181, giảm 26 xã, trong đó có 9 xã đã đạt chuẩn NTM. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, Lạng Sơn đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm có 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến hết năm 2025 là 118, chiếm tỷ lệ 65% trong tổng số 181 xã. Đến hết năm 2025, bình quân 1 xã trên địa bàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí, không có xã dưới 15 tiêu chí; phấn đấu có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng NTM; xây dựng được 35 xã NTM nâng cao; 12 xã NTM kiểu mẫu; xét công nhận 130 khu dân cư NTM kiểu mẫu; xây dựng 80% số thôn, bản thuộc các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn Bộ tiêu chí thôn đạt chuẩn NTM. Phấn đấu không còn xã dưới 15 tiêu chí trong giai đoạn 2021 – 2025.

Để đạt được mục tiêu, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp và nông thôn thực hiện Chương trình xây dựng NTM; chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động ưu tiên phân bổ nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn để thực hiện hỗ trợ chương trình, trong đó ưu tiên đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, các xã đặc biệt khó khăn, và 20 xã biên giới theo hướng ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cộng đồng dân cư như thủy lợi, giao thông và các công trình phúc lợi xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh các tiêu chí có thể huy động từ nội lực thì việc hoàn thành được các tiêu chí về hạ tầng nông thôn đòi hỏi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, đặc biệt là các tiêu chí: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất, văn hóa... cần phải có nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách rất lớn.

Do đó, tỉnh Lạng Sơn đề xuất, cần có chính sách ưu tiên tăng mức hỗ trợ nguồn vốn trực tiếp trong Chương trình xây dựng NTM cho các tỉnh khó khăn; tăng định mức hỗ trợ các nguồn vốn trực tiếp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, để bảo đảm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo định hướng chỉ đạo của Trung ương.

Bộ tiêu chí về xã NTM được Trung ương, tỉnh ban hành đều được phân ra các vùng khác nhau, nên mức độ xã đạt chuẩn NTM của từng vùng có sự khác nhau, đặc biệt xã đạt chuẩn NTM vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, xã ở khu vực đồng bằng có sự chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội. Do vậy, Trung ương có chính sách hỗ trợ việc duy trì, nâng cao chất lượng xã đã đạt chuẩn đối với các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, để đảm bảo công bằng giữa các vùng trong cả nước và trong tỉnh.

Theo kết quả rà soát tổng nhu cầu nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 10.640 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 7.450 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 70%; ngân sách tỉnh và các nguồn huy động khác là 3.190 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30%.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-son-nang-hang-cac-xa-dac-biet-kho-khan-140299.html